1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Giải mã kỳ án nhờ những dấu vết "vu vơ"

Những dấu vết để lại hiện trường tưởng chừng "vu vơ", song có khi đó lại là những nút thắt của vụ án. Với lính kỹ thuật hình sự, việc gỡ nút thắt này chính là những đóng góp cho sự thành công của mỗi vụ án. Bởi, nếu không chú ý, giải mã được những chi tiết, dấu vết để lại hiện trường, thủ phạm gây án sẽ cao bay xa chạy, đồng thời không xác định được tính thực - hư của vụ án…

1. Ánh nắng cuối chiều vội vàng hắt qua khe cửa sổ phòng làm việc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn. Thượng tá Hoàng Văn Dậu cùng Trung tá Hoàng Xuân Thủy, Đội trưởng Đội Khám nghiệm thở phào nhẹ nhõm, khi những dấu vết mà các anh thu tại hiện trường vụ trọng án xảy ra tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn đã củng cố tài liệu để cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố, bắt giữ đối tượng gây án Đào Hữu Thọ, 45 tuổi, ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).

Bên tập hồ sơ lưu, Trung tá Hoàng Xuân Thủy thở dài khi nhắc lại vụ trọng án ngày hôm ấy. Thọ là hung thủ đang tâm sát hại chính mẹ vợ của mình.

Giải mã kỳ án nhờ những dấu vết "vu vơ" - 1

Khoảng 18h ngày 8-12-2016, chuông điện thoại trực của Phòng Kỹ thuật hình sự bỗng reo liên hồi. Từ đầu dây bên kia, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH cho biết: "Tại nhà bà Trương Thị P, ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn xảy ra vụ trọng án. Đề nghị các đồng chí có mặt hỗ trợ lực lượng chức năng phá án!".

Không chút chậm trễ, thông tin trên nhanh chóng được cấp báo tới đồng chí Trưởng phòng và Thượng tá Hoàng Văn Dậu trực chỉ huy ngày hôm đó. "Lúc ấy, tôi đang ăn cơm. Nhận được tin, tôi lập tức bỏ bát cơm xuống, rồi nhanh chóng lên cơ quan lấy đồ nghề cùng anh em xuống hiện trường!", Trung tá Thủy nhớ lại.

Thượng tá Hoàng Văn Dậu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự cùng đồng nghiệp đang nghiên cứu dấu vết liên quan đến một vụ án.
Thượng tá Hoàng Văn Dậu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự cùng đồng nghiệp đang nghiên cứu dấu vết liên quan đến một vụ án.

Vâng! Không nhanh sao được, khi mà công tác khám nghiệm hiện trường luôn đòi hỏi phải thu thập dấu vết một cách nhanh nhất, để từ đó cung cấp kịp thời những chứng cứ, thông tin định hướng để cơ quan điều tra gỡ nút thắt vụ án, sớm tìm ra thủ phạm.

19h, Tổ công tác của Phòng Kỹ thuật hình sự có mặt tại hiện trường. Hình ảnh đầu tiên mà Trung tá Thủy cùng anh em trong Tổ công tác thu thập được chính là vết máu nhỏ giọt từ phòng khách ra khu vực sân, bếp.

Nạn nhân là bà Trương Thị T, 64 tuổi và chồng là ông Dương Doãn L, 67 tuổi, đã được đưa đi cấp cứu, song bà T không qua khỏi do vết thương quá nặng. Không ai bảo ai, các thành viên trong tổ công tác, mỗi người một việc. Người thì chụp ảnh hiện trường. Người thì xác định nơi xuất hiện vết máu đầu tiên, công cụ gây án… Lúc này, lực lượng chức năng cũng đã thu được một con dao dài 36cm (dạng dao phóng lợn) ở trong phòng khách và một con dao dài 22 cm có dính máu tại hành lang phòng khách.

Đáng chú ý, ngoài hai con dao trên, Tổ công tác còn thu được một cán dao bị gãy. Xung quanh vương vãi nhiều vệt máu. Trung tá Thủy cho biết, khi phát hiện cán dao này, chúng tôi xác định ngay đối tượng đã sử dụng nó để đâm hai nạn nhân.

Từ những thông tin do người dân cung cấp cũng như dấu vết để lại hiện trường đã được cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự giải mã, lực lượng Công an đã xác định và bắt giữ kịp thời đối tượng Đào Hữu Thọ. Tại cơ quan điều tra, Thọ khai nhận, chiều 8-12, sau khi uống rượu về, Thọ đến nhà bố mẹ vợ cũ là bà P và ông L để nói chuyện về vợ con mình.

Tại đây, Thọ phát sinh mâu thuẫn với nhà vợ nên đã chạy xuống bếp lấy 2 con dao nhọn và đâm ông L. Ông L sau đó cố gắng chạy thoát thân, đồng thời lấy một con dao để tự vệ. Thế nhưng, ông L đã bị Thọ giật lấy giao và đâm nhiều nhát khiến ông L ngã gục. Chưa dừng lại ở đây, khi thấy bà P chạy lại, Thọ đã hung hãn đâm bà P nhiều nhát.

2. Ở các tỉnh đồng bằng, dưới xuôi, việc giải mã các vụ án thông qua dấu vết tưởng chừng "vu vơ" để lại hiện trường đã khó, ở tỉnh vùng cao biên thùy như Lạng Sơn thì công việc này lại càng khó khăn gấp bội. Nói vậy cũng bởi, có những hiện trường vụ án nằm cách xa trung tâm xã, huyện đến 3-4 giờ đi đường. Và tất nhiên, chỉ một chút chậm trễ, dấu vết để lại hiện trường sẽ dễ "bốc hơi", nhất là vào thời điểm tiết trời đổ mưa.

Đã gần 20 năm gắn bó với công tác kỹ thuật hình sự, Thượng tá Dậu không nhớ nổi mình đã tham gia giải mã, gỡ nút thắt bao nhiêu vụ trọng án. Mỗi khi các dấu vết để lại hiện trường vụ án được giải mã, thông tin được chuyển cho cơ quan điều tra phá án là mỗi lần những người làm công tác kỹ thuật hình sự như các anh lại thấy ấm lòng.

Thượng tá Hoàng Văn Dậu chia sẻ, để tìm ra bản chất và đối tượng gây án, dấu vết để lại hiện trường đóng một vai trò rất quan trọng. Lẽ vì, khi những dấu vết không tưởng để lại hiện trường được giải mã sẽ là căn cứ giúp cơ quan điều tra tiến hành các bước điều tra tiếp theo, đặc biệt là đối với những vụ án "mờ", không có nhân chứng, không có người cung cấp thông tin có liên quan.

Hơn hết, cũng chính nhờ việc giải mã thành công các dấu vết, củng cố tư liệu định hướng điều tra, bắt giữ đối tượng còn là tài liệu "sống" bác bỏ những lời đồn thổi, ổn định dư luận xã hội. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Thượng tá Hoàng Văn Dậu, có lẽ là vụ án mạng xảy ra tại thôn Nà Han, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) cách đây gần 7 năm.

Sáng 13-4-2010, nhận được tin báo: "Bà Vi Thị D, 83 tuổi bị sát hại tại nhà riêng không rõ nguyên nhân. Đang có nhiều luồng thông tin xung quanh nguyên nhân vụ án.", Tổ công tác của Phòng Kỹ thuật hình sự do trực tiếp đồng chí Dậu làm tổ trưởng đã có mặt tại hiện trường.

Có mặt tại nhà bà D, các thành viên trong Tổ công tác của Phòng Kỹ thuật hình sự xác định, bà D bị chết là do tác động của ngoại lực (bóp cổ). Căn nhà của bà D có dấu hiệu lục soát, tài sản bị mất. Với linh cảm nghề nghiệp cũng như dấu vết để lại hiện trường cho thấy, đây là vụ án giết người, cướp tài sản.

Nạn nhân bị sát hại trước đó vài giờ. Từ những chứng cứ mà Tổ công tác cung cấp, cùng với việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã làm rõ vụ án và bắt giữ các đối tượng gây án, gồm: Vi Văn Chò, 41 tuổi (con trai bà D) và Vi Văn Héo, 36 tuổi cùng trú tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng.

Nguyên nhân gây án được xác định, do cần tiền để mua ma túy, Chò và Héo đã lên kế hoạch sát hại bà D để lấy tài sản. Vụ án nhanh chóng được làm rõ và xử lý trước pháp luật đã có tác dụng ổn định dư luận trên địa bàn.

3. Kỹ thuật hình sự là công việc mang tính đặc thù nhất định trong công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an. Mỗi cán bộ làm công tác kỹ thuật hình sự vừa trực tiếp làm án, vừa gián tiếp phục vụ gỡ nút thắt, giúp lực lượng làm án điều tra, làm rõ, đưa đối tượng gây án ra trước ánh sáng pháp luật.

Lực lượng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức khám nghiệm hiện trường một vụ trọng án.
Lực lượng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức khám nghiệm hiện trường một vụ trọng án.

Có lẽ vì thế mà hễ nơi nào xảy ra trọng án là nơi đó đều có sự xuất hiện của các anh - những người lính kỹ thuật hình sự, sát cánh cùng cơ quan điều tra phá án. Thượng tá Hoàng Văn Dậu, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự cho hay, để giải mã thành công các dấu vết để lại hiện trường, lực lượng kỹ thuật hình sự luôn quán triệt phương châm công tác: thận trọng, đảm bảo tính khách quan, sự chính xác của vụ việc trong suốt quá trình "tác nghiệp", đánh giá tính chất vụ án cũng như phân tích sự đồng nhất của các dấu vết đã thu thập được từ hiện trường.

Bởi mỗi kết luận, phân tích của cán bộ kỹ thuật hình sự chính là những chứng cứ, thông tin quan trọng quyết định tính thực - hư vụ án; quyết định tới sự thành công hay thất bại của quá trình điều tra vụ án, đối tượng gây án hay quyết định tới số phận của những người có liên quan.

Theo Trần Huy

Cảnh sát toàn cầu