Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế đeo vòng bệnh nhân, xin được trở lại bệnh viện
(Dân trí) - Vì sức khỏe không đảm bảo, cuối phiên xét xử ngày 21/11, ông Cao Minh Quang xin HĐXX cho phép quay trở lại bệnh viện.
17h15 ngày 21/11, thẩm phán Vũ Quang Huy quyết định tạm nghỉ phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược Cửu Long. Sáng ngày mai lúc 8h, phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Trong phiên tòa ngày 21/11, HĐXX xét hỏi các bị cáo các vấn đề xoay quanh khoản tiền hơn 3,8 triệu USD bị Công ty Dược Cửu Long "biển thủ" và vai trò của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng những thuộc cấp liên quan.
Vào buổi sáng, chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long) giải thích về lý do "giữ" lại số tiền đáng ra phải trả cho Công ty Mambo (đơn vị cung cấp nguyên liệu Oseltamivir) và mục đích sử dụng hơn 3,8 triệu USD này.
Theo cựu TGĐ Công ty Dược Cửu Long, hợp đồng giữa Dược Cửu Long với Công ty Mambo trị giá hơn 9 triệu USD cho hơn 500kg nguyên liệu Oseltamivir. Công ty dược thanh toán trước hơn 5,2 triệu USD, còn hơn 3,8 triệu USD được 2 bên thống nhất trả chậm.
Bị cáo Hóa nói rằng sau khi nhận hàng để sản xuất thuốc, tình hình dịch cúm A/H5N1 có tiến triển tích cực, nhu cầu sử dụng thuốc không còn cao. Vì vậy, Hóa chỉ đạo cấp dưới thương lượng lại với Công ty Mambo đề nghị "giảm giá" hoặc "tài trợ" nhằm giảm giá trị hợp đồng trước đó.
Từ thời điểm này đến lúc ông Hóa nghỉ việc (năm 2016), bị cáo cho biết Công ty Dược Cửu Long chưa một lần nhận được văn bản chính thức từ Công ty Mambo về việc từ chối hay chấp nhận đề nghị trên. Phía Công ty Dược Cửu Long cũng có một lần định trả nốt nợ cho Công ty Mambo nhưng việc này không diễn ra vì "sự cố liên lạc".
Đây là lí do mà ông Lương Văn Hóa khai trước tòa về việc "giữ" hơn 3,8 triệu USD tiền ngân sách Nhà nước dành cho "chiến dịch" phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Trả lời chất vấn của HĐXX về việc tại sao không báo cáo với Bộ Y tế, Bộ Tài chính về số tiền trên, cựu TGĐ Dược Cửu Long nói rằng công ty chưa nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản từ Công ty Mambo nên chưa báo cáo.
Về mục đích sử dụng hơn 3,8 triệu USD, bị cáo Hóa lại đưa những người tham gia phiên tòa về lại năm 2005. Ông ta kể thời điểm trên, kinh tế suy thoái, ảnh hưởng mạnh đến một công ty vốn hóa nhỏ như Dược Cửu Long. Dưới áp lực phải trả lãi nợ ngân hàng, ông Hóa đã dùng hơn 3,8 triệu USD để trả nợ, trả lãi.
"Công ty dùng số tiền để "tự giải cứu" công ty", ông Hóa phân trần.
Đến chiều, HĐXX xét hỏi cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang về vai trò và nhận thức của bị cáo này trong vụ án.
Trình bày tại chỗ ngồi vì sức khỏe yếu, bị cáo Quang cho biết khi Bộ Y tế thành lập Ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir dự trữ phòng chống dịch cúm A, mà ông Cao Minh Quang làm Trưởng ban, cựu lãnh đạo Bộ Y tế nghĩ mảng tài chính không thuộc thẩm quyền của mình.
Ông Quang giải thích trong quyết định thành lập Ban chỉ đạo có quy định về một bộ phận quản lý tài chính riêng.
Sau đó, khi HĐXX chất vấn về những công văn, quyết định liên quan đến việc tiến hành kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir phosphate... bị cáo Cao Minh Quang trả lời những đầu mục kiểm tra, nhiệm vụ được chỉ đạo là rất nhiều, không chỉ riêng vấn đề tài chính, hợp đồng nên ông này không thể giám sát, kiểm tra hết.
Ông Quang nhận trách nhiệm, nhận lỗi khi không chỉ đạo kiểm tra kỹ lưỡng hơn khi được báo cáo về một khoản tiền hơn 3,8 triệu USD mà Dược Cửu Long chưa thanh toán cho đơn vị cung cấp nguyên liệu dược phẩm.
"Tôi có lỗi, có thiếu sót khi không kiểm tra, giám sát", ông Quang nói nhưng ngay sau đó, bị cáo cũng cho rằng sai sót của ông không ảnh hưởng trực tiếp đến sai phạm của Công ty Dược Cửu Long.
Khi phiên tòa diễn ra đến cuối buổi chiều, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX cho phép ông Cao Minh Quang được ra ngoài để giải lao vì sức khỏe của bị cáo không tốt.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế xin HĐXX xem xét cho về lại bệnh viện. Bị cáo nói rằng sáng nay, ông này phải xin rời bệnh để đến phiên tòa, và trên cổ tay vẫn đang đeo vòng bệnh nhân.