1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tây Ninh:

Gian nan truy vết người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Sơn Nhung

(Dân trí) - Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ hơn 180 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, phần lớn là người Trung Quốc.

Gian nan truy vết 

Tây Ninh là địa bàn có đường biên giới dài giáp Campuchia với nhiều cửa khẩu và đường mòn, lối mở nên tình hình người nước ngoài vượt biên rất khó quản lý.

Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, Tây Ninh phải huy động lực lượng lớn để kiểm soát chặt tuyến biên giới, phá nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Tây Ninh, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, công an đã bắt giữ hơn 180 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, phần lớn là người Trung Quốc.

Thủ đoạn chủ yếu của các nhóm này là tụ tập nhau thông qua mạng xã hội, sau đó có đường dây đưa từng nhóm nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở vào các tỉnh phía Bắc, rồi di chuyển vào TPHCM. Tiếp đó, chúng đi ô tô đến Tây Ninh rồi tìm cách xuất cảnh sang Campuchia.

Do nhập cảnh bất hợp pháp nên những người này đều trốn tránh khai báo khi bị phát hiện. Họ không mang theo tiền, giấy tờ tùy thân... Do vậy, việc xác minh, truy vết để phòng dịch gặp không ít khó khăn.

Gian nan truy vết người nước ngoài nhập cảnh trái phép - 1

7 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị công an Tây Ninh bắt giữ khi đang trốn trong rừng cao su vào ngày 6/3.

Là người tinh thông tiếng Trung Quốc nên Đại úy Đỗ Thái Minh (Đội quản lý xuất cảnh, nhập cảnh cư trú người nước ngoài) hầu như tham gia tất cả các vụ bắt giữ người nước ngoài nhập cảnh trái phép tại Tây Ninh.

"Phần lớn công dân nước ngoài bị bắt giữ là người Trung Quốc, họ luôn tỏ thái độ bất hợp tác với công an. Thậm chí, họ còn khai thông tin "ảo" về danh tính, quê quán, gây khó khăn cho công tác điều tra", Đại úy Minh nói.

Chỉ khi công an phối hợp cùng Sở Ngoại vụ, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM xác minh nhân thân, lai lịch từng người thì các đối tượng này mới chịu hợp tác, khai ra hành trình di chuyển.

Thậm chí, khi bị phát hiện và đưa đi cách ly, các đối tượng này còn chống đối, phá hoại. Điển hình là đối tượng ChenJie (ngụ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Khi bị đưa đến khu cách ly, ChenJie chống đối, xúi giục đồng bọn đập phá đồ dùng...

"Họ đập phá đồ dùng, la lối, đòi hỏi yêu sách, thức khuya, không chấp hành quy định của nơi cách ly", Đại úy Đỗ Thái Minh nói.

Trao trả phức tạp, khó khăn

Theo Đại úy Đỗ Thái Minh, trong thời gian cách ly, công an sẽ lấy lời khai từng người, xác minh qua các cơ quan chức năng. Nếu đúng nhân thân lai lịch và hoàn thành thời gian cách ly thì sẽ tham mưu cho lãnh đạo lên kế hoạch di lý, trao trả họ về nước.

Tuy nhiên, công tác trao trả trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp rất khó khăn. Nhiều khi cơ quan lãnh sự nước họ từ chối tiếp nhận, giao lại cho chính quyền Việt Nam xử lý.

Thượng tá Trần Hữu Phước, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Tây Ninh, kể lại: "Mới đây nhất, chúng tôi trao trả 54 người Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Các công dân Trung Quốc này nhập cảnh trái phép và bị bắt giữ ở huyện Bến Cầu".

Gian nan truy vết người nước ngoài nhập cảnh trái phép - 2

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Tây Ninh bàn giao các công dân người Trung Quốc về nước.

Hành trình trao trả bắt đầu từ ngày 26/5. Khi làm thủ tục, phía Trung Quốc không chịu tiếp nhận. Đến cuối tháng 5, họ mới đồng ý nên đoàn hộ tống nhóm người Trung Quốc từ Tây Ninh lên đường ngay.

Quá trình di chuyển đường dài rất khó khăn vì số lượng người đông và có một số công dân chống đối không muốn trở về nước. Lực lượng an ninh phải tổ chức canh phòng chặt chẽ trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch nên càng khó khăn hơn.

Gian nan truy vết người nước ngoài nhập cảnh trái phép - 3

"Tại khu vực biên giới, chúng tôi phối hợp Biên phòng Lào Cai để làm thủ tục trao trả nhưng lại tiếp tục gặp sự cố ngoài ý muốn. Phía Trung Quốc đưa ra thông báo chỉ nhận có 10 người. Sau khi bàn giao xong số lượng như yêu cầu, chúng tôi cùng số đối tượng chưa trao trả được phải tiếp tục ở lại chờ", Thượng tá Trần Hữu Phước nói thêm.

Cứ cách ngày, phía Trung Quốc thông báo nhận thêm một số người. Đến ngày 2/6, đoàn công tác mới trao trả xong 54 người này.