Đường hoàn lương của đại ca khét tiếng một thời
(Dân trí) - Từng là tay giang hồ khét tiếng, giờ đây Hùng “sầu” đã bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỗi để làm lại cuộc đời và số phận đã mỉm cười với "đại ca một thời" khi ban tặng cho anh gia đình yên vui với người vợ hiền và đứa con trai kháu khỉnh.
Một thời lầm lỡ
Sinh năm 1973, Hùng “sầu” (biệt danh của anh Lê Thừa Dương Hùng) lớn lên ở làng quê nghèo Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 11 tuổi, Hùng đi theo một đại ca giang hồ "có số" đất Quảng Trị và dần trở thành cánh tay đắc lực của đại ca đất Quảng. 15 tuổi, trong một lần bảo kê cho đàn em tại bến xe khách ở Huế, Hùng “sầu” đánh người gây thương tích nặng, bị đưa đi cải tạo, giáo dục hơn năm.
Trở về, Hùng “sầu” tiếp tục lao vào con đường giang hồ với những trận đâm chém kinh hoàng để tranh giành lãnh địa bảo kê.
Lần thứ hai, Hùng “sầu” dính vào con đường lao lý vì đánh trọng thương một công an viên. Để trốn tránh cuộc truy bắt của công an, Hùng “sầu” vào TP.HCM lập thế lực mới, cũng trong thời điểm này, lệnh truy nã toàn quốc đối với Hùng “sầu” được phát đi.
"Nam tiến", Hùng gia nhập một băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương (huyện Hóc Môn) được một thời gian, rồi phải trốn truy nã sang Campuchia. Mặc dù ở đất khách quê người nhưng với bản tính giang hồ, Hùng “sầu” tiếp tục gây dựng cánh đàn em bảo kê khu người Việt. Nhưng rồi không thể cạnh tranh được với nhóm giang hồ bản địa, Hùng trôi dạt sang Lào 6 tháng trước khi về Việt Nam và trở thành “đại ca” của nhóm giang hồ tại An Sương - một "vũng đất dữ" thời bấy giờ.
Năm 1997, Hùng “sầu” bị bắt, trong lần “xộ khám” này Hùng bị tuyên phạt 3,5 năm tù giam. Bước ngoặt cuộc đời của Hùng “sầu” cũng kể từ đây. Trong thời gian thụ án, Hùng được cho học chữ, có lẽ chính cái sự học và cải tạo trong tù đã khiến Hùng “sầu” mong muốn được hoàn lương.
Những ngày trong trại giam, Hùng thừa nhận đã gây ra rất nhiều vụ đâm chém, anh thẳng thắn thừa nhận, cuộc đời mình dù không trực tiếp giết người, nhưng bản thân cũng gián tiếp tước đi sinh mạng của 2 người. “Những ám ảnh này đến tận bây giờ vẫn chưa phai hết trong lòng. Tôi vẫn còn day dứt ăn năn” – Hùng “sầu” chia sẻ..
Được ra tù trước thời hạn 6 tháng, đầu năm 2000, Hùng “sầu” rũ bỏ áo tù trở về với cuộc sống đời thường. Ước mơ tìm một công việc nuôi sống bản thân đối với anh thời điểm đó vô cùng khó khăn. Một người với lý lịch vào tù ra tội, từng đâm chém, bảo kê khiến bất cứ nơi nào cũng e dè, từ chối khi Hùng đến xin việc.
“Không ai tin rằng một tên giang hồ như tôi có thể làm được những điều lương thiện và đi xin việc làm ở đâu cũng chẳng ai chấp nhận cho mình. Bởi lý lịch xấu, đi xin học nghề hay xin vào các công ty làm họ cũng đều không cho”, anh Hùng nhớ lại.
Đại ca một thời tại “vùng đất dữ” chia sẻ thêm: “Trong một lần đi lang thang, tôi vào một ngôi chùa, ngồi giữa sân rất lâu như một sự ăn năn hối hận về những tội lỗi mình đã gây ra, cầu mong Đức Phật chỉ cho con đường sáng. Từ trong nhà chùa một vị sư cầm bát cơm bước ra mời tôi ăn. Lúc này, tôi không thể kìm được nước mắt. Từ đó, ngày nào tôi cũng tìm đến cửa Phật để ngồi tịnh tâm. Trong một lần như thế tôi gặp Lê Lam (đại ca của Hùng “sầu” – PV), người cũng đã quy y cửa Phật khiến động lực hoàn lương trong tôi càng mạnh mẽ”.
Vượt qua số phận
Trải qua chặng đường gian nan tìm việc và thất bại trong nhiều nghề khác nhau, năm 2001, anh Hùng xin vào làm tại xưởng gỗ điêu khắc Quang Mỹ trên địa bàn huyện Hóc Môn. Sẵn có khiếu, lại được đào tạo bài bản cộng với quyết tâm cao nên anh tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau 3 tháng làm việc, anh được ông A Lin, quản lý xưởng, giao phụ trách kỹ thuật. Cuộc đời Hùng tưởng bước sang một trang mới nhưng số phận vẫn không buông tha anh.
Ganh ghét với sự thăng tiến quá nhanh của Hùng, người phụ trách kỹ thuật cũ đã thuê giang hồ đến “xử đẹp” anh. Thật oái oăm khi nhóm giang hồ được thuê đến “tính sổ” Hùng lại chính là “đàn em” cũ. Anh em gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, Hùng khuyên họ làm lại cuộc đời với lời dặn dò: “Khi nào muốn rửa tay gác kiếm, mấy chú cứ tìm đến anh!”.
Ước mơ hoàn lương đã hoàn thành và sau 10 năm gây dựng, gã giang hồ có “số má” ngày nào hiện đã là chủ của 2 cơ sở điêu khắc tại TP.HCM và Đăk Nông. Trong khoảng thời gian này, anh Hùng đã đào tạo hàng trăm người, trong đó chủ yếu là trẻ cơ nhỡ và những người vừa chấp hành hình phạt tù. Nhiều gia đình đã đưa con em đến đây để nhờ anh cai nghiện và dạy nghề. Sau thời gian đào tạo, những người này đã tự nuôi sống bản thân và gia đình với mức lương trung bình từ 12-15 triệu đồng mỗi tháng.
Từ khi cơ sở này thành lập, anh Hùng chưa từng từ chối một trường hợp nào xin vào làm việc. Anh cho biết, khó khăn nhất là khi tiếp nhận những thanh niên mới ra tù hoặc bị nghiện ma túy. Họ như những con ngựa bất kham, khiến anh phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, chỉ bảo. Bên cạnh công việc hàng ngày ở xưởng, anh Hùng cũng tổ chức cho anh em nhiều buổi sinh hoạt, đặc biệt là các buổi đến chùa Hoằng Pháp (ngôi chùa trước đây đã “thức tỉnh” anh) nghe các nhà sư nói chuyện.
Cuộc đời cũng đã mỉm cười với "đại ca một thời" khi ban tặng cho anh một gia đình yên vui hạnh phúc với người vợ hiền và đứa con trai 7 tuổi kháu khỉnh. Người đàn ông này luôn khắc khoải về một quá khứ lầm lỡ và hiện tại anh còn được biết đến là một cư sĩ có tiếng và thường xuyên có mặt trong các buổi thuyết giảng ở nhiều ngồi chùa từ Bắc chí Nam. Anh luôn mong muốn những người từng làm lỗi sẽ quay lại để làm người lương thiện, làm lại cuộc đời.
Dù làm được nhiều việc, tuy nhiên anh Hùng vẫn cho rằng chưa trả hết nợ với đời. “"Tôi luôn ấp ủ một điều rằng nếu mình làm được việc gì đó thì sẽ dùng cái nghề của mình giúp đỡ lại những bạn có hoàn cảnh cơ nhỡ, một thời lầm lỗi như tôi ngày xưa”, anh Hùng tâm sự.
Ghi nhận những đóng góp trong công tác giúp đỡ những người từng lầm lỡ trở về hoàn lương, anh Lê Thừa Dương Hùng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Công an và Bằng khen của UBND TP.HCM.
Trung Kiên