1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Phó Trưởng khoa làm giả bệnh án tâm thần như thế nào?

(Dân trí) - Ngoài việc chỉ đạo, hướng dẫn các y bác sĩ, điều dưỡng viên dưới quyền mình làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, cựu Phó Trưởng khoa Bệnh viện Tâm thần Trung ương I còn tự nghĩ ra triệu chứng để ghi vào bệnh án.

Ngày 19/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án làm giả hồ sơ tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Bộ Y tế). Bị cáo Thân Thái Phong (SN 1977, cựu Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi, BV Tâm thần TƯ I) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1984, cựu Kỹ thuật viên trưởng - Khoa Dinh dưỡng, BV Tâm thần TƯ I) bị xét xử về tội “Môi giới hối lộ”; Lê Thanh Tùng (SN 1986, ở Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội “Đưa hối lộ”.

Cựu Phó Trưởng khoa làm giả bệnh án tâm thần như thế nào? - 1

Bị cáo Thân Thái Phong.

Theo cáo buộc, Thân Thái Phong đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, thông qua Nguyễn Tuấn Sơn môi giới để nhận hối lộ số tiền 85 triệu đồng của Lê Thanh Tùng để làm bệnh án tâm thần giả cho Tùng với mục đích trốn tránh trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích. Sau khi môi giới cho Tùng gặp Phong, Sơn đã được Tùng trả công số tiền 3 triệu đồng.

Bệnh án giả giá 85 triệu đồng

Cuối năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thanh Tùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Quá trình điều tra, Tùng trình bày có bệnh án tâm thần và mẹ Tùng đã mang hồ sơ bệnh án tâm thần của Tùng giao nộp cho cơ quan điều tra.

Phát hiện hồ sơ bệnh án tâm thần của Tùng có dấu hiệu giả mạo nên ngày 11/6/2018, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàn Kiếm đã chuyển tin báo về tội phạm liên quan đến hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần đến Cơ quan CSĐ - Công an TP Hà Nội để điều tra theo quy định pháp luật.

Quá trình điều tra xác định, rạng sáng ngày 28/10/2017, tại khu vực vỉa hè trước cửa một quán bar trên phố Hàng Tre (quận Hoàn Kiếm), do mâu thuẫn, Tùng dùng kiếm chém vào đầu Đỗ Hoàng Hiệp làm nạn nhân bị thương nặng. Sau khi gây án, để trốn tránh trách nhiệm hình sự, Tùng đã nhờ một người phụ nữ (chưa xác định được nhân thân) môi giới làm giúp bệnh án tâm thần giả.

Đến giữa tháng 11/2017, thông qua quan hệ xã hội, người phụ nữ này đã liên hệ với Nguyễn Tuấn Sơn, khi đó là Kỹ thuận viên Trưởng Khoa dinh dưỡng - BV tâm thần TƯ I để nhờ làm bệnh án tâm thần giả cho Tùng. Sơn đồng ý, lên phòng làm việc gặp Thân Thái trao đổi việc có người nhà muốn làm bệnh án tâm thần không khám, không điều trị nội trú và nhờ Phong giúp đỡ. Phong đồng ý làm với chi phí khoảng 85 triệu đồng và bảo dẫn đến gặp Phong.

Khoảng 17h ngày 21/11/2017, đối tượng nữ môi giới và Tùng gặp Sơn ở quán cà phê gần cổng BV tâm thần TƯ I. Hai bên trao đổi việc làm bệnh án tâm thần giả cho Tùng, sau đó người phụ nữ đưa cho Sơn 85 triệu đồng.

Sơn cầm tiền và bảo Tùng cùng đi vào gặp Thân Thái Phong tại phòng làm việc. Sơn một mình vào đưa cho Phong số tiền 85 triệu đồng rồi Sơn đi ra ngoài bảo Tùng vào gặp Phong. Sau đó, Sơn ra quán cafe gặp người phụ nữ để thông báo việc của Tùng đã xong, người phụ nữ này lấy 3 triệu đồng đưa cho Sơn để cảm ơn.

Tại phòng làm việc, Phong yêu cầu Tùng cung cấp thông tin về nhân thân, tiền sử bệnh lý của bản thân, gia đình, hẹn hôm sau đến bệnh viện gặp Phong để lập hồ sơ bệnh án.

Tự nghĩ triệu chứng để ghi bệnh án

Ngày 22/11/2017, Tùng đến bệnh viện gặp Phong như đã hẹn. Phong đưa số tiền 3.720.000 đồng cho Nguyễn Thị Minh Huệ (nhân viên hành chính, tổng hợp Khoa tâm thần người cao tuổi) và nhờ dẫn Tùng đến Khoa Khám bệnh làm thủ tục khám đầu vào.

Phong lập hồ sơ bệnh án nội trú cho Tùng tại Khoa tâm thần người cao tuổi, tự viết thông tin của Tùng vào phần hành chính, trang đầu tiên của bệnh án; đưa Dương Bảo Lâm, bệnh nhân chậm phát triển do Thân Thái Phong trực tiếp điều trị, đi chụp X Quang tim, phổi và ghi điện não, sau đó lấy kết quả đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng.

Tại phòng làm việc riêng, Phong tự lấy máu của mình cho vào ống bệnh phẩm ghi tên Lê Thanh Tùng, lập phiếu xét nghiệm sinh hóa máu và phiếu xét nghiệm tế bào ngoại vi rồi gửi đi xét nghiệm lấy kết quả, đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng.

Để hoàn thiện hồ sơ bệnh án cho Tùng, Phong đưa cho Trịnh Thị Nga, điều dưỡng Khoa tâm thần người cao tuổi, viết nội dung phần “A.BỆNH ÁN” trong hồ sơ bệnh án theo ý của Phong. Phong trực tiếp viết nội dung vào phần “Tri giác, Tư duy, Hành vi tác phong” trong phần “A.BỆNH ÁN” và ký vào mục Bác sỹ làm bệnh án.

Phong đưa cho Hoàng Mạnh Hải, điều dưỡng Khoa tâm thần người cao tuổi, viết nội dung phần “B.TỔNG KẾT BỆNH ÁN” (từ mục 01 đến mục 05).

Khi lập bệnh án xong Phong đưa cho Nguyễn Thị Châm, nhân viên hành chính, tổng hợp Khoa tâm thần người cao tuổi, nhập số liệu vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện đối với trường hợp của Lê Thanh Tùng như các bệnh nhân khác điều trị nội trú tại Khoa.

Các nội dung trong tờ điều trị số 01, số 02 và ký vào các mục “Y LỆNH” trên tờ điều trị số 01, 02, 03 trong hồ sơ bệnh án nội trú của Lê Thanh Tùng do Phong trực tiếp viết và đưa cho Hoàng Mạnh Hải viết nội dung các mục “NGÀY/GIỜ”, “DIỄN BIẾN NGƯỜI BỆNH”, “Y LỆNH” và viết “Gia đình xin cho bệnh nhân ra viện. Hiện bệnh tạm ổn định. Giải quyết cho bệnh nhân ra viện” vào hồi 10h00’ ngày 21/12/2017 trong tờ điều trị số 03 theo chỉ dẫn của Phong.

Ngày 14/12/2017, Phong đưa cho Hoàng Mạnh Hải viết nội dung Biên bản hội chẩn là Lê Thanh Tùng bị bệnh “Tâm thần phân liệt thể Paranoid (20.0)”, thành viên hội chẩn ghi trong biên bản là các bác sỹ trong khoa. Sau đó, Phong đưa biên bản hội chẩn cho từng người có tên ký xác nhận thành viên hội chẩn.

Quá trình làm hồ sơ điều trị cho Tùng, khoảng ngày 18-19/12/2017, Bệnh viện có thông báo kiểm tra định kỳ nên Phong yêu cầu Sơn gọi Tùng đến bệnh viện để đảm bảo quân số phục vụ đoàn kiểm tra. Tùng đến bệnh viện, được Sơn đưa vào Khoa tâm thần người cao tuổi. Tùng nhận quần áo bệnh nhân mặc và ở phòng bệnh nhân sinh hoạt như những bệnh nhân khác. Đến chiều cùng ngày, khi đoàn kiểm tra xong, Phong cho Tùng về nhà.

Ngày 21/12/2017, Phong nhờ chị Nguyễn Thị Minh Huệ ký tên Vũ Phương Hoa (vợ của Tùng) vào tờ điều trị số 03 để thể hiện việc gia đình xin cho bệnh nhân ra viện; viết “Giấy cam đoan” đề ngày 22/12/2017; viết và ký “Đơn xin sao bệnh án” đề ngày 21/12/2017.

Sau khi hoàn thiện xong hồ sơ bệnh án của Tùng, Phong yêu cầu bộ phận điều dưỡng nộp lưu trữ hồ sơ bệnh án cho Phòng Kế hoạch tổng hợp, đồng thời xin sao bệnh án với mục đích người nhà “xin cấp thuốc” cho bệnh nhân. Sau khi có bệnh án của Lê Thanh Tùng, Phong đã đưa cho Sơn. Khoảng hai ngày sau, Sơn giao bệnh án cho Tùng tại cổng Bệnh viện.

Tại cơ quan điều tra, Thân Thái Phong còn khai đã tự nghĩ ra triệu chứng để ghi vào bệnh án.

Tiến Nguyên