Để xổng chim, mẹ bị con cho ăn đòn
Lâu nay đòn roi của con trai trở thành “cơm bữa” đối với bà Nguyễn Thị Tung (73 tuổi) ở thôn An Khang (xã Yên Thạch, Sông Lô, Vĩnh Phúc).
Trong căn nhà nhỏ không một đồ vật giá trị, người mẹ già ngồi thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe. Những bết bầm tím bởi trận đòn sinh tử của cậu con trai vẫn còn hằn rõ trên khuôn mặt gió sương.
Đánh mẹ vì xổng 3 con chim chào mào
Đã từng có một vợ, 3 con nhưng chính tính vũ phu, tàn bạo đã phá vỡ hạnh phúc gia đình Xuân. Vợ bỏ về nhà mẹ đẻ, Xuân cũng trở về “tầm gửi” mẹ già. Tuổi đã ngoại tứ tuần nhưng hắn không làm bất cứ công việc gì kiếm tiền, chỉ thi thoảng hộ người ta xây cái này cái kia kiếm bữa cơm rượu hoặc vài ba trăm ngàn đồng. Công to việc lớn trong nhà đều phải dựa vào đồng lương hưu còm hơn 1 triệu đồng của người mẹ già.
Thế nhưng với hắn, mẹ lại không bằng… ba con chào mào! Sự việc xảy ra vào trưa ngày 25/3, sau khi đi xây mộ giúp một gia đình và được hậu đãi no say, Nguyễn Văn Xuân (Sinh năm1966) - Con trai bà Tung - trở về nhà thì phát hiện lồng chim 4 con đã xổng mất 3. Sẵn có ma men trong máu, hắn ra sức chửi bới và lao vào đánh mẹ. Cú tát đau điếng khiến người đàn bà ở tuổi gần đất xa trời ngã sóng xoài.
“Mẹ, có mấy con chim mà mày không trông được cho tao thì mày làm ăn cái gì, mày chỉ biết ăn bám tao” - Vừa chửi Xuân vừa túm tóc, xoay bà Tung trên nền nhà và tát tới tấp vào mặt. Chưa hả, hắn còn dùng điếu cày phang liên hồi vào người bà. Gần như không còn chút sức lực để chống trả hay kêu cứu, người mẹ già chỉ còn biết ngồi ôm đầu, cúi mặt và chịu đòn của đứa con trai.
Chị Nguyễn Thị Bình - Hàng xóm của bà Tung - cho biết: “Khi tôi chạy sang, thấy bà ngồi giữa cửa gục đầu trên gối, máu chảy từ đầu xuống lưng. Tay và ống điếu thằng Xuân dùng để đánh cũng đẫm máu”.
Mặc cho họ hàng chòm xóm có ra sức can ngăn, khuyên nhủ nhưng Xuân vẫn cứng đầu: “Không phận sự của các người. Hôm nay, tôi phải cho bà ấy đòn quyết định”. Còn nỗi bất hạnh nào hơn khi chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra muốn kết liễu cuộc đời mình?
Nghịch tử đánh mẹ như cơm bữa
Theo lời kể của những người xung quanh, đây không phải lần đầu Xuân ra tay với mẹ mình. Thậm chí cả khi không say, hắn vẫn thường chửi và đánh mẹ như một… thói quen. Đã mấy năm nay, cứ mỗi dịp 29, 30 Tết, Xuân lại đánh đuổi mẹ ra khỏi nhà, đem đốt hết quần áo, chăn chiếu của bà Tung.
Có hôm hắn đánh rồi túm tóc bà kéo lê trên đường như kéo một chiếc bao tải. Những vết xây xước đến giờ đã thành sẹo trên lưng người mẹ già. Chưa thỏa cơn, Xuân còn bắt mẹ mình phải quỳ xuống van xin “Con xin bố” thì mới tha đòn.
Ông Hà Văn Xuân - Em rể bà Tung - còn bức xúc kể: “Có lần nó dùng dây thép xích mẹ lại như xích một con chó, công an phải cưa ra để giải thoát cho bà.”
Ông Nguyễn Bá Linh - Nguyên Bí thư chị bộ thôn An Khang - cho biết: “Việc anh Xuân đánh mẹ là chuyện thường xuyên đã được chúng tôi báo lên xã nhiều lần. Chính quyền xã Yên Thạch cũng đã giam giữ nhiều lần đối với đối tượng này nhưng chứng nào vẫn tật nấy.”.
Nỗi đau của người mẹ già
Ngồi lặng trên một góc giường tối trong khi đứa con trai đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để xử lý, đôi mắt người mẹ ánh lên niềm trắc uẩn. Thân xác mang một nỗi đau và tâm mẹ lại là một nỗi đau khác.
Sau trận đòn thập tử nhất sinh của con, bà Tung bị thương khắp người, toàn thân không còn chỗ nào không thâm bầm tím tái. Hai tay bà đều gãy, chân phải dập ống, chân trái và đầu rách tứa máu. Nói bằng chút hơi rất khẽ, bà rên rỉ: “Toàn thân đau ê ẩm cô chú ạ, muốn nằm cũng không được.”. Hiện tại, bà phải nhờ cậy đến anh em họ hàng lo chuyện thuốc thang, cơm nước hàng ngày.
Thấm thía hơn là nỗi đau con bất hiếu. 74 tuổi, gần đất xa trời, đáng ra bà Tung phải được con cháu chăm lo phụng dưỡng. Thế nhưng, người mẹ già với đồng lương còm cõi, không ruộng vườn đồng áng vẫn phải lo từng bữa ăn cho thằng con 46 tuổi đầu.
Oái oăm thay, đáp lại công ơn sinh thành, nuôi nấng ấy lại là những trận đòn roi, chửi rủa. “Trên đời, mẹ đánh con thì là lẽ dạy con. Thế nhưng, con đánh mẹ thì không chấp nhận được. Không ai can thiệp chắc có ngày nó đánh chết bà ấy” Chị Bình hàng xóm bức xúc chia sẻ.
Cũng đã nhiều lần bà Tung có ý định nộp đơn lên cơ quan chức năng nhờ giải quyết rồi nghĩ thương con lại thôi. Nhưng liệu tình thương đấy có được nguyên vẹn mãi khi đứa con không điên, không say vẫn muốn “ra đòn quyết định” với người đã mang nặng đẻ đau mình?
Theo Nguyễn Mai
Giadinh.net