Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng
(Dân trí) - Liên quan đến vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, ông Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, buông lỏng kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới…
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn thiện Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án hình sự để đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Theo kết luận điều tra, đối với Ban chỉ đạo kỳ thi, Hội đồng thi: Quá trình điều tra xác định không có dấu hiệu có liên quan đến việc can thiệp nâng điểm thi cho các thí sinh.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, các thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi, gồm: ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thường trực, Chủ tịch Hội đồng thi; ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Phó Trưởng ban, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng Ban chấm thi; bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Phó Trưởng ban, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng Ban làm phách đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, buông lỏng kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.
“Tuy nhiên, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ kiến nghị Cơ quan chức năng xử lý theo quy định” – kết luận điều tra cho biết.
Thực hiện hành vi sai không vì vụ lợi cá nhân
Theo kết luận điều tra, đối với các giám khảo chấm thi tự luận môn Ngữ văn, tổng số 41 giám khảo, trong đó 18 giám khảo gồm: Hoàng Thị Hợp, Bùi Minh Huệ, Phạm Đình Lương, Nguyễn Duy Hải, Đoàn Thị Loan, Quách Thị Tú, Nguyễn Thị Nguyệt, Đinh Công Thìn, Lê Thị Hạnh, Bùi Thị Thu Hiền, Vũ Thị Hiền, Bạch Thị Thảo, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Thị Lan Phương, Bạch Thị Hữu, Lương Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Vinh, Phạm Thị Minh Hòa, đã có hành vi nhận mã phách, trực tiếp chấm nâng điểm và ký hợp thức 20 bài thi tự luận môn Ngữ văn cho 20 thí sinh, vi phạm điều 25 (quy trình chấm thi) và điểm c, điều 48 (gian lận khi chấm thi).
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, 18 giám khảo trên có dấu hiệu đồng phạm với các bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
“Xét thấy, các giáo viên thực hiện hành vi sai phạm không vì động cơ vụ lợi cá nhân, làm theo sự chỉ đạo của các Tổ trưởng tổ chấm thi, thậm chí cá biệt có trường hợp bị ép buộc; hành vi sai phạm lần đầu, có mức độ, hậu quả xảy ra (bài thi được can thiệp nâng điểm) đã xác định trách nhiệm chính thuộc về các bị can Diệp Thị Hồng Liên, Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà.
Các giáo viên này có năng lực chuyên môn tốt, là nhân lực cần thiết cho ngành giáo dục, sau khi xảy ra sai phạm đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án. Do vậy, không cần thiết phải xử lý hình sự, sẽ kiến nghị xử lý hành chính” – kết luận điều tra cho biết.
Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình.
Đối với 23 giám khảo còn lại, gồm: Đinh Thị Niển, Bùi Thị Vân Quyên, Nguyễn Thị Hồng Phương, Đinh Thị Thu Hường, Đỗ Thị Huế, Trần Thị Thái, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Thu Lừng, Trần Thanh Sơn, Nguyễn Thị Hải Yến, Bùi Thị Bích Thủy, Đinh Thị Hà, Trịnh Ngọc Trúc, Nguyễn Thị Thúy, Quách Đình Hiếu, Bùi Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Nga, Bùi Thị Diến, Trần Thị Bích Huyền, Bùi Thị Huyên, Phạm Văn Đại và Nguyễn Thị Vinh Hà, đã có hành vi chấm thi trái quy chế thi (không nâng điểm bài thi). Hành vi sai phạm này của các giám khảo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Cũng theo kết luận điều tra, đối với 65 thí sinh và gia đình, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã có thông báo gửi Bộ GD&ĐT xem xét xử lý thí sinh theo quy định; đối với thân nhân của thí sinh có sai phạm, Cơ quan điều tra sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc theo quy định.
Theo kết luận điều tra, 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm bài thi ở Hòa Bình (64 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018, 1 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2017). Các thí sinh này đã sử sụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, trong đó: Có 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học/cao đẳng (45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển); 3 thí sinh không xét tuyển cao đẳng/đại học.
Đầu mối tiếp nhận thông tin các thí sinh cần can thiệp nâng điểm thi là Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục, Uy viên Ban chỉ đạo kỳ thi, Uy viên Thường trực Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi, Phó Trưởng ban Chấm thi, phụ trách Tổ chấm bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình) và Đỗ Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Tổ chấm bài thi môn trắc nghiệm (các trường hợp mà Đỗ Mạnh Tuấn nhận, Đỗ Mạnh Tuấn có báo cáo trước và được Nguyễn Quang Vinh đồng ý xử lý).
Đỗ Mạnh Tuấn là người tổng hợp, lập danh sách các thí sinh cần can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận môn Ngữ văn (bao gồm cả trường hợp Đỗ Mạnh Tuấn nhận trực tiếp và trường hợp Nguyễn Quang Vinh nhận, chuyển lại cho Đỗ Mạnh Tuấn).
Trong số 64 thí sinh được can thiệp nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận có 35/64 là đầu mối quan hệ của Đỗ Mạnh Tuấn; số còn lại do Nguyễn Quang Vinh chuyển cho Đỗ Mạnh Tuấn. Riêng trường hợp thí sinh Đinh Ngọc Th. (kỳ thi THPT quốc gia 2017) là cháu của Nguyễn Khắc Tuấn.
Nguyễn Dương