1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Đại án Vifon: Truy cứu nguồn gốc số tiền 43 tỷ đồng

(Dân trí) - Phiên tòa ngày thứ 2 xét xử vụ đại án tham nhũng tại công ty Vifon, các bị cáo đã trả lời phần thẩm vấn của luật sư. “Sếp” Nguyễn Bi và “phó tướng” Nguyễn Thanh Huyền tiếp tục “chọi nhau”. Huyền cho rằng không thể một mình chiếm đoạt tiền công ty.

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền đã tập trung làm rõ về số tiền 43 tỷ đồng mà phía công ty Vifon đã nộp về cho cơ quan điều tra.

Luật sư hỏi giám định viên rằng số vốn mà Vifon có trong giai đoạn xảy ra vụ án trên là bao nhiêu?. Vị giám định viên không trả lời câu hỏi trực tiếp mà nói rằng chỉ giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Luật sư tiếp tục: “Giám định viên có biết gì về số tiền 43 tỷ đồng?”. Giám định viên cho rằng phần này không nằm trong giám định.

Đại diện của Vifon cũng tỏ ra lúng túng, né tránh những câu hỏi dồn dập của luật sư Hoài. Khi được hỏi rằng số tiền mà nhà nước góp vào Vifon khi cổ phần hóa là bao nhiêu, đại diện đơn vị này không trả lời.

Luật sư Hoài hỏi đại diện của Vifon dựa vào căn cứ nào để đòi tiền bồi thường thiệt hại? Số tiền tố cáo ban đầu là 40 tỷ, sau đó rút xuống còn 24 tỷ đồng và số tiền 43 tỷ đồng tại sao Vifon lại nộp lại cho cơ quan điều tra?. Vị đại diện Vifon tỏ ra lúng túng và né tránh trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi. Đại diện Vifon còn cho rằng số tiền 43 tỷ đồng, bà Huyền chưa chiếm đoạt thì bị phát hiện nhưng cụ thể thế nào thì vị này cũng không rõ.

Một mình bị cáo Huyền không thể che cả bầu trời
Một mình bị cáo Huyền không thể "che cả bầu trời"

Luật sư hỏi thêm, khi là đơn vị nhà nước, Vifon có 24 tỷ đồng, nhưng khi liên doanh với 3 đơn vị khác thì thu về số tiền 127 tỷ đồng? Như vậy nhà nước có bị thiệt hại không? Đại diện Vifon cũng né tránh.

Trả lời câu hỏi của luật sư Hoài, Nguyễn Bi nói rằng khi cổ phần hóa số tiền của nhà nước là 24 tỷ đồng đã được thu hồi và nộp lại ngân sách nhà nước hơn 127 tỷ đồng.

Luật sư hỏi ông Nguyễn Văn Bên (Tổng Giám đốc Vifon giai đoạn từ 2007 - 2012), căn cứ nào trong đơn tố cáo việc bà Huyền rút 30 tỷ trong số 43 tỷ đồng? Số tiền đó còn không? Ông Bên nói rằng “Tôi đã trình bày với cơ quan điều tra là số tiền vẫn còn và đã nộp lại cho cơ quan điều tra”.

Thời gian dài là phó tổng giám đốc dưới quyền Nguyễn Bi, người phát hiện và tố cáo hành vi phạm tội của các bị cáo nhưng không nắm rõ số tiền 43 tỷ đồng nằm đâu. Sau khi tố cáo, phát hiện số tiền trên còn trong tài khoản công ty và mang nộp cho cơ quan điều tra. Nguyễn Văn Bên rất mơ hồ về nguồn gốc số tiền trên.

Về số tiền 1,2 tỷ đồng (tương đương 80.000 USD), luật sư Hoài đã hỏi các bị cáo cụ thể và kết luận, những phiếu thu, phiếu giả đó có chữ ký của những người có chức năng quản lý lúc đó, tại sao chỉ có bị cáo Huyền bị truy tố tội chiếm đoạt tài sản?.

Về khoản tiền trên bị cáo Huyền cũng cho rằng, việc quản lý tiền trong công ty rất chặt chẽ, có  lãnh đạo, Ban kiểm soát nguồn vốn nên một mình bị cáo không thể nào tự tung tự tác mà thực hiện hành vi ký thu, ký chi mà chiếm đoạt được. Bản thân bị cáo Huyền cũng thừa nhận làm sai về nghiệp vụ, công tác thu chi kế toán nhưng khẳng cũng định rằng một mình không thể làm được gì. “Số tiền đó do có sự chỉ đạo của ông Bi nên mới rút được”, bị cáo Huyền khẳng định.

Nguyễn Bi vẫn đổ thừa tội lỗi cho cấp dưới
Nguyễn Bi vẫn đổ thừa tội lỗi cho cấp dưới

Theo cáo trạng, Nguyễn Bi đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt số tiền 2,283 tỷ đồng. Số tiền này được Huyền chuyển vào chuyển vào tài khoản của Mai Long Thanh Tùng (con rể Nguyễn Bi) theo yêu cầu của ông Bi.

HĐXX hỏi rằng tại sao những lần trước đưa tiền trực tiếp cho Bi, nhưng tại sao lần này không làm như thế mà làm khác đi?.  Bị cáo Huyền trả lời, do trước đó ông Bi còn làm trong công ty nên tin tưởng và giao trực tiếp. Nhưng sau này ông Bi đã nghỉ hưu nên chuyển khoản theo yêu cầu của ông Bi.

HĐXX hỏi tại sao số tiền 2,283 tỷ bị cáo Bi lại nộp cho cơ quan điều tra. Bi cho rằng không biết tiền đó từ đâu, chắc là có sự nhầm lẫn nào đó nên Huyền chuyển nhầm vào tài khoản cho mình nên khi cơ quan điều tra yêu cầu nộp thì thực hiện, “Tôi nghĩ Huyền nhầm lẫn nên đã trả lại để hoàn quỹ”.

Trong phiên tòa, ông Bi cho rằng mình không giỏi về nghiệp vụ kế toán nên khi cấp dưới trình giấy tờ thì ký chứ không nghi ngờ gì nên đã dẫn đến hậu quả công ty bị chiếm đoạt tiền.

Tình tiết bị cáo Bi trả lại cơ quan điều tra số tiền 2,283 tỷ đồng và những uẩn khúc về việc số tiền 43 tỷ đồng mà Vifon đã nộp lại cho cơ quan điều tra HĐXX yêu cầu các bị cáo trả lời thật rõ ràng trong ngày thứ 2 tuần sau.

Công Quang – Quốc Anh