1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Giúp Trương Mỹ Lan đoạt 30.000 tỷ đồng, nhân viên nói "làm không suy nghĩ"

Hoài Thanh Xuân Duy

(Dân trí) - Bị cáo Nguyễn Phương Anh đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của 4 công ty, chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng. Trước tòa, bị cáo nói lúc làm không suy nghĩ.

Sáng 20/9, HĐXX bước vào phần thẩm vấn các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2020, thông qua 4 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát, gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra, bị cáo Trương Mỹ Lan đã gian dối về mục đích phát hành trái phiếu (tăng vốn, đầu tư dự án...), chạy dòng tiền "khống" để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp, gian dối về điều kiện phát hành..., qua đó phát hành 25 mã, tổng khối lượng 308.600 trái phiếu trị giá 30.800 tỷ đồng.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, 4 công ty nêu trên còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại, không có khả năng thanh toán.

Thừa nhận vai trò giúp sức

Khai trước tòa, bị cáo Hồ Bửu Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020, thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết. Bị cáo cho biết, tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu từ bà Trương Mỹ Lan thông qua cuộc họp. Từ đó, ông Phương cùng tập đoàn phối hợp với các đơn vị để hoàn tất hồ sơ phát hành trái phiếu đúng lộ trình Vạn Thịnh Phát mong muốn.

Với các gói trái phiếu được phát hành, bị cáo Phương cho biết Vạn Thịnh Phát không yêu cầu có tài sản đảm bảo. Người đàn ông này bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu của 4 công ty: An Đông, Quang Thuận và Sunny World, chiếm đoạt số tiền hơn 969 tỷ đồng của 33.393 bị hại.

"Bị cáo nhận thức thế nào về trách nhiệm của mình?", chủ tọa hỏi.

"Bị cáo nghĩ mình có nhận thức tương đối về pháp luật, nhưng có vài khía cạnh không nắm hết, cũng không ngờ số lượng người mua trái phiếu lớn tới như vậy. Khi phát hành trái phiếu, bị cáo còn không nghĩ có người mua. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo rất ăn năn, hối hận", bị cáo Hồ Bửu Phương nói và xin HĐXX xem xét về cáo buộc vai trò giúp sức tích cực.

Giúp Trương Mỹ Lan đoạt 30.000 tỷ đồng, nhân viên nói làm không suy nghĩ - 1

Bị cáo Nguyễn Phương Anh bị cáo buộc giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Hùng).

Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm, Phó văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết. Song, bị cáo cho rằng, không biết gì về việc phát hành trái phiếu của Công ty Setra.

"Bị cáo được bổ nhiệm phó phòng, nhưng chỉ làm công việc nhân sự, chuyển nhượng hợp đồng, theo dõi cổ đông của công ty, công việc về văn bản, theo dõi tài sản", bà Tâm khai.

Cùng bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty SPG, nói "lúc làm không suy nghĩ nhiều", giờ mới thấy hậu quả quá lớn.

Khi thấy thái độ của bị cáo Phương bật cười, HĐXX chất vấn: "Bị cáo không thấy trách nhiệm của mình hay sao? Bị cáo có thấy việc mình làm vi phạm quy định pháp luật? Biết bao nhiêu người tham gia mua trái phiếu bị cáo biết không, hậu quả bị cáo thấy không? Chuỗi hành vi có sự giúp sức của bị cáo, tạo lập dòng tiền gây ra hậu quả rất lớn".

Lúc này, bị cáo Phương Anh thừa nhận cáo trạng truy tố hành vi của mình không oan sai.

"Vô cùng đau lòng"

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai làm việc ở SCB từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2020 thì nghỉ việc. Theo cáo buộc, ông Văn đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 28.000 tỷ đồng của 35.818 bị hại.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Văn thừa nhận các con số cáo buộc trên. Đồng thời, người đàn ông này khai chỉ làm công hưởng lương, không được hưởng lợi từ việc phát hành trái phiếu.

Giúp Trương Mỹ Lan đoạt 30.000 tỷ đồng, nhân viên nói làm không suy nghĩ - 2

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Ảnh: Hoàng Hùng).

Tòa hỏi cáo trạng truy tố bị cáo có oan sai hay không, ông Văn nói hành vi của mình gây tổn hại cho rất nhiều người, còn việc đánh giá có nhận thức hết trách nhiệm hay chưa thì nhờ HĐXX xem xét.

Tiếp đó, cựu Tổng giám đốc SCB khai bà Trương Mỹ Lan đã mời ông cùng nguyên Chủ tịch SCB Đinh Văn Thành, Phó tổng giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI Nguyễn Tiến Thành và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Hồ Bửu Phương, đến cùng ăn cơm trưa để bàn về việc phát hành trái phiếu.

Tại bữa cơm này, bà Lan ra chủ trương đồng ý cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của SCB, giao cho 5 cá nhân trên chủ động nghiên cứu thực hiện.

Ông Văn nói mình không có nghiệp vụ chuyên môn về chứng khoán, trái phiếu nên các công việc phát hành các gói trái phiếu bị cáo không tham gia. Khi được hỏi về nhận thức của mình, bị cáo Văn bật khóc thành tiếng. Mất một lúc để lấy lại bình tĩnh, ông ta nói tiếp: "Bị cáo chỉ nghĩ việc phát hành trái phiếu nhằm tăng nguồn thu cho SCB, không nghĩ hành vi của mình lại gây thiệt hại cho nhiều người. Bản thân bị cáo vô cùng đau lòng".

Người này có nhiều lời khai bất nhất trong quá trình điều tra nên chủ tọa yêu cầu xác định lại. Bị cáo Văn nói, lúc làm việc với cơ quan điều tra, tâm trạng bối rối, lo lắng nên có nhiều lời khai không đúng, sau đó bị cáo khai lại.

Hơn 35.000 người bị lừa đảo

Năm 2018, Ngân hàng SCB trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài.

Khoảng tháng 8/2018, bà Trương Mỹ Lan đã họp với các nhân vật chủ chốt, gồm: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó tổng giám đốc SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, để ra chủ trương phát hành trái phiếu.

Cuộc họp bàn đến việc dùng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB. 

Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu, thông qua TVSI và SCB phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.

Giúp Trương Mỹ Lan đoạt 30.000 tỷ đồng, nhân viên nói làm không suy nghĩ - 3

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Hải Long).

Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2018-2020, các công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được dùng để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", không có tài sản bảo đảm, với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, bán cho các nhà đầu tư, thu về hơn 30.869 tỷ đồng.

Các bị cáo đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ việc bán trái phiếu cho các mục đích khác, dẫn đến không có đủ nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ.