1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu TGĐ Dược Cửu Long nói gì về số tiền "biển thủ" hơn 3,8 triệu USD?

Hải Nam

(Dân trí) - Sáng 21/11, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Dược Cửu Long tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Đứng trước bục khai báo, bị cáo Hóa nêu lý do không báo cáo Bộ Y tế về số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Mở đầu phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cho biết do bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) đã tử vong nên HĐXX quyết định đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.

Phiên tòa tiếp tục với phần tra hỏi bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long). Đứng trước bục khai báo, ông Hóa cho biết bản thân có 6 năm công tác tại Công ty Dược Cửu Long với tư cách là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo các hoạt động của công ty. Bản hợp đồng giữa Công ty Dược Cửu Long với Bộ Y tế về việc đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir được bị cáo Hóa trực tiếp ký.

Trong hợp đồng này, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long xác nhận với HĐXX về một điều khoản là nếu bên nước ngoài (công ty cung cấp nguyên liệu - PV) giảm giá cho Công ty Dược Cửu Long thì công ty xem xét giảm giá hợp đồng cho Bộ Y tế. Đồng thời, nếu được giảm giá, Công ty Dược Cửu Long phải báo cáo lại với Bộ Y tế.

Cựu TGĐ Dược Cửu Long nói gì về số tiền biển thủ hơn 3,8 triệu USD? - 1

Toàn cảnh phiên tòa. (Ảnh: TTXVN).

Khai trước HĐXX, bị cáo Hóa cho biết người đàm phán với Công ty Mambo về việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc là bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc Chi nhánh TPHCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long).

Ông Hóa trình bày hoàn cảnh ở thời điểm năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, phía công ty nhận thấy tình hình gấp gáp nên khi Công ty Mambo chào giá 17.500 USD/kg nguyên liệu Oseltamivir, Dược Cửu Long đã chấp thuận luôn mà không thương lượng.

Sau đó, Dược Cửu Long đã mua hơn 500kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD. Công ty của ông Hóa thanh toán trước hơn 5,2 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng.

"Khi dịch bệnh giảm, nhu cầu sử dụng thuốc giảm, bị cáo đã yêu cầu Nghĩa liên hệ với Công ty Mambo, đề nghị giảm giá hoặc tài trợ Dược Cửu Long theo hình thức khác để giảm bớt số tiền ký kết ban đầu. Phía Mambo sau đó trả lời là "xem xét"", cựu Tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long khai.

Cựu TGĐ Dược Cửu Long nói gì về số tiền biển thủ hơn 3,8 triệu USD? - 2

Bị cáo Lương Văn Hóa. (Ảnh: TTXVN).

Trước câu hỏi của HĐXX về việc Công ty Mambo sau đó có trả lời lại Dược Cửu Long về việc giảm giá hay không, bị cáo Hóa nói cho đến tận thời điểm ông ta nghỉ việc (2016), phía Mambo chưa hề có một văn bản chính thức nào trả lời về vấn đề trên. Vì vậy, số tiền hơn 3,8 triệu USD còn nợ, Dược Cửu Long cũng chưa thanh toán cho Công ty Mambo.

Chủ tọa phiên tòa tiếp tục chất vấn bị cáo Lương Văn Hóa về số tiền hơn 3,8 triệu USD được sử dụng như thế nào?

Trả lời HĐXX, ông Hóa lại trình bày về bối cảnh kinh tế năm 2005. Ông này cho biết thời điểm đó, kinh tế suy thoái, lãi suất ngân hàng rất cao. Trong khi đó, Công ty Dược Cửu Long có vốn hóa ít, chủ yếu phải vay ngân hàng nên bị cáo đã dùng hơn 3,8 triệu USD để thanh toán lãi, nợ ngân hàng.

"Công ty dùng số tiền để "tự giải cứu" bản thân", ông Hóa nói.

Khi HĐXX đặt câu hỏi tại sao Công ty Dược Cửu Long không trả nốt nợ cho Công ty Mambo nhưng cũng không báo cáo lại với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, bị cáo Hóa cho rằng vì Công ty Mambo chưa có văn bản chính thức về việc có giảm giá hay không nên Dược Cửu Long chưa báo cáo với 2 Bộ.

Trước khi lui về lại vị trí ngồi, ông Hóa thừa nhận bản thân có trách nhiệm trong vụ án này, nhận thấy ông có lỗi và không có ý kiến gì với cáo buộc của VKS.

Phiên tòa tạm nghỉ lúc 11h30 và sẽ tiếp tục làm việc vào chiều cùng ngày.