1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Giám đốc công ty bị kết tội chiếm đoạt tiền bình ổn giá được tại ngoại

(Dân trí) - Ông Minh bị tòa sơ thẩm kết tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong chương trình bình ổn giá với số tiền 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về điều tra lại. Ngày 5/1, ông Minh được cho tại ngoại để điều tra sau gần 1 năm bị tạm giam.

Ngày 31/5/2016, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Phạm Văn Minh (Giám đốc công ty Phú An Sinh) 19 năm tù, tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, yêu cầu ông bồi thường số tiền 41 tỷ đồng.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, trong năm 2010, Cty Phú An Sinh đã nhận tiền tạm ứng vốn từ ngân sách tỉnh BR-VT để thực hiện chương trình phòng chống dịch “heo tai xanh” 35 tỷ đồng; chương trình bình ổn giá tết Tân Mão 2011 là 16,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này chỉ dùng 560 triệu đồng cho chương trình bình ổn giá và 10 tỷ đồng cho chương trình “heo tai xanh”. Số tiền còn lại, ông Minh sử dụng vào mục đích riêng.

 Ông Phạm Văn Minh tại phiên tòa phúc thẩm.
Ông Phạm Văn Minh tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau bản án sơ thẩm, ông Minh kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM vào ngày 29/11/2016, ông Minh trình bày mình không có ý định chiếm đoạt tiền ngân sách, chỉ là do làm ăn thua lỗ dẫn tới chậm thanh toán cho tỉnh BR-VT.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Hãng luật Đông Phương Luật – Đoàn luật sư TPHCM, luật sư bảo vệ cho ông Minh) tranh luận cho rằng, bản án sơ thẩm buộc tội ông Minh hoàn toàn không có căn cứ.

Theo luật sư Công, bản án sơ thẩm quy buộc hành vi báo cáo sai của ông Minh là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền mà chưa xác định báo cáo đó có sai hay không? Việc báo cáo không đúng sự thật đó có là thủ đoạn để nhằm chiếm đoạt số tiền kia hay không?

“Trong vụ án này, chỉ có một thiệt hại duy nhất xảy ra, đó là tiền tạm ứng cho bị cáo chưa được hoàn trả đúng hạn. Vậy thì chỉ cần thu lại tài sản này là giải quyết được thiệt hại. Bị cáo hoàn toàn có khả năng hoàn trả tiền tạm ứng qua các tài sản kê biên, có cần thiết buộc bị cáo 19 năm vì hành vi tội phạm “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không?”- luật sư Nguyễn Thành Công tranh luận.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS Cấp cao giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: “Hồ sơ vụ án thể hiện và quy buộc bị cáo Minh chiếm đoạt 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số tiền này chưa làm rõ cụ thể dùng bao nhiêu vào hai chương trình, số tiền bị cáo chi dùng ngoài bao nhiêu vẫn chưa làm rõ”.

“VKS nhận thấy để buộc tội bị cáo Minh thì chưa rõ ràng, chặt chẽ, VKS đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại” – VKS nêu quan điểm.

Ông Phạm Văn Minh vừa được tại ngoại điều tra chiều 5/1.
Ông Phạm Văn Minh vừa được tại ngoại điều tra chiều 5/1.

Sau gần 1 ngày xét xử và nghị án, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm – thẩm phán Huỳnh Sang – đã tuyên án. Theo đó, Tòa phúc thẩm Cấp cao tại TPHCM nhận thấy các tài liệu là căn cứ để cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo Minh là chưa có căn cứ để xác định bị cáo có thủ đoạn gian dối, che giấu hành vi sử dụng số tiền sai mục đích vay, để chiếm đoạt tài sản. Vụ án còn những tình tiết cần phải điều tra bổ sung, việc điều tra của cấp sơ thẩm là không đầy đủ.

Từ nhận định trên, bản án phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, chấp nhận quan điểm của VKSND Cấp cao tại phiên tòa, qua đó, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND tỉnh BR-VT điều tra lại vụ án theo quy định.

Đến chiều ngày 5/1, Trại giam Công an tỉnh BR-VT đã thực hiện quyết định của VKS, thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam thành tại ngoại điều tra, cho ông Minh được trở về nhà sau gần 1 năm bị bắt tạm giam.

Xuân Duy