"Đại bàng" phòng giam đánh chết bạn tù
(Dân trí) - Chỉ vì trong lúc tắm, Hóa sơ ý để dính xà bông vào bồn nước nên đã bị đại ca phòng giam ra lệnh cho các đàn em thay nhau đánh đập tới chết.
Ngày 19/1, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người tại phòng giam huyện Bình Chánh cho Lại Văn Hoài cầm đầu cùng đồng bọn.
Thủ đoạn của đại ca phòng giam
Theo cáo trạng, Trần Văn Hóa ( sinh năm 1982 tại Long An) bị bắt giam về tội “trộm cắp tài sản” và tạm giam tại phòng giam A4 huyện Bình Chánh, TPHCM. Phòng giam này có 16 người do Lại Văn Hoài (sinh năm 1983 tại Vĩnh Long) làm trưởng đại diện.
Trong sinh hoạt hàng ngày, Hoài đặt ra các quy định riêng của phòng buộc các can phạm khác phải tuân thủ theo và chia làm ba mân.
Mân thứ nhất gồm Lại Văn Hoài, Lâm Hoàng Thông, Võ Ngọc Thiện, Huỳnh Văn Thọ và Nguyễn Hoàng Minh. Bị can Hoài giao cho Thông chịu trách nhiệm trật tự phòng giam.
Mân thứ hai bao gồm Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Minh Xuân, Trần Viết Long, Trần Hoàng Vũ, Huỳnh Tấn Dậu.
Mân thứ 3 gồm Nguyễn Hoàng Minh (1986), Mai Nhật Tân, Nguyễn Ngọc Phước, Trần Văn Tuế, Trần Văn Hóa. Mân thứ 3 chịu trách nhiệm làm các công việc như rửa chén, giặt đồ, lau chùi phòng giam... Riêng bị can Hóa bị nhiễm HIV nên không được giao công việc gì.
Lại Văn Hoài đặt ra quy định những ai vi phạm hoặc tự ý sinh hoạt không xin phép thì sẽ bị Hoài đánh đập, tra tấn bằng những cách khác nhau như nhấn đầu xuống nước, hoặc cho ăn phân...
Những bị can mới vào thì Hoài cho chọn các con số như 3,6,9. Tùy bị can chọn con số thì sẽ bị đánh vào ngực tương ứng, những ai chống cự thì sẽ bị đánh nhiều hơn. Lúc Hóa vào phòng bị hại chọn số 3 nhưng biết là bị nhiễm HIV nên Hoài cho nợ nếu vi phạm gì thì sẽ đánh gấp đôi.
Chiều ngày 16/1/2013, trong lúc phòng giam A4 đi tắm, bị can Hóa do trong người mang bệnh nên phải tắm sau cùng. Trong lúc tắm, Hóa bất cẩn để tay còn dính xà bông mà đưa vào bồn nước, Hoài nhìn thấy và ra hiệu cho Thông đánh Hóa.
Hoài đưa 6 ngón tay thì Thông đánh 6 cái vào ngực Hóa, Hoài đưa hai ngón thì Thông tiếp tục đánh Hóa thêm hai cái nữa. Lúc này, cán bộ trại giam đi điểm danh các bị can nên Thông không đánh nữa. Cán bộ quản giáo vừa đi thì Hoài tiếp tục ra lệnh cho đàn em đánh đập Hóa. Hóa cầu xin Hoài đừng đánh nữa nhưng Hoài không đồng ý.
Tới bữa ăn tối, Hoài trói Hóa ngâm xuống sàn nước và không cho ăn cơm. Lúc này, Hóa có những biểu hiện mệt mỏi nhưng Hoài cho là giả vờ nên tiếp tục lôi nạn nhân ra đánh tiếp.
Sau khi bị đánh thì Hóa thở yếu ớt. Lúc này, Hoài cho đàn em thay đồ cho Hóa, xức dầu và báo cho quản giáo trại giam đưa Hóa đi cấp cứu nhưng Hóa đã chết trong tối hôm đó.
Chủ mưu chối tội
Sau khi Hóa chết, Hoài ra lệnh cho các bị cáo khai rằng Hóa bị nghiện ma túy, vã thuốc nên các bị cáo lôi xuống nước cho tỉnh, nạn nhân bị trúng gió nên phải xức dầu nhưng Hóa vẫn chết, sợ Hoài đánh đập nên các bị cáo khai báo như lời Hoài căn dặn.
Kết quả giám định pháp y cho thấy nguyên nhân cái chết của Hóa do đa chấn thương.
Tại phiên tòa xét xử hôm nay, Hoài khai nhận không phải là trưởng buồng giam như cáo trạng đã quy kết, không phải là chủ mưu, mà chỉ can ngăn khi Hóa bị đánh, và khi Hóa kiệt sức thì Hoài là người chủ động gọi quản giáo đưa Hóa đi cấp cứu.
Tuy nhiên, 7 bị cáo Lâm Hoàng Thông, Nguyễn Hoàng Minh (29 tuổi), Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Nguyễn Xuân Minh, Mai Nhật Tân, Trần Viết Long, Trần Hoàng Vũ đều khai đánh anh Hóa theo “lệnh” của trưởng buồng Hoài.
3 bị cáo còn lại gồm Nguyễn Hoàng Minh (34 tuổi), Trần Văn Tuế, Trang Hoàng Tuấn kêu oan, khai không tham gia mà chỉ đứng ngoài nhìn. Khi chủ tọa hỏi: “Không đánh thì tại sao lại nhận tội trong các bản cung có luật sư tham gia” thì cả 3 bị cáo đều khai các luật sư này chỉ vào ký biên bản hỏi cung chứ không ngồi tham gia hỏi…
Xét thấy cần phải làm rõ thêm nhiều tình tiết nên hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để cơ quan điều tra làm rõ tiếp tục làm rõ.
Trước đó, ngày 24/9/2015, TAND TPHCM cũng đã đưa vụ án ra xét xử một lần nhưng phải trả hồ sơ để điều tra làm rõ một số tình tiết vụ án. Cho đến phiên tòa hôm nay, các tình tiết mà tòa yêu cầu vẫn chưa được làm sáng tỏ, tìm ra được bản chất vụ án.
Xuân Duy