Ghen tuông vô lối, thôn nữ quê mùa thành sát nhân hại 2 con đẻ
Cuộc trò chuyện với phóng viên thường xuyên bị ngắt quãng do phạm nhân Trần Thị Xuyến đã khóc rất nhiều. Chỉ vì ghen tuông mù quáng, Xuyến đã nông nổi ném hai đứa con trai xuống dòng sông đang chảy xiết...
Cuộc đời đong đầy nước mắt...
Tội ác của Xuyến khiến người ta rùng mình ớn lạnh, nhưng khi tiếp xúc, trò chuyện với Xuyến mới thấy cô ta cũng thật đáng thương. Mở đầu câu chuyện trong nước mắt, Xuyến kể về tuổi thơ nghèo khó, đơn côi và đầy mặc cảm thân phận của mình. Xuyến là con gái nhà nghèo, nhà một mẹ một con nên thiếu thốn tình cảm từ tấm bé. Người cha “tham vàng bỏ ngãi” đã phụ bạc mẹ con Xuyến theo người đàn bà khác từ khi Xuyến mới 3 tuổi. Từ đấy, Xuyến ở cùng mẹ trong căn nhà xiêu vẹo dột nát, rau cháo qua ngày. Mẹ Xuyến thì đau yếu liên miên do bị tim bẩm sinh. Từ nhỏ, đứa con gái còi cọc mảnh dẻ như lá lúa là Xuyến đã bất đắc dĩ trở thành chỗ dựa của mẹ mình.
Cái nghèo và sự mặc cảm thân phận đã buộc Xuyến bỏ học vào năm lớp 6. Dù sống trong nghèo đói thiếu thốn thế nhưng đến tuổi dậy thì, cô bé Xuyến còi cọc như một con vịt xấu xí đã trở thành nàng thiên nga xinh đẹp yêu kiều. Tóc Xuyến dài, đen mướt, làn da trắng nõn, thân hình thon thả mảnh mai khiến khối anh chàng thầm thương trộm nhớ, đêm đêm trồng cây si trước ngõ nhà Xuyến.
Vốn cô đơn, thiếu thốn tình cảm từ bé nên Xuyến bập vào yêu sớm. Năm 17 tuổi, trái tim cô đã trao về anh Nguyễn Minh Chí - một chàng trai người cùng xã hơn cô 3 tuổi. Với Xuyến, anh Chí là mối tình đầu nhưng với anh Chí thì Xuyến biết trước khi đến với cô, anh đã có một mối tình sâu đậm với một người con gái tên Hiền, hiện đang ở Hà Nội. Chưa một lần gặp mặt Hiền, nhưng Xuyến biết đó là một người con gái xinh đẹp, thông minh, tóm lại là phải hơn Xuyến về mọi mặt.
Năm 1998, Xuyến lên xe hoa về làm dâu nhà anh Chí trong một đám cưới đầm ấm và hạnh phúc khi cô tròn 18 tuổi. Hai năm sau, cô sinh con trai đầu lòng là bé Nguyễn Minh Hiếu (SN 2000), đến năm 2008, cô sinh tiếp đứa con thứ hai là bé Nguyễn Minh Chiến. Đã có lúc Xuyến nghĩ rằng, hạnh phúc có lẽ chẳng mong gì hơn thế.
Ghen tuông ích kỷ thành tàn độc
Từ ngày có con, gánh nặng kinh tế trở thành áp lực lớn với vợ chồng Xuyến. Để có tiền trang trải gia đình, chồng Xuyến theo bạn bè ra Hà Nội làm nghề xây dựng, vài tháng, nửa năm mới có dịp về nhà. Cũng vì vậy, Xuyến bắt đầu hoài nghi chuyện anh Chí có quan hệ ngoài luồng với người xưa theo kiểu “tình cũ không rủ cũng tới”.
Giữa tháng 4/2009, bé Chiến ốm, Xuyến gọi điện báo cho chồng nhưng anh Chí bận việc không về nên Xuyến phải một mình bế con lên Hà Nội chữa bệnh. Gặp chồng, thấy thái độ chồng lạnh nhạt nên Xuyến càng sinh nghi và một mực bắt chồng về quê.
Nhưng mãi đến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, anh Chí mới được nghỉ về quê với vợ con trọn một tuần. Những tưởng có biết bao nhiêu là yêu thương, háo hức cho tổ ấm nhỏ của họ trong cái tuần đoàn tụ ấy. Không ngờ, chỉ vì Xuyến tiếp tục gây sức ép, bắt chồng bỏ việc về nhà nhưng anh Chí không nghe, hai người lại cãi vã kịch liệt.
Đời sống chăn gối của họ vì vậy mà cũng nguội lạnh. Suốt đêm, người thiếu phụ tuổi đang xoan phải chăn đơn gối chiếc một mình trong nước mắt tủi hờn. Trong hoàn cảnh ấy, người đàn bà quê mùa ít học, tối ngày chỉ biết quanh quẩn với việc chăm con với gà lợn, ruộng vườn, lại luôn bị ám ảnh bởi nỗi ghen tuông “chồng ra Hà Nội ngoại tình” hành hạ đương nhiên chỉ có một suy nghĩ duy nhất rằng bởi vì chồng mình đã có người đàn bà khác nên chẳng thèm ỏ ê gì đến vợ!
Nỗi ghen tuông của Xuyến càng được củng cố thêm khi chưa nghỉ hết một tuần, anh Chí đã muốn lên Hà Nội làm tiếp công trình dang dở. Lần này thì Xuyến quyết phải giữ chồng ở nhà nhưng anh Chí vẫn không nghe. Đến chiều 2/5/2009, anh Chí khăn gói định lên đường thì hai người xảy ra “khẩu chiến”. Quá tức tối sự ích kỷ và ghen tuông vô lối, không có căn cứ của vợ, anh Chí đã lỡ tay tát Xuyến một cái, đập vỡ cánh tủ rồi đùng đùng bỏ đi...
Chồng dứt áo đi rồi, còn lại một mình Xuyến với cõi lòng đau khổ, tan nát. Xuyến muốn chết để anh Chí tỉnh ra mà quay lại với gia đình. Nhưng Xuyến lại nghĩ: nếu mình chết thì ai nuôi các con đây, rồi anh Chí sẽ lấy vợ khác, các con phải sống với mẹ ghẻ sẽ khổ lắm... Chi bằng cả ba mẹ con cùng chết để được bên nhau. Trong ý nghĩ tăm tối độc ác đó, Xuyến đã viết hai lá thư (một lá gửi cho mẹ đẻ và một lá gửi cho chồng) để ở giường ngủ.
Rạng sáng hôm sau, ngày 3/5/2009, Xuyến đã đưa hai con ra giữa cầu Bổng, thuộc địa bàn xã Hòa Bình, huyện Đông Hưng, nơi dòng sông Tiên Hưng chảy xiết rồi đang tâm ném cháu Chiến xuống trước, sau đó Xuyến ôm cháu Minh nhảy xuống sau. Nhưng đau đớn thay, Xuyến đã được cứu sống, chỉ hai bé trai vô tội đã bị dòng nước cuốn trôi.
Xót lòng tiếng gọi “Mẹ ơi”
Với tội ác trên, Trần Thị Xuyến đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt mức án 20 năm tù về tội “Giết người” cho dù Xuyến đập đầu xin được nhận mức án tử hình. Về thụ án tại Phân trại 3 Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), Xuyến chỉ có duy nhất một người thân là bà mẹ già đến độ “như chuối chín cây” thi thoảng còm cõi đến thăm nuôi.
Gần 3 năm trôi, nhưng nỗi ám ảnh về tội lỗi, nỗi nhớ con da diết, cồn cào khiến Xuyến nửa như mộng du, nửa như điên dại. Nhiều khi đang lao động giữa ban ngày, Xuyến giật mình như choàng tỉnh khỏi cơn mê vì nghe rõ ràng có tiếng gọi “mẹ ơi” như bật ra từ trong tâm thức. Nhiều đêm, Xuyến thức trắng ngồi ôm gói quần áo trên tay hát ầu ơ tựa như đang ru con ngủ...
Rất có thể sau này, nhờ cải tạo tốt nên được sớm mãn hạn tù, cuộc đời nhân hậu sẽ mở cửa ban phước lành cho Xuyến một gia đình êm ấm và lại có những đứa con...
Lời an ủi bỗng trở lên chua xót bẽ bàng khi Xuyến ôm mặt khóc và nói cả đời này Xuyến không xứng đáng được nghe tiếng gọi “mẹ ơi” thiêng liêng ấy nữa. Chỉ vì phút ghen tuông mù quáng mà Xuyến đã hành động tàn ác trong nông nổi, để rồi mang nỗi ân hận đến suốt đời...
TheoLê Nguyễn
Pháp luật Việt Nam