Diễn biến bất ngờ vụ cựu tử tù Liên Khui Thìn đòi tài sản

Xuân Duy

(Dân trí) - Cựu tử tù Liên Khui Thìn khởi kiện đòi lại 50% cổ phần công ty từng góp vốn và được tòa sơ thẩm chấp nhận. Tuy nhiên tại phiên phúc thẩm, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thìn.

Ngày 24/6, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu vốn góp trong công ty giữa nguyên đơn là ông Liên Khui Thìn và bị đơn là ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức. 

Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận kháng cáo của bị đơn, tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Liên Khui Thìn. 

Tòa cho rằng căn cứ vào hồ sơ vụ án và văn bản bị đơn cung cấp thì ông Thìn không còn là thành viên của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn (Công ty Tây Sơn) từ năm 2000. Bản án sơ thẩm chấp nhận đơn kiện của nguyên đơn là chưa phù hợp nên quyết định sửa án.

Diễn biến bất ngờ vụ cựu tử tù Liên Khui Thìn đòi tài sản - 1

Ông Liên Khui Thìn (Ảnh: N.K.).

Theo hồ sơ vụ án, năm 1996, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty Tây Sơn với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng, mỗi người góp 50% vốn.

Sau đó, ông Thìn bị bắt trong "đại án Epco - Minh Phụng" và bị tuyên án tử hình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, do đã cấu kết với một số người chiếm đoạt tiền Nhà nước thông qua các hợp đồng vay ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Thìn được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm cải tạo tốt, ông này tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá năm 2009. 

Ông Thìn cho rằng, thời gian mình chấp hành án, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức (chồng và con bà Mai) và ông Đỗ Thế Minh (em bà Mai) mà không hỏi ý kiến của mình.

Tháng 9/2018, ông Thìn khởi kiện chồng con bà Mai ra TAND TPHCM, yêu cầu tuyên hủy giao dịch gian dối, phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn.

Năm 2020, xử sơ thẩm, tòa chấp nhận toàn bộ đơn kiện của ông Thìn. HĐXX xác định việc bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cho ông Minh (người chưa là thành viên công ty) trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh, giảm vốn điều lệ, thay đổi, xóa tên thành viên mà chưa có ý kiến của ông Thìn, không có quyết định của Hội đồng thành viên là vi phạm Luật Doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của ông Thìn...

Không chấp nhận phán quyết trên, phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Họ cho rằng toàn bộ giao dịch chuyển nhượng vốn của Công ty Tây Sơn cho bị đơn là hợp pháp do ông Thìn không còn là thành viên của công ty.

Căn cứ phía bị đơn đưa ra là theo công văn ngày 22/8/2000 của TAND TPHCM trả lời về phần hùn vốn của ông Thìn. Cụ thể, ông Thìn tuy có góp vốn điều lệ trong Công ty Tây Sơn là 1,5 tỷ đồng, sau đó lại lấy tài sản của chính công ty thế chấp nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong công ty. Các thành viên còn lại có thể đăng ký theo Luật Doanh nghiệp để ổn định hoạt động.

Trong khi đó, đại diện nguyên đơn đề nghị tòa bác kháng cáo của bị đơn, tuyên y án sơ thẩm.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định sửa án sơ thẩm, bác toàn bộ đơn kiện của ông Thìn.