1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

“Đánh án” trong phòng biệt giam

(Dân trí) - Gần 15 năm trôi qua nhưng câu chuyện về người tử tù xin được gặp cán bộ quản giáo để có đủ dũng khí khai ra kẻ cầm đầu ngay trước khi thi hành án vẫn in đậm trong trí óc thiếu tá Đặng Trọng Khánh (Trại tạm giam CA tỉnh Nghệ An).

“Đánh án” trong phòng biệt giam
Đã gần 15 năm trôi qua, thiếu tá Đặng Trọng Khánh (nguyên cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An) vẫn nhớ như in về câu chuyện của tử tù Nguyễn Thế Huệ.

Những năm cuối cùng của thế kỷ trước, dãy buồng biệt giam do Thiếu tá Đặng Trọng Khánh (khi đó ông mới chỉ mang hàm đại úy) quản lý tiếp nhận một tử tù mới. Y là Nguyễn Thế Huệ (quê Đô Lương, Nghệ An), lĩnh án tử hình vì tội vận chuyển 2 bánh heroin từ Lào về Việt Nam. Nhìn người đàn ông nhỏ thó, khắc khổ và đậm chất nông dân, từ cán bộ điều tra đến cán bộ quản giáo đều nhận định Huệ không phải là chủ mưu trong vụ vận chuyển khối lượng ma túy lớn thế này. Chắc chắn có kẻ đứng đằng sau. Huệ chỉ là con tốt thí.

Những ngày đầu ở phòng biệt giam, như những tử tù khác, Huệ cũng hoảng loạn và khủng hoảng tâm lý. Mặc dù các cán bộ quản giáo đã hết sức động viên nhưng Huệ vẫn im lặng, nhất định không khai ra kẻ đứng đằng sau mình. Sau một lần được người bà con đến thăm nuôi, tâm lý của Huệ khác hẳn. Từ chỗ sợ hãi, hoảng loạn, Huệ đã dần bình tâm, sẵn sàng đón nhận cái chết.

Lúc này, Huệ đã dần mở lòng hơn. Huệ tâm sự nhiều hơn về vợ con, về gia đình với người cán bộ quản giáo. Vợ chồng Huệ sinh được 3 đứa con. Vợ chồng quần quật cả ngày ngoài đồng vẫn không đủ để nuôi các con. Được người bà con giới thiệu, Huệ quyết định sang Lào làm thuê.

Công việc phụ hồ vất vả nhưng đổi lại, con Huệ có bát cơm đầy hơn, manh áo cũng ấm hơn và đặc biệt, mỗi khi vào năm học mới, hai vợ chồng chẳng còn phải nơm nớp sợ phải cho con nghỉ học vì không có tiền nộp. Chuyện gia đình Huệ tậm sự rất nhiều nhưng vì sao lại phạm tội và ai đã thuê Huệ vận chuyển 2 bánh heroin về Việt Nam thì tuyệt nhiên Huệ không hé răng nửa lời.

“Một hôm, hết giờ thăm gặp, Huệ trở về phòng biệt giam với đôi mắt đỏ hoe. Ngồi một mình trong phòng, gã khóc hu hu như một đứa trẻ. Chắc phải có gì đó ghê gớm đã xảy ra với Huệ. Nghĩ vậy nên tôi vào tìm cách gợi chuyện và trấn an tâm lý để tránh Huệ suy nghĩ tiêu cực dẫn tới hành động cực đoan”, thiếu tá Khánh nhớ lại.

Sau một thời gian ở xà lim, không có vợ con và người thân bên cạnh, đối với Huệ mà nói quản giáo Khánh chẳng khác gì người nhà. Mọi vui buồn trong cuộc sống, Huệ đều có thể tâm sự hết với ông như hai cha con. Huệ kể, lúc nãy vợ vào thăm. Vay được 200 nghìn đồng để xuống tiếp tế cho chồng. Mua được chục gói mỳ tôm, ít con cá xách theo, đến bến xe Vinh thì bị kẻ gian móc mất hơn trăm nghìn còn lại. Thương chồng, Phượng - vợ Huệ đi bộ hơn 4km đến trại giam.

“Đánh án” trong phòng biệt giam
Đối với nhiều tử tù, khi phải sống cách biệt với vợ con, với thế giới bên ngoài thì người thân của họ lại chính là những cán bộ quản giáo (Ảnh minh họa)

Gặp chồng, nỗi uất ức của vụ trộm khiến Phượng khóc nức nở không ngừng. Qua làn nước mắt, Phương kể lể một thôi một hồi. Không biết từ đâu có thông tin, Phượng đã bán chồng lấy 70 triệu đồng. Tiền “bán chồng” Phương không có lấy một xu nhưng cả họ hàng nhà Huệ đang tổng xỉ vả “con vợ độc ác, đẩy chồng vào chỗ chết” là Phượng. Đến lúc nãy Huệ mới hiểu. Chỉ một mình Huệ và “người ấy” hiểu thôi, Phượng nào có biết chuyện gì để phải chịu tiếng oan “bán chồng” thế này.

“Hắn bảo con (phạm nhân thường xưng con với quản giáo - PV) cứ nhận hết tội về mình, đằng nào cũng chết, chỉ một người chết thôi. Nếu con nhận hết tội, hắn sẽ cho vợ con 70 triệu đồng để lo cho các con ăn học tử tế. Con nhận hết tội về mình rồi, cái chết cũng chuẩn bị nhận rồi mà hắn nỡ lật lọng, tiền không đưa một xu mà còn gieo tiếng ác cho vợ con”, Huệ nức nở.

Nhận thấy đây là thời cơ tốt để Huệ khai nhận kẻ đứng đằng sau, thiếu tá Khánh vỗ vai: “Mày hi sinh tính mạng để bảo vệ một kẻ lật lọng như thế có đáng không? Mày chết là một nhẽ, còn vợ con mày phải mang tiếng xấu cả đời. Mày suy nghĩ kỹ đi”. Đôi mắt Huệ chùng xuống, ra chiều suy nghĩ mông lung lắm.

Thời khắc thi hành án của Huệ cũng đã đến. Mờ sáng, khi nhận lệnh từ cấp trên, thiếu tá Khánh mở của buồng. Như biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, tranh thủ khi quản giáo cúi xuống mở xiềng, Huệ chỉ nói nhỏ: “Lát nữa, khi hội đồng thi hành án đọc quyết định, ông vào với con nhé”. Thiếu tá Khánh gật đầu.

Khi được nói lời nói cuối cùng trước khi thi hành án, Huệ chỉ xin gặp quản giáo Đặng Trọng Khánh. “Ông đứng sau lưng con nhé, để con vững tâm hơn”. “Khi tôi đứng sau lưng, thấy rõ Huệ đang rất run. Cố gắng hít một hơi thật sâu, Huệ xin khai ra kẻ đứng đằng sau đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Ngay lập tức, công tác thi hành án được dừng lại để lấy lời khai. Toàn bộ sự việc liên quan đến thi hành án Nguyễn Thế Huệ đều được giữ bí mật", Thiếu tá Khánh nhớ lại.

Kẻ đứng sau Huệ là trung tá Lê Văn Luân - Phó phòng tình báo Công an tỉnh Nghệ An. Lời khai của Huệ không gây bất ngờ cho cán bộ điều tra bởi từ lâu Lê Văn Luân đã được đưa vào tầm ngắm. Tuy nhiên, là cán bộ tình báo, việc bắt quả tang hay thu thập chứng cứ phạm tội của Luân không hề đơn giản. Lời khai của Huệ đặc biệt có giá trị để hoàn tất hồ sơ phạm tội của Luân.

Lệnh bắt khẩn cấp Lê Văn Luân được ký. Nhưng bắt Luân không phải là điều dễ dàng. Lê Văn Luân được mời đến tham dự cuộc họp Ban giám đốc mở rộng. Bởi vậy, Luân không hề nghi ngờ. Bước chân vào phòng họp, lệnh bắt khẩn cấp được đọc ngay. Trước khi tra tay vào còng, Lê Văn Luân còn cười: “Các đồng chí bắt tôi thì dễ nhưng thả tôi thì khó đấy”. Tuy nhiên, khi nhìn thấy Nguyễn Thế Huệ - kẻ đáng ra đã bị tử hình mấy hôm trước thì Luân biết hành vi phạm tội của mình đã bị bóc mẽ.

Với việc có công lớn, khai ra tình tiết mới để khám phá thành công vụ án ma túy xuyên quốc gia, việc thi hành án đối với Nguyễn Thế Huệ được hoãn chờ kết luận ân giảm của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định về việc ân xá thì Huệ mất vì bị phù tim.

Riêng Lê Văn Luân, sau khi hoàn tất điều tra và truy tố, ngày 22/12/2000, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Luân án tử hình.

Hoàng Lam