Đội SBC đặc biệt triệt phá hơn 500 vụ cướp giữa Sài Gòn
Lúc cuộc sống yên bình, các anh là những người bán phở, xe ôm, vá săm xe đạp,... Nhưng khi gặp cướp, những con người hiền lành, chân chất ấy bỗng trở nên mạnh mẽ, dũng cảm lạ thường.
Chung một ước mơ
Lưu Viễn Thuận là một chàng trai có dáng người cao lớn, thanh lịch. Đôi mắt sáng ẩn dưới cặp kính cận càng khiến Thuận trông giống thầy giáo hoặc một người làm công việc liên quan đến khoa học nhiều hơn là "nghề" săn bắt cướp (SBC).
Nghiệp săn bắt cướp của Thuận bắt đầu từ một ngày cuối năm 1999, khi anh đang là học sinh lớp 12. Hôm đó, đang đi học về trên đường Lê Thúc Hoạch, "cậu bé" Thuận phát hiện hai thanh niên chạy xe phân khối lớn thực hiện hành vi giật bông tai của một cô gái.
Sau cú giật đầu tiên không thành, chúng tiếp tục ép xe và đạp cô gái ngã lăn ra đường. Ngay lập tức, tên ngồi sau lao xuống đạp mạnh vào mặt, giật đôi bông tai rồi lao lên xe tẩu thoát. Nhanh như chớp, Thuận lao thẳng chiếc xe đạp vào đầu xe gắn máy của bọn cướp để chặn chúng lại.
Bị tấn công, hai tên cướp rút mã tấu nhằm hướng Thuận thẳng tay chém xuống. Nhưng rất may, chiếc cặp sách đang khoác trên lưng đã đỡ cho Thuận được nhát chém chí mạng.
Lấy lại bình tĩnh và vận dụng những thế võ đã được học từ nhỏ, Thuận đã dũng cảm hạ gục được một tên. Cùng lúc đó, quần chúng nhân dân đã lao vào hỗ trợ, tóm gọn được tên còn lại.
Sau lần bắt cướp đầu tiên ấy, nhiều bạn trong trường tếu táo gọi anh là "Thuận khùng"; "Thuận tay không bắt cướp"… Còn các cô gái thì trìu mến đặt cho anh cái tên "Thuận bắt cướp".
Trong nhóm SBC của Thuận, Nguyễn Trung Nghĩa (làm thợ inox ở quận Tân Phú) cũng là một chàng trai rất đáng chú ý. Thuận và Nghĩa vốn quen nhau trong một cơn hoạn nạn cách đây đã hơn chục năm.
Vào khoảng 22 giờ đêm một ngày cuối năm 2001, đang dạo xe đi "săn cướp" trên đường Trường Chinh (đoạn qua cổng Nhà máy mì Vifon), Thuận phát hiện một nhóm thanh niên gồm 4 tên đang dùng một cây mã tấu cùng hai đoạn ống nước bằng thép uy hiếp để cướp chiếc xe Dream của một nam công nhân vừa tan ca. Ngay lập tức, Thuận đã xông vào trấn áp nhóm cướp giật nhưng do chúng đông hơn nên anh đã bị đánh hai nhát ống nước vào lưng.
Đúng lúc ấy, một chiếc xe phân khối lớn ập tới, một người thanh niên lạ mặt nhanh chóng nhảy xuống, sát cánh cùng Thuận chống lại cái ác. Sau một hồi vật lộn căng thẳng, cuối cùng, hai anh cũng lần lượt hạ gục được cả bốn tên rồi giao nộp cho Công an quận Tân Bình. Sau giây phút nguy cấp ấy, Thuận mới biết người thanh niên lạ mặt chính là Nguyễn Trung Nghĩa. Từ đó hai người kết tình bằng hữu.
Những thành tích SBC mà thành viên thứ ba trong nhóm - Trần Văn Hoàng - có được cũng rất đáng khâm phục. Sau khi xuất ngũ trở về, không nghề nghiệp, anh vay mượn bạn bè, mua được chiếc xe gắn máy Trung Quốc rồi một mình vừa chạy xe ôm, vừa bán mũ bảo hiểm ở góc đường Trương Công Định - Trường Chinh (quận Tân Bình) nuôi vợ con cùng bố mẹ già. Cực nhọc là vậy nhưng mỗi khi thấy cướp là anh gác ngay công việc lại và phóng xe truy bắt.
Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, mỗi năm anh Hoàng đã truy bắt nóng được hàng chục vụ cướp. Ngoài ra, những người khác trong nhóm như các anh Bùi Ngọc Hùng (nhân viên Công ty Bia Việt Nam); anh Cao Xuân Mạnh Tuân (lái xe); Lâm Hiếu Long (môi giới bán xe ôtô); anh Phúc (bán phở ở Tân Bình), anh Khánh (chủ tiệm cơm chay trên đường Bình Giã) đều có thành tích trên 10 lần bắt cướp.
Hỏi chuyện mới biết, ngay từ hồi nhỏ, tất cả đều rất thích hình ảnh những chiến sỹ Cảnh sát hình sự truy bắt và trấn áp tội phạm mà các anh vẫn thấy trong đời sống thường ngày cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh.
Riêng Thuận, từ năm học lớp 8, mỗi khi cô giáo dạy văn ra đề tả về chân dung là Thuận nghĩ ngay đến đề tài tả về người chiến sỹ Cảnh sát hình sự và không ít lần được cô giáo chấm điểm 8-9! Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông Thuận đăng kí thi vào trường Đại học Cảnh sát, nhưng qua hai lần thi đều trượt, anh đành chọn và theo học một ngành khác.
Kể từ lần bắt cướp đầu tiên ấy cho đến nay đã hơn 10 năm, anh Thuận đã đứng ra tập hợp những anh em cùng chung đam mê lại thành nhóm chuyên SBC. Cũng từ ngày các anh kề vai sát cánh, đã cùng nhau phát hiện và bắt nóng được hàng trăm tên cướp nguy hiểm.
Hằng ngày, ngoài những lúc lao động mưu sinh, các anh lại rong ruổi trên những cung đường (khu vực các quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp) để săn tìm, phát hiện và trấn áp cái ác.
Hiểm nguy cận kề
Khi nghe chúng tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, Thuận bất thần suy nghĩ hồi lâu. Có lẽ, việc sắp xếp lại ký ức một cách gọn gàng để lọc ra trong số hàng trăm những kỉ niệm hào hùng đối với người từng trải như Thuận là điều không dễ dàng.
Thuận kể lại, vào ngày 19-8-2010, khi có việc đi đến khu vực ngã tư giao lộ Nguyễn Đình Chiểu (cắt Nguyễn Thượng Hiền), Thuận bất ngờ phát hiện 2 thanh niên đi trên 1 xe honda chạy ngược chiều, tên ngồi sau liên tục đánh mắt vào những người phụ nữ đi bộ.
Thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn, Thuận quay xe theo dõi được một đoạn thì phát hiện hai tên ra tay giật sợi dây chuyền của một phụ nữ đang chạy xe gắn máy rồi lao thẳng ra đường Cách mạng Tháng Tám (về hướng đường Điện Biên Phủ).
Không cho bọn cướp có thời gian chạy thoát, Thuận quyết tăng tốc đuổi theo. Phát hiện bị truy đổi, hai tên cướp lao xe ngược chiều vào đường Điện Biên Phủ. Lúc ấy đang là giờ tan tầm, lượng xe cộ dày đặc, Thuận đành phóng lên vỉa hè để tiếp tục bám sát mục tiêu.
Khi đến vòng xoay Lý Thái Tổ thì Thuận đuổi kịp và tung chân đạp mạnh vào đầu xe của bọn cướp. Bị đạp ngã văng ra đường, hai tên cướp tháo chạy về hai hướng khác nhau, Thuận tri hô để quần chúng nhân dân đuổi bắt một tên và một mình đuổi theo tên còn lại.
Cùng đường, tên cướp một tay cầm con dao dài chừng 40 cm, một tay cầm ống xy-lanh còn dính máu bất ngờ tấn công ngược lại. Sau gần 30 phút đấu trí, đấu sức, tên cướp đã bị Thuận khống chế trước khi chém Thuận một nhát ở tay phải dài đến 10 mũi khâu.
Ngày 31/12/2011, sau bữa cơm tối, Thuận cùng anh Nghĩa rủ nhau đi săn cướp. Đang chậm rãi thả ga trên đường Lê Trọng Tấn (hướng về đường Tân Kỳ Tân Quý) các anh phát hiện hai thanh niên đi trên một xe gắn máy chạy ngược chiều có nhiều dấu hiệu khả nghi nên quay xe bám theo.
Được một đoạn ngắn, hai đối tượng bỗng giảm tốc độ dạt vào ven đường nơi có hai người một nam, một nữ đang đứng bên lề nói chuyện. Tên ngồi sau ra tay giật sợi dây chuyền trên cổ người nữ nhưng không được.
Trước hoàn cảnh đó, Thuận quyết định đánh tay lái lách xe qua bên trái định ép xe của đối tượng vào lề đường thì bỗng lúc đó xuất hiện một chiếc xe gắn máy không có đèn lái chạy ngược chiều tông thẳng vào khiến Thuận và xe ngã lộn nhiều vòng trên đường.
Tai nạn xảy ra, anh chỉ kịp vẫy tay ra hiệu cho Nghĩa tiếp tục truy đuổi rồi nằm bất tỉnh tại chỗ. Sau khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sỹ cho biết anh gãy tay trái và chấn thương sọ não nặng phải nằm trong Phòng Hồi sức cấp cứu của Khoa Chăm sóc đặc biệt.
Tỉnh lại sau cơn hôn mê kéo dài với chỉ một tấm vải trắng choàng ngang bụng, khắp người toàn những dây rợ, hai lỗ mũi gắn hai ống thở oxy, cổ tay trái là ống truyền nước biển, ngực gắn nhiều dây của máy theo dõi nhịp tim, hai chân và cánh tay còn lại bị trói chặt vào thành giường. Ấy vậy mà khi tỉnh lại, việc đầu tiên Thuận làm là nắm chặt tay Nghĩa hỏi: "Có bắt được hai tên cướp không?".
Trở lại vụ truy bắt cướp hôm ấy, nhận tín hiệu từ Thuận, Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp tục truy đuổi, nhưng bị hai tên cướp dùng mã tấu và xy-lanh có gắn kim tiêm còn dính máu chống cự lại. Với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, hai tên cướp đã bị hạ gục nhưng Nghĩa phải vào bệnh viện điều trị những vết thương trên người.
"Sau lần truy bắt, bị hai tên cướp dùng kim tiêm đâm nhiều nhát vào người, biết hai tên bị nhiễm HIV, tôi phải lặn lội đến Bệnh viện Nhiệt đới làm xét nghiệm. Cũng may số mạng mình lớn nên không bị gì" - Nghĩa vừa nói vừa cười vui vẻ.
Công việc đầy nguy hiểm và tốn kém, tiền xăng xe của mỗi người hằng tháng lên đến 3-4 triệu đồng nhưng với lòng nhiệt huyết và tiêu chí tự nguyện nên toàn bộ chi phí hoạt động đều do các thành viên tự túc, kiên quyết không nhận bất cứ nguồn hỗ trợ nào.
Có lần, một chủ nhà hàng giàu có cảm động trước hành động dũng cảm của các anh đã đề nghị được ủng hộ cho nhóm mỗi tháng 10 triệu đồng nhưng tất cả đều từ chối. Thỉnh thoảng có được ít tiền khen thưởng của các cấp chính quyền, họ bỏ vào làm quỹ chung để dành sửa chữa, nâng cấp xe khi bị hỏng.
Nguy hiểm, vất vả là vậy, nhưng với những con người tâm huyết này, niềm vui lớn nhất của họ là truy bắt tội phạm để góp một phần nhỏ cùng các lực lượng Công an đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự, mang lại sự bình yên trên các nẻo đường thành phố.
Nhóm trưởng SBC Lưu Viễn Thuận Lưu Viễn Thuận là con trai út trong một gia đình có 6 anh chị em ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Do cha từng là bộ đội đặc công, rất giỏi võ nên khi Thuận mới được 6 tuổi ông đã gửi anh đi học võ thuật. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin loại giỏi, Thuận được tuyển vào Công an TP Hồ Chí Minh, công tác tại Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Công việc được giao của anh là kết hợp với Công an 24 quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn công tác giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự đến từng phường xã. 17 tuổi, khi còn đang là học sinh trung học phổ thông, Thuận đã một mình bắt được 2 tên cướp giật dây chuyền của một phụ nữ ngay tại cổng trường trung học phổ thông Trần Phú, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, chỉ tính riêng anh đã bắt nóng được hàng trăm vụ cướp giật trên đường phố, và nếu tính tất cả những vụ mà anh em trong nhóm tình nguyện triệt phá được lên đến hơn 500 vụ. Ngày 31/12/2011 trong lúc cùng người bạn là Nguyễn Trọng Nghĩa truy đuổi 2 tên cướp giật trong khu công nghiệp Tân Bình thì xe của anh va chạm với một xe gắn máy đi ngược chiều. Tai nạn xảy ra làm anh bị chấn thương sọ não và gãy tay. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã đến bệnh viện thăm, động viên và tặng quà cho anh. |