1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Gửi tin nhắn phạt nguội - Thủ đoạn lừa đảo hoàn toàn mới

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Giả danh cán bộ CSGT, các đối tượng lừa đảo gọi điện gây áp lực với người vi phạm luật giao thông bị phạt nguội để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Ngày 27/4, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM vừa phát đi thông báo để người dân cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng phạt nguội về vi phạm luật giao thông để chiếm đoạt tài sản.

Theo Phòng PC08, các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua hình ảnh (xử phạt nguội) được cơ quan chuyển đến người vi phạm bằng đường bưu điện.

Nếu sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính thì Phòng PC08 sẽ phối hợp với Công an phường, xã, thị trấn 24 quận, huyện để gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện.

Gửi tin nhắn phạt nguội - Thủ đoạn lừa đảo hoàn toàn mới - 1

Người dân nhận được điện thoại thông báo phạt nguội cần báo ngay cho công an địa phương gần nhất.

Khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết.

Thời gian gần đây, có một số đối tượng lừa đảo sử dụng điện thoại để thông báo vi phạm qua hình ảnh và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng để chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, các đối tượng này giả danh lực lượng CSGT gọi điện cho người dân để thông báo liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm hoang mang, lo sợ. Khai thác được thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

"Lấy được thông tin về tài sản, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội", đại diện Phòng PC08 cho hay.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.

Phòng PC08 khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Người dân khi nhận được các cuộc gọi này cần báo ngay cho công an địa phương gần nhất để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh.

Để tìm hiểu các thông tin liên quan đến vi phạm qua hình ảnh, người dân có thể truy cập trang thông tin điện tử của Phòng PC08 ở địa chỉ http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn.

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ mail…) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.

Gửi tin nhắn phạt nguội - Thủ đoạn lừa đảo hoàn toàn mới - 2

Cục CSGT cảnh báo, thời gian vừa qua xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng việc phạt nguội vi phạm giao thông để lừa đảo người dân.

Ngày 27/4, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong thời gian khoảng 1 tháng gần đây, trực ban của cơ quan này liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh việc bị những số điện thoại lạ (+84 906.077.811; +84 906.071.895… và số điện thoại không xác định) gọi đến.

Người gọi đến tự xưng là số tổng đài Cảnh sát giao thông (Cục CSGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…) rồi thông báo đến người nghe điện thoại về việc bị lập biên lai phạt nguội do vi phạm trật tự an toàn giao thông, khiến người nghe hoang mang, lo sợ.

Cụ thể, các đối tượng này tự xưng là tổng đài viên của CSGT hỏi: "Anh (chị) đã nhận được biên bản xử phạt chưa? Hoặc anh (chị) gây tai nạn giao thông (có thời gian, địa điểm)… đến nay đã quá thời hạn xử lý; đề nghị anh (chị) cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, yêu cầu anh (chị) cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để (Cục CSGT, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…) cung cấp cho anh (chị) số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt…".

Tiếp đó, các đối tượng này sẽ yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với "vỏ bọc" xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội.