Dấu ấn Cảnh sát cơ động ở những cuộc chiến hiểm nguy
Sau hơn 48 giờ bao vây, đấu súng dữ dội tại bản Tà Dê, Lũng Xá (Vân Hồ, Sơn La), sáng 29-6-2018, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã phối hợp Công an tỉnh Sơn La và các đơn vị nghiệp vụ tiêu diệt 2 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận.
Góp phần vào thành công ấy là sự tham gia với tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu cao, hành động dũng cảm, linh hoạt và sáng tạo của lực lượng CSCĐ, chủ công là Cảnh sát đặc nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối về mọi mặt…
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Ban Chuyên án, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã xây dựng Kế hoạch, Tờ trình báo cáo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an quyết định điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1; hàng trăm CBCS thuộc Cục Tham mưu tác chiến; Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc và Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chuyên án.
Đúng 8h ngày 26-5, các kíp chiến đấu được lệnh hành quân đi Sơn La. Từ ngày 26-5 đến 23-6, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã chỉ đạo các kíp chiến đấu cử cán bộ phối hợp cùng Công an tỉnh Sơn La khảo sát địa hình và đối tượng tác chiến, xác định đây là nội dung quan trọng, là cơ sở để xây dựng phương án đánh bắt.
Mặt khác đã chỉ đạo CBCS xây dựng mô hình sát với thực tế địa bàn, mục tiêu tác chiến; tổ chức luyện tập bắn đạn thật và thực binh thành thục các kỹ chiến thuật tác chiến trên địa bàn rừng núi, phương án đánh bắt đối tượng cả ban ngày và ban đêm, cả đột nhập bất ngờ hoặc bằng tấn công vũ trang…
“Đây là nhiệm vụ đột xuất, đấu tranh với các đối tượng cầm đầu đường dây ma túy xảo quyệt, ngoan cố, sử dụng vũ khí quân dụng để chống trả. Tuy nhiên chúng tôi đã có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai khẩn trương, nghiêm túc nhiệm vụ được phân công. Quá trình ra quân làm nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp và người dân địa phương hoan nghênh, ủng hộ, để lại ấn tượng đẹp với các lực lượng tham gia phối hợp cũng như quần chúng nhân dân” – Tư lệnh CSCĐ Phạm Quốc Cương chia sẻ.
Ngày 23-6-2018, khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, nhận thấy thời cơ đã đến, Ban Chuyên án quyết định triển khai phương án tác chiến. Xác định đây là chuyên án “sinh tử” mà các đối tượng dùng cả “kho” vũ khí quân dụng để chống trả nên Ban Chuyên án đã sử dụng xe bọc thép nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng khi tác chiến, đồng thời tăng cường hỏa lực nhằm thị uy các đối tượng.
Nhận lệnh của Ban Chuyên án, kíp chiến đấu di chuyển từ vị trí ém quân đến vị trí tập kết tại huyện Mộc Châu. Từ ngày 27-6, kíp chiến đấu phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, kêu gọi các đối tượng ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và tránh phải áp dụng các biện pháp vũ trang. Song các đối tượng vẫn ngoan cố chống đối, không chấp hành, Ban chuyên án đã ra lệnh kíp chiến đấu tổ chức tấn công đánh bắt các đối tượng.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ và hoả lực mạnh, kỹ chiến thuật điêu luyện, lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm của Bộ Tư lệnh CSCĐ cùng Công an Sơn La đã tiêu diệt 4 đối tượng; bắt sống 3 đối tượng, thu 17 quả lựu đạn; 49 khẩu súng các loại; hơn 7.000 viên đạn; 11 can xăng; 11 bình gas…; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho CBCS cùng nhân dân.
Ghi nhận thành tích đặc biệt này, ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư khen, biểu dương Công an tỉnh Sơn La, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm đặc biệt nguy hiểm, lập chiến công xuất sắc.
Tại Hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm chuyên án, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, chiến công này tác động rất lớn đến cuộc chiến chống ma túy trên địa bàn toàn quốc. “Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm hai chuyên án để nhân rộng trong toàn quốc; chuyển đổi cách đánh với tội phạm ma túy, giải quyết triệt để các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, không để lây lan” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Là đơn vị nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc, trong năm qua Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Đề án 106 của Bộ Công an về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Hiện Bộ Tư lệnh đã kiện toàn còn 36 đầu mối, gồm các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các Trung đoàn CSCĐ, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Trung đoàn Không quân, các Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm và Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt, Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ, các Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Đoàn Nghi lễ CAND, 3 Cơ quan thường trực.
Trong năm 2018, toàn Bộ Tư lệnh đã huy động hơn 2,7 triệu lượt CBCS ứng trực và trực tiếp ra quân bảo vệ an toàn các sự kiện, hội nghị, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; hơn 118.000 ca tuần tra kiểm soát, canh gác bảo vệ mục tiêu; bảo vệ tuyệt đối an toàn 644 mục tiêu; 419 hội nghị, sự kiện; bảo vệ, vận chuyển hơn 8.300 chuyến hàng với hơn 3.800 lượt CBCS tham gia…
Trong chuỗi chiến công của Bộ Tư lệnh CSCĐ còn có những dấu ấn trong tham gia xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp về ANTT, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an các địa phương tăng cường hàng nghìn lượt CBCS đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án lớn.
Sau những cuộc chiến, đối mặt với hiểm nguy thì các anh lại trở về với cuộc sống thường ngày. Để rồi, hễ khi có lệnh là CSCĐ lại sẵn sàng lên đường chiến đấu, ghi dấu vào các chuyên án, in sâu trong lòng nhân dân…
Theo Quỳnh Vinh
Công an nhân dân