1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thanh tra Chính phủ:

"Điểm mặt" nhiều sai phạm tại Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 6796/VPCP-KNTN về việc xử lý sau thanh tra Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Theo đó, nhiều sai phạm tại Dự án đường cao tốc này bị "điểm mặt".

"Điểm mặt" nhiều sai phạm tại Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - 1

Thi công xử lý đất nền yếu tại Dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Ảnh: Anh Minh)

Công văn trên cho biết, xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 1873/KL-TTCP-V.I ngày 29/6/2010, ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải tại Văn bản số 5490/BGTVT-CQLXD ngày 11/8/2010 và ý kiến của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1657/BXD-TTr ngày 1/9/2010 về kết quả thanh tra Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình (giai đoạn 1); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:

Đồng ý với nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản 1873/KL-TTCP-V.I ngày 29/6/2010. Giao Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về xử lý hành chính và kinh tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các kiến nghị về cơ chế chính sách. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định chỉ đạo GPMB kịp thời để thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Tại Kết luận Thanh tra số 1873, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình là tuyến cao tốc đi qua địa phận các tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình do Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 1999 đến 2005 và được chuyển đổi qua 3 chủ đầu tư đó là Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Ban Quản lý Dự án 1 và Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Quá trình thực hiện Dự án trên có thiếu sót, khuyết điểm sau: Việc khảo sát của bước lập thiết kế sơ bộ do Ban Quản lý Dự án Thăng Long và Ban Quản lý Dự án 1 thực hiện chưa đúng quy định của Quy trình khảo sát đường ô tô 22TCN 263-2000, các chỉ tiêu thiết kế của các bước thiết kế cơ sở chưa đảm bảo độ tin cậy. Đây là nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện Dự án như: Tại thời điểm thanh tra, tổng mức đầu tư của dự án đã điều chỉnh từ 3.734 tỷ đồng lên 7.692 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Tại thời điểm thanh tra chưa lập tổng dự toán của dự án mà chỉ lập dự toán của từng gói thầu của dự án. Các tài liệu sử dụng để lập dự toán của các gói thầu chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận; Xác định cấp đất sai làm tăng giá trị gói thầu số 1 lên 1,855 tỷ; tính toán thiếu thống nhất mức hao phí vật liệu cát của hạng mục cọc giếng cát dẫn đến việc xác định giá trị các gói thầu không chính xác. Trách nhiệm thuộc về Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải.

Việc bàn giao mặt bằng để thi công dự án của các địa phương (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định) còn chậm, đến thời điểm thanh tra còn 1.437m chính tuyến của dự án (chiếm 2,87%) và 837m đường ngang của dự án chưa giải phóng được mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu. Do đó, dẫn đến tiến độ thi công dự án chậm, gây khó khăn, thiệt hại cho nhà thầu và lãng phí vốn đầu tư dự án. Trách nhiệm thuộc về UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam và Nam Định.

Kết luận Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ: Việc Quản lý sử dụng thầu phụ sai so với hồ sơ thầu; thực hiện điều chỉnh chi phí vật liệu của các gói thầu đối với các hạt trung chưa đúng với Thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng; việc thi công các gói thầu còn chậm so với thời gian đã ký kết trong hợp đồng. Trách nhiệm thuộc về Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Giám định, Bộ GTVT, Chủ Đầu tư không thẩm định lại gói thầu số 1 đối với phần thi công giếng cát qua lớp đất cấp I làm tăng vốn đầu tư; một số nhà thầu trong khi làm hồ sơ dự thầu không kiểm tra kỹ khối lượng của hồ sơ thiết kế trong hồ sơ mời thầu dẫn đến khối lượng trong bản vẽ thi công chênh lệch so với thiết kế kỹ thuật.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Dự án 1 và Ban Quản lý Dự án Thăng Long quyết toán giá trị 6,060 tỷ đồng là số tiền chi phí cho khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đúng nguồn vốn của dự án; Giao Bộ GTVT chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm như đã nêu trong Kết luận Thanh tra…

Vũ Văn Tiến