1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đắk Lắk đi đầu về xử phạt cản trở báo chí

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đăk Lăk đã ra văn bản hướng dẫn quy trình xử phạt hành chính các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí trên địa bàn tỉnh nhằm “thực hiện xử phạt hành chính các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí trên địa bàn tỉnh được thống nhất”.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan cấp sở có động thái rõ ràng nhất trong việc xử lý các hành vi gây cản trở tác nghiệp báo chí. Đáng chú ý, văn bản được phát hành ngày 11/12/2012 này ra đời khi Nghị định số 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản (được ban hành ngày 6.1.2011) đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.

Cho dù như vậy, không có nghĩa là các hướng dẫn quy trình, cách thức xử phạt các hành vi gây khó khăn cho tác nghiệp của các nhà báo trên không có hiệu lực.

Đắk Lắk đi đầu về xử phạt cản trở báo chí
Một phóng viên bị xô đẩy ra ngoài khi tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy tòa chung cư trong ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Tiến Nguyên).
 
Theo ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản- Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, thì việc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk xây dựng, phổ biến hướng dẫn như trên là tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực báo chí tại địa phương.

Tháng 12/2011, hai phóng viên Lê Kiến của báo Tiền Phong và Anh Dũng của Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Lắk bị xúc phạm khi tác nghiệp tại một trường Mầm non tư thục. Đối tượng xúc phạm phóng viên sau đó đã bị các cơ quan chức năng Ban Mê Thuột áp dụng Nghị định 02/2011 của Chính phủ xử phạt 5 triệu đồng. Đây được coi là vụ xử lý hành chính đầu tiên nhằm răn đe những hành vi cản trở tác nghiệp báo chí.

Theo cơ quan chức năng, việc ban hành các quy trình hướng dẫn như vậy là rất cần thiết để bảo vệ hoạt động báo chí khi đưa tin, viết bài, phản ánh chân thực các vấn đề trong đời sống, xã hội, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của các nhà báo cũng như quyền tiếp nhận thông tin của người dân.

Hơn nữa, thông tin báo chí được thông suốt, không bị cản trở cũng phục vụ tích cực cho việc nắm bắt thông tin từ cơ sở, hỗ trợ việc chỉ đạo, điều hành, quản lý của nhà nước.

Nhật Minh