Đà Nẵng:
Đủ điều kiện để khởi tố vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa
(Dân trí) – Sau vụ phát hiện hàng chục mét khối gỗ quý trong rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa do lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và Đà Nẵng vừa phát hiện, chiều ngày 27/10 lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tổ chức họp với các ngành liên quan để xử lý vụ việc.
Theo ông Huỳnh Ngọc Hạp – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, ngày 6/10 Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông phối hợp với kiểm lâm địa bàn tại trạm kiểm lâm kiểm tra hiện trường và phát hiện 17 phách gỗ cất giấu tại khoảnh 5 tiểu khu 37 nhưng chưa đo đếm cụ thể từng chủng loại và khối lượng. Ngày 7/10, trạm Cà Nhông tiếp tục phát hiện thêm 49 phách gỗ.
Ngày 8/10, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa phối hợp với kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa tiến hành ghi hình, đo đếm số lượng gỗ với khối lượng 66 phách (gần 14m3) gồm kiền kiền và gõ. Hôm sau, kiểm lâm Đà Nẵng phối hợp với ngành chức năng huyện Đông Giang (Quảng Nam) tiến hành phúc tra xác định số gỗ là 14,366m3. Số gỗ này được đưa về Trạm kiểm lâm Dốc Kiền (huyện Đông Giang, Quảng Nam) để bảo vệ và điều tra xác minh.
Tiếp đó, sáng ngày 11/10, tổ kiểm tra tiếp tục phát hiện tại vùng giáp ranh (giữa hai huyện Đông Giang – Quảng Nam và Hòa Vang – Đà Nẵng) tại khoảnh 4 tiểu khu 37 phát hiện thêm 6 địa điểm cất giấu gỗ. Trong đó tại lâm phận Đà Nẵng có 1 điểm cất giấu 59 tấm gỗ khung ngoại kiềm kiền; tại lâm phận Quảng Nam có 5 điểm cất giấu 213 tấm.
Sáng ngày 12/10, trạm Cà Nhông và kiểm lâm địa bàn tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm 3 điểm cất giấu 165 tấm khung ngoại gỗ kiền kiền tại khoảnh 4 tiểu khu 37 (trên đất Đà Nẵng) tổng cộng 438 tấm; trong đó cất giấu trên phần đất Đà Nẵng 224 tấm (10,08m3), trên phần đất Quảng Nam 214 tấm (9,63m3).
Ngoài ra, tỏng quá trình kiểm tra, tổ kiểm tra của Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa còn phát hiện thêm 1 địa điểm nằm trên phần đất Quảng Nam 42 tấm với 9m3 gỗ. Tổng cộng, theo kiểm lâm Đà Nẵng có hơn 24m3 gỗ nằm trên đất Đà Nẵng và hơn 18m3 gỗ nằm trên đất Quảng Nam.
Ông Lê Văn Lương – Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng - cho biết, qua kiểm tra hiện trường tại các khu vực phát hiện gỗ, các đối tượng đã dùng cưa máy cầm tay để chặt hạ và cưa xẻ gỗ tại rừng với quy cách 6cm x 25cm x 3m. Ngoài một số các gốc có dấu hiệu mới bị chặt phá gần đây thì hầu hết số gỗ trên đã bị chặt hạ trong nhiều năm qua. Loại cây bị chặt hạ chủ yếu là kiền kiền, gõ, chò, huỳnh... Đây là gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA.
Ông Lương cũng cho biết, Chi cục đang tiếp tục làm việc với Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa và hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa về tập thể và các cá nhân cán bộ có liên quan thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vụ việc và đề xuất cấp thẩm quyền xử lý.
Tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Sự - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa – cho biết đã kiểm điểm 3 cán bộ của đơn vị trong ca trực. “Hiện chúng tôi đang xem xét cán bộ của đơn vị có tiếp tay cho lâm tặc hay không. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra có tiếp tay, Ban sẽ xử lý kỷ luật các cán bộ này”, ông Sự cho biết.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng – ông Trần Viết Phương - cho rằng, đây là vụ khai thác và cất giấu gỗ trái phép lớn nhất được phát hiện ở vùng giáp ranh tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Hiện Sở NN-PTNT cũng đang tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý rừng đặc dụng, Chi cục kiểm lâm phối hợp với Công an, các cơ quan nội chính huyện Hòa Vang tổ chức điều tra sớm và báo cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Phùng Tấn Viết cho rằng đây là sự việc rất nghiêm trọng. Có Ban quản lý rừng, có hạt kiểm lâm mà để xảy ra vụ việc là không thể chấp nhận. Ông Viết giao Sở NN-PTNT trực tiếp chỉ đạo kiểm lâm phối hợp với kiểm lâm Quảng Nam điều tra làm rõ địa điểm, nguồn gốc, đối tượng rõ ràng. Trên cơ sở điều tra, xác minh và xử lý nghiêm cán bộ trực tiếp hay tiếp tay thì phải xử lý.
“Thống nhất đề nghị của Công an đây là vụ việc nghiêm trọng; đề nghị Công an phối hợp với viện kiểm sát, kiểm lâm điều tra nếu xét thấy đầy đủ hành vi phạm tội thì khởi tố vụ án”, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, đại diện Cơ quan công an TP Đà Nẵng và lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng cho rằng vụ phá rừng lớn này đã đủ điều kiện để khởi tố vụ án nên vụ án phải được giao cho cơ quan công an điều tra cho khách quan.
Như Dân trí đã đưa tin (“Phát hiện hơn 14 m3 gỗ vô chủ trong rừng đặc dụng”, “Phát hiện thêm hàng trăm phách gỗ vô chủ ở rừng đặc dụng”), trong các ngày từ 6-14/10 lực lượng chức năng hai địa phương Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) đã phát hiện hàng trăm phách gỗ vô chủ. Vụ việc sau đó đã được lãnh đạo hai địa phương chỉ đạo kiểm tra để xử lý.
Công Bính