1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đình chỉ điều tra tội tham ô với "nữ hoàng lục bình"

(Dân trí) - Sau hơn 8 năm vướng vòng lao lý với khoảng 15 lần ra tòa, mới đây, nữ Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ ở huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) được người dân tôn vinh là "nữ hoàng lục bình” đã chính thức được đình chỉ điều tra.

Bà Huỳnh Ngọc Bích (SN 1965, Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích) cho biết: Ngày 4/7, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng trao quyết định đình chỉ điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng đối với bà. Bà Bích được đình chỉ điều tra theo Khoản 2, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về hành vi không cấu thành tội phạm.


Bà Huỳnh Ngọc Bích được nhiều người dân gọi là nữ hoàng lục bình.

Bà Huỳnh Ngọc Bích được nhiều người dân gọi là "nữ hoàng lục bình".

Vào tháng 5/2010, bà Huỳnh Ngọc Bích bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về hành vi “Tham ô tài sản” trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Sóc Trăng. Trước đó, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam nguyên Giám đốc TTKC Sóc Trăng là ông Ngô Hồng Phi và 5 người khác là Nguyễn Quốc Trung, Đặng Minh Út, Nguyễn Thế Vương, Huỳnh Văn Bảy, Huỳnh Ngọc Bích và Trần Tấn Là về hành vi “Tham ô tài sản”.

Trong đó, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương và Đặng Minh Út là thuộc cấp của ông Phi; ông Huỳnh Văn Bảy là cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách (Sóc Trăng); bà Huỳnh Ngọc Bích (Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích) và ông Trần Tấn Là (Chủ nhiệm HTX Như Ý) chuyên về lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Hồ sơ tố tụng thể hiện, năm 2006 - 2007, TTKC Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện các phần việc được giao, ông Phi bị cho là chỉ đạo kế toán Út thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên (đã trốn ra nước ngoài) quản lý.

Còn Trung, Vương bị cáo buộc tìm đến các Chủ nhiệm HTX để thỏa thuận ký kết những hợp đồng dạy nghề, nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán, chiếm đoạt 402 triệu đồng. Trong đó, bà Bích bị cáo buộc tham ô 17,6 triệu, ông Phi 30,6 triệu đồng, Vương 21 triệu đồng, Trung 13,4 triệu đồng, Út 17,7 triệu đồng...

Qua nhiều năm điều tra, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, trong 402 triệu đồng, cơ quan điều tra chứng minh được các bị cáo tiêu xài cá nhân gần 129 triệu đồng, còn lại 283 triệu đồng là chi sai nguyên tắc khi tiếp khách, đi công tác,... Trong đó, Vương, Trung bị cơ quan công tố quy trách nhiệm tương đương với Phi, Út về số tiền gần 129 triệu đồng.

Ngày 27/2/2012, vụ án được đưa ra xét xử lần thứ 6 sau 5 lần bị hoãn. Kết thúc phiên tòa, bà Bích bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên án 6 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”, được hưởng án treo. Các bị cáo còn lại mỗi người lãnh từ 2-4 năm tù.

Tháng 4/2013, TAND Tối cao tại TPHCM hủy bản án trên khi xử phúc thẩm theo kháng án của các bị cáo.

Đến tháng 2/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bà Bích không phạm tội. Ông Phi cùng các thuộc cấp Út, Trung và Vương bị tuyên mỗi người từ 5-8 năm tù. Bản án này sau đó bị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị. Tháng 3/2016, TAND Cấp cao tại TPHCM hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại.

Sau 3 năm được tòa án tuyên vô tội, ngày 14/5/2018, bà Bích lại bị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng cáo buộc “Tham ô tài sản”. Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử cuối tháng 5/2018. Tuy nhiên, ngày 4/7, bà Huỳnh Ngọc Bích nhận quyết định đình chỉ điều tra.

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, được dư luận quan tâm theo dõi vì vụ án xảy ra với số tiền được cho là tham ô không nhiều. Đặc biệt, bà Huỳnh Ngọc Bích là người thành lập HTX thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 lao động nhiều tỉnh miền Tây.

H.D