Đối tượng trốn nã 22 năm đầu thú và "bản án" không một đêm nào ngon giấc
(Dân trí) - Trong 22 năm trốn nã, đối mặt "bản án lương tâm", chưa đêm nào bị can được ngủ yên vì luôn nơm nớp lo sợ. Thời gian này, người đàn ông từng lầm lỡ nếm đủ cơ cực, từ làm bốc vác tới bán vé số dạo...
Cuối tháng 3 vừa qua, bị can bị truy nã Tăng Tấn Công (47 tuổi, trú tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) đã đến Công an xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đầu thú sau 22 năm lẩn trốn.
Theo hồ sơ vụ việc, cuối năm 1999, Tăng Tấn Công và Cao Viết C. (quê Nam Định) cùng nhóm người tổ chức ăn nhậu tại lán trại giữa rừng thuộc thôn Đầu Gò (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc). Trong lúc nhậu, giữa Công và C. xảy ra mâu thuẫn.
Trong lúc lời qua tiếng lại, C. dùng dao găm mang theo bên mình đâm một nhát vào người Công. Biết C. là "dân anh chị" từ địa phương khác đến, Công bỏ chạy.
Sau đó, Công mượn dao của một nhà dân rồi âm thầm quay lại lán trại và chém vào chân C. khiến nạn nhân mất máu cấp, thiệt mạng. Sau khi gây án, Công bỏ trốn.
Ngày 27/1/2000, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Nam phát lệnh truy nã Tăng Tấn Công.
Nhiều năm trôi qua, hồ sơ truy nã đối với Tăng Tấn Công được các trinh sát công an tỉnh Quảng Nam "mở ra, đóng lại" nhiều lần nhưng hình bóng của đối tượng vẫn biệt vô âm tín.
Đầu năm 2022, ngoài việc gửi thư của liên ngành Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đến gia đình vận động đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, những thông tin liên quan đến Tăng Tấn Công cũng được Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam chuyển đến Công an huyện Đại Lộc và Công an xã Đại Hưng yêu cầu phối hợp.
Bằng sự kiên trì, Công an xã Đại Hưng đã thuyết phục được những người thân cùng tham gia vận động Tăng Tấn Công ra đầu thú.
Công an xã Đại Hưng đã tác động anh ruột của Tăng Tấn Công là Tăng Tấn Vân viện lý do cha bị tai biến nằm một chỗ, mẹ già yếu để vào miền Nam tìm và đưa Công về xã đầu thú.
Đến ngày 26/3, Tăng Tấn Công tự đến Công an xã Đại Hưng trình diện, kết thúc hành trình 22 năm trốn tránh pháp luật.
Theo lời khai ban đầu của Tăng Tấn Công, trong 22 năm qua, bị can chưa có đêm nào được ngủ yên vì luôn nơm nớp nỗi lo sẽ bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ. Cũng trong từng đó thời gian, Công nếm đủ nỗi cơ cực, làm đủ nghề, từ bán vé số đến phụ hồ, bốc vác... để kiếm sống.
Vì tâm lý sợ ở chốn đông người dễ bị phát hiện, sau đó Công chuyển sang làm những công việc nặng nhọc để "ít tiếp xúc với người lạ". Công đi làm phụ hồ tại nhiều công trình xây dựng ở Bình Dương, Bình Phước, TPHCM.
"Bây giờ tôi ngủ đã yên giấc, ăn cũng ngon miệng, được hít thở bầu không khí trong lành của quê hương và trên hết là không còn lo sợ, phấp phỏng nữa", bị can Tăng Tấn Công nói.