Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế ám ảnh án tử hình, phải điều trị tâm thần
(Dân trí) - Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai, thời điểm làm việc với cơ quan điều tra, bị ám ảnh về mức án tử hình mà mình có thể phải nhận nên có triệu chứng muốn chết, phải điều trị tâm thần.
Ám ảnh mức án tử hình
Sáng 14/7, luật sư đặt câu hỏi với các bị cáo trong phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu".
Tại phiên xét xử sáng nay, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy thông báo bị cáo Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam, có đơn đi cấp cứu tối qua nên sáng nay vắng mặt.
Sau đó, luật sư đặt câu hỏi với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
"Khi các doanh nghiệp đến nhờ, họ có biết chức năng, nhiệm vụ của bị cáo không?", luật sư hỏi.
Kiên đáp: Các doanh nghiệp chủ động tìm đến.
"Bị cáo có hứa với doanh nghiệp sau khi nhận tiền thì văn bản sẽ được phê duyệt không?", luật sư hỏi.
Kiên đáp: Không hứa, thấy có doanh nghiệp đến nhờ thì nhận lời giúp đỡ.
Bị cáo Kiên cũng khai, các doanh nghiệp khi đến đặt vấn đề giúp đỡ cấp phép chuyến bay giải cứu có 3 đơn vị đặt vấn đề tiền bồi dưỡng.
Sau đó, bị cáo trả lời cảm ơn các Bộ, ngành khác thế nào thì đưa cho bị cáo như vậy, không đề cập số tiền cụ thể.
"Các doanh nghiệp chủ động tìm đến bị cáo, bị cáo không có hành động gì gây khó khăn, làm chậm tiến độ của doanh nghiệp", ông Kiên nói.
"Chúng tôi thấy có hồ sơ bệnh án liên quan đến chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần cấp đa dạng không có triệu chứng sau nhiễm Covid-19, trường hợp này bị cáo bị thời điểm nào?", luật sư hỏi.
Kiên đáp: Sau ngày 24/1/2022 bị cáo bị bệnh Covid-19, diễn biến nặng phải cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và nằm điều trị một thời gian. Sau khi ra viện bị cáo nhận thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) nên tâm lý chịu sức ép nặng.
Đồng thời, sau khi xuất viện bị cáo làm việc với cơ quan điều tra nhiều lần và qua tìm hiểu về tội Nhận hối lộ, mức án nặng từ 20 năm đến chung thân và cao nhất là tử hình nên bị cáo ám ảnh về mức án tử hình dẫn đến hoảng sợ.
Sau đó bị cáo có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực nên có thời gian phải điều trị tâm thần ở Bệnh viện Bạch mai.
Sau đó, luật sư Trần Thanh Bình đặt câu hỏi với bị cáo Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải.
"Bị cáo có hành vi sách nhiễu nào đối với Công ty TNHH MTV ATA của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy hay không?", luật sư Bình hỏi.
Tuấn đáp: Không có bất kỳ hành vi sách nhiễu với doanh nghiệp nào, không có yêu cầu gì.
Sau đó, bị cáo Phạm Thị Mai, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội khai đưa cho bị cáo Ngô Quang Tuấn 200 triệu đồng ở quán cafe trên đường Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để nhờ Tuấn hỗ trợ xét duyệt các chuyến bay giải cứu khi gửi công văn sang Bộ Giao thông vận tải.
Bị cáo Ngô Quang Tuấn ngay sau đó phủ nhận việc nhận 200 triệu từ Mai và một mực khẳng định chưa gặp bị cáo này bao giờ.
"Bị cáo chưa bao giờ sách nhiễu doanh nghiệp, nếu có việc này các bị cáo khác đã tố cáo ngay tại tòa", ông Tuấn nói.
Nghĩ quà doanh nghiệp tặng là đặc sản Hà Nội
Khi xảy ra Covid-19, có nhiều doanh nghiệp đến địa bàn Quảng Nam xin chấp thuận cách ly hay không? luật sư Nguyễn Văn Tiên, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi với thân chủ của mình.
Tân đáp: Có vài chục doanh nghiệp đến địa bàn Quảng Nam xin tạo điều kiện cách ly trên địa bàn, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky.
Lý do bà Hằng đến gặp?
Tân đáp: Bà Hằng đến gặp bị cáo để đề nghị Quảng Nam tạo điều kiện đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam thực hiện cách ly y tế.
Bị cáo nhận thức đây là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn và tỉnh Quảng Nam đã thực hiện rất tốt, việc này cũng là cứu đồng bào ta ở nước ngoài và tạo công việc cho cơ sở du lịch trên địa bàn có thêm thu nhập trong thời điểm dịch Covid-19.
Sau khi bà Hằng về một ngày, Quảng Nam đã ký văn bản đồng ý để doanh nghiệp của bị cáo này được đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại địa bàn.
Ngày đầu tiên đến bà Hằng có để lại một gói quà, 2-3 ngày sau ông Tân mới mở ra và thấy bên trong có tiền.
Lúc đầu, cựu Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam nghĩ gói quà là đặc sản của Hà Nội là trà hoặc cốm nên để trong phòng làm việc.
"Khi nhận quà của bị cáo Hằng, bị cáo có suy nghĩ như thế nào?", luật sư hỏi.
Tân đáp: Khi mở quà bị cáo thấy tiền nên có ý định trả lại nhưng lúc đó đã quá 3-4 ngày nên thôi, theo quy định khi nhận quà của doanh nghiệp thì phải trả lại trong vòng 24 tiếng.