Đối tượng bị lập hồ sơ, đưa vào trường giáo dưỡng có xu hướng tăng
(Dân trí) - Số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có xu hướng tăng đều từ năm 2014 cho đến nay.
Theo báo cáo của Bộ Công an về tổng kết 8 năm thực hiện Nghị định số 02/2014 của Chính phủ, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 1.621 đối tượng, cơ sở giáo dục bắt buộc là 3.056 đối tượng.
Tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 1.474 đối tượng và cơ sở giáo dục bắt buộc 2.788 đối tượng (chiếm khoảng 91% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị).
Quá trình triển khai thi hành cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhiều nhất trong số những đối tượng đủ điều kiện áp dụng biện pháp này.
"So sánh số liệu các năm cho thấy, số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có xu hướng tăng đều từ năm 2014 cho đến nay. Đó có thể là biểu hiện của ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, có lối sống chưa lành mạnh, tình hình vi phạm hành chính vẫn diễn biến ngày càng phức tạp"- Bộ Công an nêu trong báo cáo gửi tới Bộ Tư pháp.
Kể từ khi Nghị định số 02/2014 được Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh, chú trọng việc áp dụng biện pháp trên thực tế. Tình hình áp dụng biện pháp trên cả nước đã được thực hiện tương đối tốt, các cơ quan, ban ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về quy trình, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Dù vậy, nhiều địa phương phản ánh những vướng mắc, bất cập liên quan đến đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, về điều kiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc còn phức tạp
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay chưa được thống nhất, một số văn bản còn chồng chéo, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây cũng chính là một trong những "rào cản" lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Từ đó, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những khó khăn bất cập, kịp thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc phối hợp thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, không nên xem đó là nhiệm vụ của cơ quan công an, mà coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nếu làm tốt vấn đề này sẽ hạn chế người vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đưa vào trường giáo dưỡng (đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc) là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Đây là một biện pháp áp dụng đối với những cá nhân trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi vi phạm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Biện pháp xử lý hành chính đưa cá nhân vào cơ sở giáo dưỡng chỉ áp dụng với chủ thể là cá nhân, không áp dụng với tổ chức hoặc người nước ngoài.