1. Dòng sự kiện:
  2. Xét xử vụ án FLC
  3. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam
  4. Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua

Cựu Tổng giám đốc Công ty Coma 18 lĩnh án 8 năm tù

Nguyễn Hải

(Dân trí) - HĐXX đánh giá, cựu Tổng giám đốc Công ty Coma 18 Lê Huy Lân phạm tội với vai trò là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành các hoạt động của công ty nên tuyên phạt 8 năm tù.

Sau gần một ngày xét xử, chiều 9/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Cổ phần Coma 18.

HĐXX đánh giá, hành vi của các bị cáo Lê Huy Lân (62 tuổi), cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Coma 18, và Nguyễn Xuân Phong (56 tuổi), cựu Phó tổng giám đốc Coma 18, là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây ra thiệt hại.

Trong đó, bị cáo Lê Huy Lân phạm tội với vai trò là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành các hoạt động của tổ chức, công ty. 

Song bị cáo Lân có tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, có nhiều thành tích trong công tác. 

Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Huy Lân 8 năm tù; Nguyễn Xuân Phong 5 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đối với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Khương (69 tuổi) - cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Về biện pháp tư pháp, HĐXX tuyên chuyển số tiền 64 tỷ đồng đang giữ tại tài khoản của Chi cục Thuế quận Hoàng Mai (Hà Nội) và tài khoản của Thanh tra TP Hà Nội sang tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để sung công quỹ. 

Cựu Tổng giám đốc Công ty Coma 18 lĩnh án 8 năm tù - 1

Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 9/8 (Ảnh: Trung Dũng).

Cáo trạng thể hiện, Coma 18 là doanh nghiệp cổ phần 51% vốn nhà nước, do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Tổng công ty Coma) là công ty mẹ nắm giữ cổ phần góp vốn chi phối của Nhà nước.

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao 184ha đất cho Công ty Phát triển nhà và đô thị (thuộc Bộ Xây dựng), nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), để thực hiện chức năng chủ đầu tư Dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm.

Sau đó, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt chi tiết Dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm tỷ lệ 1/500, trong đó, lô đất VP6 Linh Đàm có diện tích hơn 2.630m2, với chức năng là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê (Dự án VP6 Linh Đàm).

Năm 2010, HUD ký hợp đồng chuyển giao hạ tầng lô đất cho Coma 18 để thực hiện Dự án VP6 Linh Đàm, trong đó nêu rõ: "không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba nào khác trong thời gian thực hiện hợp đồng".

Có đất trong tay, Coma 18 làm các thủ tục trình UBND TP Hà Nội chấp thuận, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Dự án từ mục đích xây dựng văn phòng cho thuê, sang xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.

Song sau đó, Coma 18 không thực hiện hoàn thiện hồ sơ xin giao đất trình UBND TP Hà Nội, mà chỉ nộp hồ sơ thẩm định và phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Tháng 7/2013, với lý do thị trường bất động sản khó khăn, Coma 18 không thể hoàn thành Dự án VP6 Linh Đàm, nên để thu hồi vốn, ông Lê Văn Khương và các thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Coma đã nhanh chóng thông qua nghị quyết chấp thuận chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác kinh doanh, sau khi Coma 18 có tờ trình đề xuất chuyển nhượng.

Ngay trong ngày được chấp thuận, Hội đồng Quản trị Coma đã thống nhất đồng ý chuyển nhượng Dự án cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên với giá không dưới 12,9 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định, các đơn vị trên đã cố ý chuyển nhượng 2.637m2 đất tại Dự án VP6 Linh Đàm khi chưa đủ điều kiện, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 64 tỷ đồng.