1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Thanh Hóa:

Cựu kiểm sát viên kể chuyện giải 4 vụ “án oan”

(Dân trí) - Kế toán Hợp tác xã “tham ô” 10.000 đồng, cán bộ BQL Thương nghiệp “cố ý làm trái gây thiệt hại” 6.000 đồng… Những người trên đều đã bị phạt tù, bắt giam giữ. Thấy có “oan sai” ông Châu vào cuộc làm sáng tỏ, trả tự do, phục hồi nhân phẩm cho những người nói trên.

Từng là lính Điện Biên Phủ, Ông Đỗ Ngọc Châu (SN 1933, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã có những năm tháng “nếm mật nằm gai” cùng đồng đội chiến đấu kiên cường đánh đuổi giặc Pháp. Sau khi rời quân ngũ về quê, ông chuyển sang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thanh Hóa.

Cựu kiểm sát viên Đỗ Ngọc Châu - ảnh Thái Bá
Cựu kiểm sát viên Đỗ Ngọc Châu - ảnh Thái Bá

Hơn 30 năm công tác, ông Châu cũng từng trải qua những năm tháng thăng trầm của nghề. Yêu và đam mê ngành kiểm sát nên ông luôn vững tin và thực hiện đúng theo lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nếu các anh các chị làm oan sai một người ngay, để lọt một kẻ gian thì không còn lẽ sống”. Vì thế ông luôn gắng làm theo lời dạy để xứng đáng là người cầm “cán cân” đem lại công lý cho mọi người.

Dù đã về hưu nhiều năm nhưng ông Châu vẫn thường xuyên theo dõi những thông tin về ngành kiểm sát. Đặc biệt là những vụ án oan sai trong thời gian qua được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ những vụ án oan này ông Châu nhớ lại và cho biết, khi còn công tác ông cũng đã giải oan được cho nhiều người ngay.

Mở đầu câu chuyện về án oan với cựu kiểm sát viên, chúng tôi được nghe những trăn trở của ông về các vụ án oan hiện nay. Bằng kinh nghiệm của mình, ông chia sẻ: “Các vụ án dẫn đến oan sai chắc chắn là có liên quan đến tiền. Trong quá trình điều tra, chắn chắn phải biết rõ được sự việc. Để xảy ra án oan lỗi là do cán bộ điều tra không trung thực mà dẫn đến”.

Những kỷ vật khi còn công tác trong ngành kiểm sát, ông Châu vẫn còn lưu giữ lại - ảnh Thái Bá
Những kỷ vật khi còn công tác trong ngành kiểm sát, ông Châu vẫn còn lưu giữ lại - ảnh Thái Bá

Nói rồi ông Châu vào trong nhà lấy ra tập tài liệu dày với những tờ giấy đã quá cũ nát do lâu ngày không được dùng đến, cất kín trong tủ. Vừa mở tập tài liệu ông Châu cho hay, trong 30 năm làm trong ngành kiểm sát ông hóa giải được bốn vụ án oan. “Món ngon và đòn đau nên mình phải nhớ mãi, dù chết cũng không quên, phải lưu lại để răn dạy con cháu” – ông Châu nói về các vụ án oan đã hóa giải.

Vụ án oan đầu tiên mà ông Châu tham gia điều tra giải quyết và đã trả tự do, phục hồi quyền lợi, danh dự cho ông Vũ Trọng Khơng - nguyên Kế toán Hợp tác xã (HTX) Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào năm 1976. Chính quyền địa phương lúc bấy giờ cho rằng trong quá trình xây dựng cây cầu bắc qua sông Nông Giang, ông Khơng đã tham ô tài sản nhà nước với số tiền 10.000 đồng. Ông Khơng bị TAND huyện Triệu Sơn tuyên phạt 2 năm tù về tội “tham ô tài sản nhà nước”. Cho rằng mình bị oan, ông Khơng đã kháng cáo và được TAND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu điều tra lại để xử phúc thẩm.

Những kỷ vật khi còn công tác trong ngành kiểm sát, ông Châu vẫn còn lưu giữ lại - ảnh Thái Bá
Những tấm huân, huy chương là danh hiệu cao quý mà ông Châu có được trong thời gian còn làm việc - ảnh Thái Bá

Ông Châu kể lại: “Khi ấy, tôi đang làm cán bộ chỉ đạo án cấp huyện của VKSND tỉnh Thanh Hóa. Tiếp nhận hồ sơ vụ án, tôi thấy xử ông Khơng tội tham ô là quá vô lý vì ông ấy không hề tham ô. Qua xác minh tại công an và phòng tài chính huyện Triệu Sơn thì không hề có dấu hiệu ông Khơng đã tham ô 10.000 đồng”.

“Năm đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa cho HTX Dân quyền 10.000 đồng để xây cầu bắc qua sông Nông Giang cho nông dân qua lại bớt khó khăn. Trong quá trình làm cầu, chi phí hết 10.000 đồng tiền mặt nhưng ông Khơng ghi vào sổ tài sản lại trị giá 20.000 đồng. Tuy nhiên số tiền ghi trị giá đó, ông Khơng không bỏ túi riêng mà đó chỉ là tiền ghi tài sản trị giá của cây cầu. Ngoài tiền mặt còn có nhiều đơn vị giúp đỡ khi làm cầu nữa... Phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa diễn ra sau đó xử ông Khơng không có tội, được trả tự do và phục hồi nhân phẩm” – ông Châu kể tiếp.

Lập tiếp đống hồ sơ, ông Châu kể tiếp cho chúng tôi nghe về vụ án oan thứ hai ông hóa giải vào năm 1982. Trong vụ án này ông Bùi Xuân Phong – Ban quản lý (BQL) Thương nghiệp huyện Lương Ngọc (huyện Ngọc Lặc và Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa hiện nay) bị truy tố về tội “cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản nhà nước 6.000 đồng”.

Ông Châu đọc lại hồ sơ các vụ án mà mình đã tham gia xét xử - ảnh Thái Bá
Ông Châu đọc lại hồ sơ các vụ án mà mình đã tham gia xét xử - ảnh Thái Bá

Khi bị VKSND huyện Lương Ngọc truy tố tội danh trên, ông Phong khiếu nại lên cấp tỉnh. Nhận được hồ sơ giao điều tra, ông Châu nhanh chóng vào cuộc làm rõ và gỡ oan cho ông Phong cùng BQL Thương nghiệp. Nguyên nhân chính của vụ án: Năm 1982, tỉnh Thanh Hóa thưởng cho Thương nghiệp Lương Ngọc 6.000 đồng để thưởng tết cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, khi ông Phong ra ngân hàng lĩnh tiền thì phía ngân hàng không cho vì giữ tiền để mua hàng tết phục vụ người dân.

Ngân hàng yêu cầu ông Phong muốn lấy tiền phải làm công văn “xin lĩnh tiền thưởng” thành “rút tiền để mua hàng hóa”. Làm công văn xong, rút được tiền ông Phong về chia thưởng cho mọi người trong cơ quan. Trong khi chia có sự chênh lệch giữ người ít người nhiều dẫn đến ông này bị tố cáo. Viện kiểm sát truy tố ông Phong tội “ cố ý làm trái gây thiệt hại tiền nhà nước 6.000 đồng”.

Cho rằng bị oan, ông Phong đã có đơn khiếu nại lên trên tỉnh. Lúc này, ông Châu lại là người được cử về huyện điều tra vụ việc. Qua hồ sơ cũng như thông tin điều tra ban đầu. Ông Châu khẳng định không hề có việc ông Phong làm trái gây thiệt hại vì số tiền đã rút đều được thưởng cho công nhân. “Sai ở đây là do ngân hàng, tiền thưởng của BQL Thương nghiệp được hưởng, ngân hàng phải giải ngân nhưng lại không làm còn yêu cầu làm công văn xin rút tiền với lý do khác. Vì lợi ích chung mà ông Phong làm như vậy, chứ không làm trái. Sau khi có kết luận điều tra của ông Châu, VKSND huyện Lương Ngọc đã phải trả tự do, phục hồi danh dự, quyền lợi cho ông Phong” – ông Châu nhớ lại.

Hồ sơ các vụ án được ông Châu lưu giữ rất cẩn thận - Thái Bá
Hồ sơ các vụ án được ông Châu lưu giữ rất cẩn thận - Thái Bá

Công tác ở VKSND tỉnh Thanh Hóa thời gian ngắn, ông Châu được điều động vào làm việc tại VKSND tỉnh Thuận Hải (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). Những năm công tác tại đây, ông Châu cũng đã có nhiều thành tích trong việc luận tội đưa ra tử hình bốn tên phản động. Giúp đỡ nhiều người dân nghèo tìm ra chân lý để mọi người tin theo Đảng và Cách mạng.

Cũng trong thời gian công tác tại tỉnh Thuận Hải, ông Châu đã hóa giải được hai vụ án oan khác có liên quan đến kinh tế. Đó là vụ án oan của ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc xí nghiệp gỗ 4 (tại xã Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải). Ông Vinh bị truy tố về việc tham ô 10.000 đồng của xí nghiệp khi mua chiếc xe ô tô Jeep và máy tính dùng điện. Bên cạnh đó là vụ án ông Nguyễn Nhàn – Giám đốc công ty ngoại thương tỉnh Thuận Hải bị truy tố tội “có ý làm trái gây thiệt hại 200.000 ngàn”.

Ông Vinh và ông Nhàn đều bị bắt và bị truy tố ra pháp luật, bị phạt tù về những hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, cả hai ông đều cho rằng mình vô tội và có đơn kháng cáo. Bằng tài năng trong điều tra xử lý vụ việc của mình, ông Châu đã xin cấp trên vào cuộc để làm rõ được những oan khuất trong hai vụ án trên. Sau khi điều tra, ông Châu đã vạch trần được thủ đoạn bỉ ổi của Bí thư Đảng ủy và Thư ký công đoàn công xí nghiệp gỗ 4. Hai ông này đã dựng chuyện để “hạ bệ” ông Vinh sau đó chia nhau giữ chức của xí nghiệp. Cơ quan tố tụng đã phải trả tự do, phục hồi nhân phẩm cho ông Vinh.

Nghỉ hưu, ông Châu về sống cuộc đời giản dị, vui vầy bên gia đình và bà con xóm làng - ảnh Thái Bá
Nghỉ hưu, ông Châu về sống cuộc đời giản dị, vui vầy bên gia đình và bà con xóm làng - ảnh Thái Bá

Còn việc “cố ý làm trái gây thiệt hại” của ông Nhàn, trước khi rời Thuận Hải về Thanh Hóa công tác trở lại. Ông Châu đã có giải trình trước Tỉnh ủy về việc oan khuất của ông Nhàn. Việc làm của ông Châu đã được đồng thuận cao, sau đó ông Nhàn được giải oan tội có ý làm trái gây thiệt hại tài sản của nhà nước.

Trở về quê hương nghỉ hưu hơn 20 năm qua, ông Châu sống cuộc đời lặng lẽ, bình dị với gia đình và bà con xóm làng. Ông được mọi người mến phục với tài năng xử lý vụ việc của mình. Nhiều mâu thuẫn, khúc mắc ở địa phương tưởng như không hóa giải được đều phải nhờ ông Châu giải quyết. Hiện giờ, sống là một thường dân nhưng ông Châu vẫn luôn ghi nhớ và thực hiện 10 chữ Bác Hồ tặng ngành kiểm sát: “Công minh, chính trực, thận trọng, khách quan, khiêm tốn”.

Thái Bá