Dấu hiệu hình sự vụ nước sạch nhiễm dầu thải
(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư, cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án để điều tra hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tùy vào hành vi vi phạm của cá nhân hay pháp nhân thương mại, cơ quan điều tra sẽ có hình thức xử lý cụ thể.
Liên quan đến vụ việc đổ trộm dầu thải vào đầu nguồn nước của nhà máy nước sạch Sông Đà, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - nhận định, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân nên cơ quan chức phải nhanh chóng vào cuộc truy tìm thủ phạm để xử lý.
Theo luật sư Tuấn, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án để điều tra.
Luật sư Tuấn cho rằng, hành vi xả trộm dầu thải là chất độc hại ra môi trường nước sạch đầu nguồn Sông Đà là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý về tội “Gây ô nhiễm môi trường “ theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015.
Về hình thức xử lý, nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tùy vào số lượng chất thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường, cá nhân sẽ bị xử phạt tiền từ 1-3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (khoản 3, Điều 235 BLHS 2015).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (khoản 4, Điều 235 BLHS 2015).
Nếu hành vi vi phạm là của pháp nhân thương mại, tùy vào số lượng chất thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường, pháp nhân thương mại có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 12-20 tỷ đồng.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1-5 tỷ đồng hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm (điểm c, đ khoản 5, Điều 235 BLHS 2015).
“Tội gây ô nhiễm môi trường là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bao gồm tổng hợp tất cả các hành vi xâm phạm đến bầu khí quyển, nguồn đất, nguồn nước.
Hậu quả của nó không còn là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm, ví dụ nếu hành vi gây ô nhiễm không khí chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.” - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh phân tích.
Ngoài trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đổ chất thải nguy hại, luật sư Tuấn còn cho rằng, Công ty nước sạch Sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy đinh của Bộ luật Dân sự vì để xảy ra cảnh người dân phải sử dụng nước bị nhiễm chất độc hại, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe; sử dụng nước trong nhiều ngày mà không có bất cứ cảnh báo, khuyến cáo nào về mức độ ô nhiễm.
“Ngoài trách nhiệm bồi thường về dân sự, cơ quan chức năng cần thiết xem xét trách nhiệm hình sự của Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vị giám đốc này đã biết nguồn nước bị ô nhiễm vào ngày 8/10 nhưng không báo cáo cơ quan chức năng kịp thời, không khuyến cáo cho khách hàng mà vẫn tiếp tục cung cấp cho khách hàng sử dụng nguồn nước bị nhiễm chất thải độc hại, có hành vi gian dối, trốn tránh trách nhiệm, đổ tại cho nguồn nước có mùi lạ là do lượng clo cao. Hành vi này có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” - luật sư Tuấn nhận định.
Tiến Nguyên