1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

“Đại gia” Hứa Thị Phấn lại vắng mặt tại tòa

(Dân trí) - Ngày 15/11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại hơn 1.338 tỉ đồng.

Theo đó, các bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ); Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc công ty TNHH Địa ốc Lam Giang); Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

“Đại gia” Hứa Thị Phấn lại vắng mặt tại tòa - 1
Các bị cáo tại tòa.

Trong vụ án này chỉ có bị cáo Lâm Kim Dũng (sinh năm 1995, ngụ quận 7) đang thi hành án tại trại giam Long Hòa, tỉnh Long An trong giai đoạn 1 của vụ án Hứa Thị Phấn; còn các bị cáo còn lại đang được tại ngoại.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) làm chủ tọa. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố gồm ông Nguyễn Văn Đông, ông Ngô Phạm Việt, bà Trần Thị Liên.

Theo ghi nhận, bị cáo Hứa Thị Phấn tiếp tục vắng mặt tại tòa. Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Hứa Thị Phấn cũng không có mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

 Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Phấn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7, TPHCM) với nhiều bệnh và sức khỏe bị tổn hại 93%. Do sức khỏe yếu nên cơ quan điều tra vẫn chưa thể lấy lời khai của bị cáo Phấn.

 Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn có luật sư Phạm Ngọc Trung và Lại Huy Tùng (Đoàn luật sư TPHCM). Về sự vắng mặt của bị cáo Phấn, HĐXX, cho rằng tòa đã tống đạt quyết định xét xử cho bị cáo Phấn hợp lệ.

Nguyên đơn dân sự là ngân hàng thương mại TNHH một thành viên xây dựng Việt Nam đã cử 8 người tới tham dự phiên tòa.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Công Danh có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe nên ông Danh xin HĐXX không vào phòng xử, trong quá trình xét xử lúc nào cần thiết thì HĐXX mời ông Danh vào phòng xét xử. Bảo vệ quyền lợi cho ông Danh tại phiên tòa có luật sư  Phan Trung Hoài, Phan Minh Trung (Đoàn luật sư TPHCM).

Ngoài ra, các bị án như Phan Thành Mai, bị án Hoàng Văn Toàn, bị án Nguyễn Vĩnh Mậu, Hồ Trọng Thắng có mặt tại phiên tòa. Bị án Ngô Trí Đức xin vắng mặt vì lý do sức khỏe, một số bị án khác xin vắng mặt vì đang thi hành án trong giai đoạn 1 của vụ án, đồng thời, xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt Trustbank, năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) và cố vấn cao cấp HĐQT, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Trustbank, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng.

Cụ thể, bị can Phấn có hành vi chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản do 3 công ty của Hứa Thị Phấn làm chủ đầu tư, để Phấn chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định các hành vi nêu trên của bị can Hứa Thị Phấn cấu thành tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng.

Cáo trạng còn nêu rõ những thiệt hại nêu trên cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng Trustbank năm 2011 và 2012 rất xấu và bị Ngân hàng Nhà nước xếp ngân hàng loại D (loại yếu kém). Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB sau này, khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến TrustBank từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn, thực hiện tái cơ cấu, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại giá 0 đồng ngày 30/1/2015 để gánh toàn bộ hậu quả nêu trên.

Dự kiến phiên tòa kéo dài tới ngày 25/11.

Xuân Duy