1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Điều tra nghi án nhiều người bị lừa xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Bảo Trân

(Dân trí) - Cơ quan CSĐT đang vào cuộc, xác minh vụ nhiều người dân "tố" bị lừa tiền bằng thủ đoạn xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết đã nhận được đơn tố giác tội phạm của ông Huỳnh Văn Tuấn (SN 1975, ngụ Giồng Riềng) về việc ông cùng 7 người thân trong gia đình bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng bằng thủ đoạn xuất khẩu lao động.

Cụ thể, khoảng tháng 6/2023, ông Huỳnh Văn Tuấn nghe con gái là Huỳnh Kiều Oanh (đang lao động tại Hàn Quốc) cho biết, có người bạn tên Trần Bảo Ngọc ở Hàn Quốc (tên tự xưng, không rõ địa chỉ và nguyên quán) đang cần hơn 40 lao động phổ thông làm thời vụ tại Hàn Quốc.

Điều tra nghi án nhiều người bị lừa xuất khẩu lao động Hàn Quốc - 1

Ông Huỳnh Văn Tuấn (Ảnh: Bảo Trân).

Nghe vậy, ông Tuấn liên hệ Ngọc, đăng ký cho 7 người thân trong gia đình gồm: Huỳnh Văn Thống, Phan Thị Ngân, Huỳnh Văn Trung, Lê Văn Thắng (cùng ngụ huyện Giồng Riềng), Lâm Văn Tường, Lâm Thị Kiều, Lê Thị Út (cùng ngụ huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) đi Hàn Quốc lao động.

Sau khi kết nối qua Zalo và trao đổi với ông Tuấn, Ngọc thông báo ngày 15/1, gia đình ông Tuấn sẽ được đi Hàn Quốc với yêu cầu phải đóng một khoản chi phí.

Tin tưởng, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, ông Tuấn và những người trên đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào các số tài khoản khác nhau theo yêu cầu của Ngọc. 

Ngoài ra, Ngọc còn hướng dẫn ông Tuấn và những người thân đến TPHCM gặp người đàn ông tên T. để khám sức khỏe, bổ sung thủ tục xin visa với chi phí 5 triệu đồng/người. 

Sau khi hoàn tất thủ tục theo yêu cầu, đến thời gian đi Hàn Quốc, ông Tuấn tìm cách liên lạc với Ngọc nhưng không được.

Điều tra nghi án nhiều người bị lừa xuất khẩu lao động Hàn Quốc - 2

Nhiều giấy khám sức khỏe của các nạn nhân được phóng viên thu thập từ người đàn ông tên T. tại TPHCM (Ảnh: Bảo Trân).

Nhận thấy đã bị lừa nên các bị hại đã làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an. 

"Ngoài bị lừa tiền, hiện có đến 5 hộ chiếu của tôi và người thân bị Ngọc giữ", ông Tuấn bức xúc cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Thượng tá Nguyễn Văn Trường - Trưởng Công an huyện Giồng Riềng - cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của ông Tuấn. Vụ việc đang trong quá trình xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ...

"Do vụ việc có yếu tố nước ngoài nên huyện cũng đang tập trung nghiên cứu, xem xét chuyển hồ sơ lên cơ quan công an tỉnh", ông Trường nói. 

Ông Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Giồng Riềng - cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kiên Giang không chủ trương xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Các công ty xuất khẩu lao động đều phải được cấp giấy phép từ tỉnh. 

"Do người dân muốn được đi xuất khẩu lao động ngay mà không cần phải học tiếng nước ngoài nên rơi vào các trường hợp đáng tiếc như trên. Sau khi nắm thông tin vụ việc, Phòng LĐ-TB&XH đã chỉ đạo cán bộ LĐ-TB&XH tại các xã rà soát, tuyên truyền cảnh báo người dân trên địa bàn nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo", ông Minh nói.