1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Giám đốc mới bị cách chức sai

Năm 2005, bà Len phụ trách Trung tâm thương mại vật tư Ngô Quyền (TTTMVTNQ) thuộc Công ty CP CNP Hải Phòng. Sau khi TP có quyết định thu hồi địa điểm này, bà Len được HĐQT giao toàn quyền thực hiện việc kiểm kê, đền bù với cơ quan chức năng Hải Phòng.

Ngày 19/7/2010, TP đã trả vào tài khoản của TTTMVTNQ tiền đền bù là 3,868 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT - ông Lê Phú Cường - cho rằng bà Len tự ý sử dụng nguồn tiền đó của Công ty, do đó phải phế bỏ chức giám đốc.

Quyết định bãi miễn được ký vào ngày 14/9/2010. Bà Len phản đối. Bởi lẽ, về nguyên tắc tiền đền bù phải được trả vào đúng tên đơn vị bị giải tỏa được đền bù (TTTMVTNQ). Tài khoản đó không phải là tài khoản cá nhân bà Len. Bà Len cũng không đồng tình với việc HĐQT sử dụng tiền đền bù để chia cổ tức vì sai chính sách.

Ngày 12/11/2010, BKS và đại diện Đảng ủy, chính quyền, Công đoàn của Công ty CP CNP Hải Phòng đã họp kết luận: Điều lệ Công ty CP CNP Hải Phòng quy định cách chức GĐ điều hành phải vì lợi ích tối cao của Công ty.

Bà Len hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (giải tỏa TTTMVTNQ), đem về lợi ích cao cho Công ty. Do vậy, quyết định bãi miễn chức GĐ của bà Len  không có cơ sở pháp lý. Chiều 10/12/2010, HĐQT Công ty CP CNP Hải Phòng ủy quyền cho ông chủ tịch làm việc với bà Len về tiền đền bù tại TTTMVTNQ.

HĐQT tuyên bố nhất trí với quyết định của ông Cường. Một tuần sau đó, ông Lê Phú Cường - Chủ tịch HĐQT - căn cứ kiến nghị của BKS, đại diện Đảng ủy, chính quyền, công đoàn, căn cứ nghị quyết HĐQT ngày 10/12/2010 đã ký quyết định trả chức GĐ Công ty CP CNP Hải Phòng cho bà Nguyễn Thị Tuyết Len.

Ngày 29/12/2010, Đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP CNP Hải Phòng phê chuẩn (100%) bà Nguyễn Thị Tuyết Len là người đại diện pháp luật, GĐ Công ty. Thay mặt HĐQT 4 người mới bầu, bà cam kết với cổ đông “HĐQT đoàn kết vì lợi ích tối cao của Công ty”. Thế nhưng, chỉ nửa tháng sau, lời thề  đó đã bị đòn đầu tiên.

Trước nguy cơ bị Đại hội cổ đông phong tỏa cổ phần như một biện pháp “túm tóc” đòi nợ, bà Bá Thị Vinh - nguyên GĐ Công ty CNP Hải Phòng - đã lặng lẽ bán 5.400 cổ phần của mình cho bà Đặng Thị Hồng Hải.

Ngày 6/1/2011, bà Hải đề nghị bà Len cho làm thủ tục sang tên mua bán. Bà Len từ chối. 3 thành viên khác của HĐQT không nghĩ thế. Họ cho rằng việc chuyển nhượng là bình thường. Ngạc nhiên nhất là họ không công nhận tính hợp pháp của bà Len trên cương vị là GĐ Công ty.

Ông Ngô Văn Thẳng - Chủ tịch HĐQT mới  bầu - đề nghị  tất cả văn bản giấy tờ khi sử dụng dấu đều phải có chữ ký nháy của bà PGĐ Lê Thị Mai - một cổ đông “ngoài”, cũng vừa mới được ông Thẳng tiến cử vào chiếc ghế này 3 ngày trước đó.

Bà Len chống lại 2 quyết định trên, vì bà không muốn chống lại ý chí của các cổ đông đã thể hiện tại Đại hội cổ đông trong vụ cổ phần bà Vinh và bà là người đại diện pháp luật Công ty, nên việc quản lý và sử dụng dấu chưa đến lượt cấp phó của mình.

Thế là HĐQT chia rẽ. Bà Len một mình (được sự ủng hộ của đa số NLĐ Công ty) chống lại 3 thành viên HĐQT Công ty khác.

Ngày 15/1/2011, bà Đặng Thị Hồng Hải được bầu vào HĐQT Công ty.  Cuộc họp ngày 22/1/2011 diễn ra dưới sự bảo vệ của CA phường. Tại đây, HĐQT dự định bãi miễn chức GĐ của bà Len với vài tội danh “giời ơi” như không giao quyền giữ dấu cho PGĐ...

Cuộc họp đổ vỡ do sự phản ứng quyết liệt của NLĐ Công ty, mặc dù HĐQT đã cố thủ trong phòng họp khóa chặt.

Dẫu sao, hai ngày sau đó, bà Hải vẫn được HĐQT bổ nhiệm làm GĐ Công ty CP CNP Hải Phòng, trong khi không có quyết định bãi miễn chức vụ GĐ của bà Len.

Thế là, tại Công ty CP CNP Hải Phòng hình thành thế hai GĐ cùng song song tồn tại. Bà Hải lập tức thể hiện quyền lực của mình bằng việc niêm phong két tiền Công ty.

Bà Len được sự ủng hộ của đại đa số cán bộ chủ chốt Công ty, làm đơn tố cáo chủ tịch HĐQT và GĐ Hải, những cổ đông mới, âm mưu chiếm đoạt Công ty, đẩy NLĐ ra đường.

Đỉnh cao của cuộc tranh giành quyền lực này là vụ xô xát tại trụ sở Công ty, khiến bà Len bị trật xương cánh tay diễn ra vào sáng 18/5/2011.

Theo Luật DN và điều lệ của Công ty CP CNP Hải Phòng, HĐQT có quyền bổ nhiệm, bãi miễn GĐ, song phải vì lợi ích tối cao của Công ty. Rõ ràng với việc bãi miễn chức GĐ của bà Len mà không chứng minh được với cổ đông bà Len xâm hại quyền lợi  Công ty, HĐQT Công ty CP CNP Hải Phòng đã ra một quyết định trái luật.

Đã thế, người “công nghệ phẩm” đang rất nghi ngờ sự sáng suốt của HĐQT, vì bà Đặng Thị Hồng Hải cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP cung ứng tàu biển Hải Phòng, hiện đang bị các cổ đông của Công ty này lôi ra tòa kiện vì đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi cổ đông ở đây.

Theo Hà Linh Quân - Hoàng Hoan
Lao Động