Day dứt phiên tòa mẹ giết con
Là luật sư bảo vệ quyền lợi cho bé gái 3 tuổi chết thảm dưới bàn tay của chính mẹ mình- bị cáo Vũ Thị Gái, nhưng tôi đã phải rơi nước mắt vì thương cảm cho chính hoàn cảnh đau khổ của bị cáo này .
Tội ác đã phải nhận sự trừng phạt, nhưng tôi vẫn thấy ám ảnh, xót thương cho một phận đàn bà từ nhỏ tới lớn chỉ toàn gặp bất hạnh, đắng cay …
Người mẹ trẻ đứng trước vành móng ngựa hôm ấy là bị cáo Vũ Thị Gái (SN1982, trú tại thôn Sơn Đồng, xã Tiên Vương, Chương Mỹ, Hà Nội). Thiếu phụ với gương mặt lam lũ, dáng người gầy yếu lòng khòng bị đưa ra xét xử về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng: Giết trẻ em mà nạn nhân chính là con ruột, tội danh có khung khung hình phạt lên tới tử hình.
Gái sinh ra trong một gia đình nghèo, người cha vì chán cảnh sống nghèo nàn nên theo người đàn bà khác để mẹ con Gái phải rau cháo nuôi nhau. 22 tuổi, Gái được một thanh niên cùng làng cưới hỏi làm vợ - đó là anh Nguyễn Văn Tặc, hơn bị cáo 2 tuổi.
Nhà chồng Gái cũng nghèo, mưu sinh chính bằng nghề làm ruộng nên vợ chồng Gái quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời cũng chỉ đủ ăn. Cưới năm trước, năm sau Gái sinh con gái đầu lòng là bé Nguyễn Thị Tươi. Bé Tươi sinh ra đã mắc bệnh hiểm nghèo nên người cứ xanh rớt, đau ốm quặt quẹo. Vợ chồng Gái đã phải bán đất để lấy tiền thuốc thang chạy chữa cho con. Cũng vì chuyện cơm áo gạo tiền mà tình cảm vợ chồng Gái trở lên lục đục, cãi vã liên miên. Để thoát nghèo, gia đình quyết định vay mượn để làm thủ tục cho anh Tặc đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc.
Cùng thời gian này, Gái phát hiện đã mang bầu đứa con thứ hai, cô hy vọng sinh cho chồng đứa con trai để có người nối dõi tông đường, có đủ nếp tẻ. Nhưng niềm hy vọng vừa nhen nhóm thì đã biến thành nỗi đau khi một chiều đi làm đồng về, Gái bị sẩy thai.
Sức khỏe vốn đã yếu, lại thêm nỗi đau khổ, hụt hẫng làm mất đứa con khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm, suy sụp nặng nề. Ốm đau không có tiền thuốc thang bồi dưỡng đã đành, ngay cả sự quan tâm, sẻ chia của chồng là người gần gũi thân yêu nhất Gái cũng không có được.
Đã vậy, Gái vẫn phải tham gia gánh vác công việc của nhà nông bận rộn vất vả, vì không làm thì chẳng có ai đỡ đần cho. Chỉ đến khi sức khỏe suy kiệt quá, không gượng nổi Gái mới về nhà mẹ đẻ vay tiền thuốc thang chữa trị.
Thương con, dù gia cảnh cũng chẳng dư dả gì nhưng mẹ Gái vẫn dúi cho con khi thì đồng quà tấm bánh, khi thì chục trứng gà để bồi dưỡng. Chuyện này cô vợ tội nghiệp đã phải giấu diếm gia đình chồng, thế nhưng không hiểu sao anh Tặc vẫn biết, đã chì chiết cho rằng vợ lười làm nên viện cớ ốm để nghỉ ở nhà.
Gây án trong quẫn bách
Buổi trưa hôm ấy, Gái đi cấy về đến nhà thì thấy chồng đã nấu cơm, có mẹ chồng sang ăn cùng. Sau bữa ăn, Gái không rửa dọn ngay mà lấy cớ đi cấy cả buổi ngoài đồng mệt mỏi, Gái bế bé Tươi vào giường nằm. Nhưng vừa ngả lưng xuống thì cô đã bị dựng dậy bởi tiếng người chồng sai Gái xuống bếp cho lợn ăn. Gái chưa kịp trả lời thì đã thấy anh Tặc tuôn ra một tràng dài những lời mắng chửi thậm tệ. Biết không thể nằm thêm được nữa, Gái trở dậy cho lợn ăn, rửa hết mâm bát rồi lại vào giường nằm với con.
Thời gian này anh Tặc đang đi học tiếng Hàn Quốc để chuẩn bị cho việc xuất khẩu lao động. Khi người chồng dắt xe ra khỏi nhà, hỏi vợ áo mưa đâu thì Gái nói áo mưa vừa đi làm đồng về lấm bẩn, phải lau đi mới dùng được. Cho rằng vợ mắc “tội” vì dám tự ý lấy áo mưa của chồng đi làm, gây lấm bẩn nên anh Tặc xô vào đánh, tát Gái rồi dắt xe đi.
Chồng đi rồi, còn lại mình Gái nằm ôm con trong căn nhà ọp ẹp. Nghĩ về tình cảnh của mình- bản thân đau yếu, gia cảnh bần hàn, chồng thì lạnh nhạt, vô tâm, Gái chỉ muốn chết để giải thoát. Nhưng rồi Gái lại nghĩ, nếu mình chết đi, chồng sẽ lấy vợ khác, bé Tươi sẽ phải sống cảnh dì ghẻ con chồng khổ sở trăm bề.
Trong đầu Gái lóe lên ý nghĩ rồ dại sẽ giết con rồi tự sát để hai mẹ con được bên nhau ở thế giới bên kia. Gái đã định hai mẹ con cùng chết ngay lúc đó, nhưng rồi lại nghĩ thương bé Tươi từ lúc sinh ra đến giờ nhà nghèo nên chẳng mấy khi được ăn ngon, bố mẹ cãi chửi nhau liên miên nên con chẳng mấy khi được sung sướng cưng chiều…
Vét trong túi còn được một ít tiền lẻ, Gái vùng dậy đạp xe đi mua 2 que kem, gói mỳ tôm và hai chiếc bánh mỳ Kinh Đô là những món quà mà bé Tươi thích nhất, rồi gọi con dậy ăn. Bé gái 3 tuổi đang ngủ thì bị mẹ dựng dậy, đầu óc non nớt ngây thơ của con trẻ không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng thấy mẹ khóc, bé Tươi cũng khóc theo.
Đợi cho con ăn xong, Gái ôm con ra nhà ngoài, đến đầu giường thì nhìn thấy con dao trên nền đất, Gái quơ lấy sát hại con trước rồi mới kết liễu đời mình. Những nhát dao oan nghiệt đã cướp đi tính mạng của bé gái vô tội, còn bản thân Gái đã được cứu sống dù phải gánh chịu thương tật nặng nề.
Luật sư của bị hại mong giảm án cho bị cáo
Tôi được Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP Hà Nội cử tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho anh Nguyễn Văn Tặc- người đại diện cho bị hại xấu số Nguyễn Thị Tươi. Thay vì căm phẫn tội ác dã man của bị cáo, quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án đã khiến tôi hiểu căn nguyên khiến Gái phạm tội nên cảm thương với bị cáo nhiều hơn.
Tôi đã phân tích cho anh Tặc hiểu trong vụ án này anh và gia đình cũng có một phần trách nhiệm khi đã thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến vợ mình, để nên nỗi quẫn bách gây ra tội ác. Trước khi mở phiên tòa, chính tôi đã vận động thuyết phục anh Nguyễn Văn Tặc xin giảm án cho bị cáo và thân chủ của tôi đã đồng ý.
Thế nhưng tại phiên tòa hôm ấy, anh Tặc lại lớn tiếng lên án hành vi tội ác của vợ mình, đề nghị Tòa xử lý nghiêm theo pháp luật và không yêu cầu bị cáo phải bồi thường. Thái độ đó của người chồng khiến không khí phiên tòa thật nặng nề. Vị chủ tọa phiên tòa gợi ý nhận thức của Tặc về phần trách nhiệm của mình, người chồng thẳng thừng khẳng định “không có lỗi”.
Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh Tặc, tôi đã vội đỡ lời, giải thích trước HĐXX rằng trao đổi với Luật sư trước phiên tòa này, anh Tặc đã đồng ý xin giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Tuy nhiên, tôi chưa kịp trình bày hết câu thì thân chủ của tôi đã gạt đi ngay: “Đúng là trước tôi có nói với luật sư như thế. Nhưng hôm nay ra đến toà, nhìn mặt nó, nghĩ đến việc giết con tôi rất uất, không thể cầm lòng được. Tôi đề nghị xử nghiêm bị cáo theo pháp luật”.
Lời nói lạnh lùng vô cảm của anh Tặc khiến những ai chứng kiến phiên tòa đều buồn lòng, lạnh suốt sống lưng. Nhưng không thể trách được người chồng, cái chết oan nghiệt của đứa con gái ngây thơ vô tội đã khoét một vực thẳm căm hận khiến họ không dễ dàng tha thứ cho lỗi lầm, tội ác. Phiên tòa hôm đó, bị cáo Vũ Thị Gái nhận mức án phạt 15 năm tù với nét mặt vô hồn. Có lẽ, 15 năm tù hay nhiều hơn nữa có lẽ cũng chẳng thể nào vợi bớt được nỗi day dứt ân hận trong lòng người mẹ tội lỗi.
Thật hiếm có phiên tòa nào mà luật sư bảo vệ bị hại lại cảm thương với bị cáo như phiên tòa này. Trước khi Vũ Thị Gái bị áp giải về trại, tôi cùng với luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã dặn dò Gái dẫu sao thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, hãy giữ gìn sức khỏe, cố gắng cải tạo tốt để được khoan hồng. Rất có thể sau này, nhờ biết ăn năn hối cải, Gái sẽ sớm được mãn hạn tù, và cuộc đời nhân hậu sẽ lại mở rộng vòng tay ban cho người đàn bà ấy một mái ấm hạnh phúc với những đứa con.
Nhưng dù vậy, thì cả đời này Gái cũng không thể nguôi được nỗi ám ảnh và day dứt về tội ác mà mình đã gây ra cho chính đứa con bé bỏng của mình trong nỗi quẫn bách và tuyệt vọng, để khi ân hận thì đã quá muộn…
Theo Luật sư Vũ Thị Viên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Pháp luật Việt Nam