Đề nghị không cho cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến hưởng án treo
(Dân trí) - Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Trung ương không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).
Sáng nay (11/12), TAND Quân sự Trung ương tiếp tục mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm để xét xử lại vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (BQP), Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P cùng đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân (QCHQ)), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) cùng đồng phạm về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc QCHQ) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đã bị Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân xét xử sơ thẩm hồi tháng 5/2020.
Các bị cáo phạm tội liên quan đến sai phạm tại 3 khu "đất vàng" (khu đất số 2, số 7-9, số 9-11) của Bộ Quốc phòng tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM).
Mở đầu phiên xử sáng nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh và Yên Khánh Hải Thành, cháu bị cáo Hệ) lên bục khai báo để làm rõ nhiều tài sản của bị cáo Hệ do bị cáo Hoan hoặc Công ty Yên Khánh đứng tên.
Kết thúc phần xét hỏi, ông Vũ Công Hoành, Kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát (VKS) Quân sự Trung ương thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay phát biểu quan điểm của VKS Quân sự Trung ương về giải quyết vụ án.
Vị đại diện VKS Quân sự Trung ương cho biết, đơn kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi liên quan đến vụ án là hợp lệ cần được xem xét giải quyết.
Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Hiến, ngoài những tình tiết giảm nhẹ như án sơ thẩm đã ghi nhận, trong giai đoạn phúc thẩm Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Hiến) đã cung cấp những tài liệu mới như giấy xác nhận gia đình bị cáo được Chủ tịch nước tặng "Bảng gia đình vẻ vang"; anh trai của bị cáo là liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước; gia đình bị cáo được tặng "Bằng Tổ quốc ghi công"; bị cáo có thời gian tham gia chiến trường ở Quảng Trị từ năm 1972 đến năm 1973; nhiều cán bộ chiến sĩ và người dân có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
"Những tài liệu mà luật sư đã cung cấp là tài liệu mới trong giai đoạn xét xử sơ thẩm chưa có để xem xét. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với bị cáo", đại diện VKS nói.
Đơn của cán bộ, chiến sĩ, người dân tuy không phải tình tiết giảm nhẹ nhưng cần được xem xét khi lượng hình. Mặt khác, so với các bị cáo khác, bị cáo Nguyễn Văn Hiến có nhiều thành tích đóng góp lớn hơn cho quân đội, cho Tổ quốc. Bị cáo Hiến được Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Bộ, ngành ghi nhận tặng thưởng nhiều huân, huy chương; trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình các giải pháp khoa học và công nghệ trong quy hoạch, thiết kế xây dựng cụm chiến đấu trên Quần đảo Trường Sa giai đoạn 1976-2011, đặc biệt xuất sắc về khoa học và công nghệ góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
"Do đó, tôi đề nghị HĐXX áp dụng thêm các tình tiết nêu trên để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo", vị đại diện VKS nói.
Kiểm sát viên Vũ Công Hoành cho biết, từ những căn cứ nêu trên, đề nghị HĐXX áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự sửa bản án sơ thẩm số 01/2020 ngày 21/5/2020 của Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân để giảm hình phạt cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo; Áp dụng điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn Hiến.
Sau khi vị đại diện VKS trình bày xong quan điểm giải quyết vụ án, phiên tòa bước vào phần tranh tụng.