Nghệ An
Giáo dục kỹ năng sống cho gần 1.000 thanh niên mãn hạn tù
(Dân trí) - Bên cạnh xây dựng 200 đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”, vận động hơn 100 thanh niên hoàn lương, thanh niên mãn hạn tù tham gia vào các mô hình, đội tình nguyện, các cấp Hội LHTN Nghệ An đã giáo dục, nâng cao kỹ năng sống cho gần 1.000 thanh niên mãn hạn tù.
Nhiều mô hình giúp đỡ thanh niên phạm tội hoàn lương
Sáng ngày 30/10, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An phối hợp với Trại giam số 6 – Bộ Công an tổng kết kế hoạch “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2015”.
Phạm nhân trong độ tuổi thanh niên thi hành án tại Trại giam số 6 chiếm số lượng lớn. Từ năm 2012, Hội LHTN tỉnh Nghệ An và Trại giam số 6 đã phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục, cải tạo, dạy văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định, góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm tội.
Tính đến nay, Nghệ An đã xây dựng được 200 đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”, vận động hơn 100 thanh niên hoàn lương, thanh niên mãn hạn tù ở các địa phương tham gia vào các mô hình, đội tình nguyện. Các đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” tham gia đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền phòng chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động của mô hình “bạn giúp bạn” vẫn tiếp tục được duy trì và nhân rộng ra nhiều địa phương, đang từng bước phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế.
Các cấp Hội LHTN đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, giáo dục công dân, nâng cao kỹ năng sống cho 950 thanh niên mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng tại các địa phương; 500 lượt thanh niên chậm tiến và thanh niên mãn hạn tù được tham gia các lớp giáo dục do Hội LHTN các cấp tổ chức.
4 năm qua, Hội LHTN tỉnh Nghệ An và Trại giam số 6 đã tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng” cho hơn 2.000 phạm nhân, góp phần giáo dục giá trị sống, tính hướng thiện, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các phạm nhân. Bên cạnh đó, tủ sách thanh niên cũng đã được thành lập tại Trại giam số 6 với 300 đầu sách nhằm nâng cao văn hóa đọc cho phạm nhân, giúp họ được tiếp cận với tri thức, nâng cao trình độ, khơi dậy niềm tin để cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình.
Đứng dậy sau vấp ngã
Với kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, tay nghề được đào tạo cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp, người thân, chính quyền địa phương… nhiều thanh niên mãn hạn tù trở về đã từng bước tạo lập được cuộc sống mới, trở thành những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi.
Đang là sinh viên một trường đại học, Lê Đức T (SN 1989, quê thị trấn Đô Lương, Nghệ An) sa chân vào vòng tù tội.
“Lúc đó tôi nghĩ tương lai đã chấm dứt khi cánh cửa trại giam đóng lại sau lưng mình. Đã có những lúc tôi chán chường, muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận. Được các cán bộ quản giáo giúp đỡ, tôi dần lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Sau thời gian nỗ lực cải tạo tốt, tôi được ra trại. Lúc đó vừa mặc cảm về quá khứ lầm lỗi, vừa không biết nên bắt đầu từ đâu, tôi thấy hoang mang, bế tắc. Được các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên và gia đình động viên, giúp đỡ, tôi dần có thêm niềm tin để làm lại cuộc đời. Tôi quyết định kiếm sống bằng chính nghề cơ khí được học trong thời gian thụ án.
Đến nay, tôi đã có một xưởng cơ khí, có thể kiếm ra những đồng tiền lương thiện, trong sạch bằng chính sức lao động của mình. Quan trọng hơn, tôi đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, nhận được nhiều tin yêu của gia đình, người thân và bạn bè”, Lê Đức T. chia sẻ với các phạm nhân trẻ đang thụ án tại Trại giam số 6.
Bài học đứng dậy sau vấp ngã cũng được anh Trần Đình T. (quê ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chia sẻ với các phạm nhân. Mãn hạn tù, T. cũng loay hoay tìm hướng đi cho mình. “Sau một thời gian dài suy nghĩ, tôi quyết định đi buôn. Có gia đình giúp đỡ nhưng chưa có kinh nghiệm nên tôi phải vừa làm, vừa học. Ban đầu chỉ là buôn vài chục két nước ngọt, lãi một vài trăm nghìn đồng. Có vốn, có kinh nghiệm, có thị trường… tôi mạnh dạn xin thành lập công ty chuyên kinh doanh nước giải khát”, anh T. cho biết.
Hiện công ty của anh Trần Đình T. được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nước giải khát từ Lào về Việt Nam tại huyện Hương Khê. Không chỉ tìm được cho mình một chỗ đứng mới, bỏ lại quá khứ lầm lỡ sau lưng, anh T. còn tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trên địa bàn.
“Các bạn đừng nghĩ vào tù là cuộc đời đã kết thúc. Với tôi, thời gian thụ án ở Trại giam số 6 đã giúp tôi nhận ra được nhiều điều hay, những điều tốt đẹp mà những ngày trước đó tôi không nhận ra để mình phải lún sâu vào tội lỗi và phải trả giá bằng những năm tháng tuổi trẻ của mình”, anh Trần Đình T. tâm sự.
Tại buổi tổng kết, Ban giám thị Trại giam số 6 và Hội LHTN tỉnh Nghệ An đã trao giấy khen cho 5 cán bộ quản giáo và cán bộ Hội có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, giúp đỡ thanh niên phạm tội tái hòa nhập cộng đồng. Hội LHTN Nghệ An tặng 20 suất quà cho các phạm nhân cải tạo tốt. Hai bên cũng đã ký kết kế hoạch “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2015-2020”.
Hoàng Lam