1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt được giảm án 6 tháng tù

Sau khi TAND TP Hà Nội phán quyết đối với nhóm cựu cán bộ RPMU, các bị cáo: Thái, Đông, Lục và Hiếu làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Các lý do được đưa ra là phạm tội lần đầu, nhận thức được sai phạm, có ý thức khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều cống hiến trong hoạt động của ngành đường sắt và phần lớn số tiền nhận hỗ trợ từ các nhà thầu đều không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án...

Ngày 9-11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã kết thúc phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với nhóm cựu cán bộ Ban Quản lý các dự án đường sắt về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo bị đưa ra xét xử phúc thẩm gồm: Phạm Hải Bằng, cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Các dự án đường sắt (viết tắt là RPMU); Nguyễn Nam Thái, cựu Trưởng phòng Dự án 3 (RPMU); Trần Văn Lục, cựu Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, cựu Giám đốc RPMU, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu, cựu Giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy, cựu Phó Giám đốc RPMU.

Trước đó, trong các ngày 26 và 27-10-2015, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Bằng 12 năm tù; bị cáo Thái 11 năm tù, bị cáo Duy 8 năm 6 tháng tù; bị cáo Lục 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Đông và bị cáo Hiếu cùng mức án 7 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 - BLHS.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài hình phạt tù, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên truy thu và tịch thu xung công quỹ Nhà nước toàn bộ số tiền 11 tỷ đồng mà bị cáo Bằng cùng đồng bọn đã nhận “lót tay” từ liên danh các nhà thầu tư vấn, trong quá trình triển khai Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1).

Sau khi TAND TP Hà Nội phán quyết đối với nhóm cựu cán bộ RPMU, các bị cáo: Thái, Đông, Lục và Hiếu làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Các lý do được đưa ra là phạm tội lần đầu, nhận thức được sai phạm, có ý thức khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều cống hiến trong hoạt động của ngành đường sắt và phần lớn số tiền nhận hỗ trợ từ các nhà thầu đều không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án.

Quá trình thẩm vấn các bị cáo ở phiên tòa phúc thẩm xác định, từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, với cương vị là Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt, Chủ nhiệm Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, Bằng đã thỏa thuận với các nhà thầu do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (gọi tắt là JTC) làm đại diện để nhận về 11 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên được Bằng lấy danh nghĩa là kinh phí hỗ trợ triển khai dự án từ phía các nhà thầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, hàng chục tỷ đồng các nhà thầu thi công hỗ trợ đều được Bằng cùng các đồng phạm chi dùng vào các việc không có trong danh mục liên quan đến dự án như: chi lễ ký kết hợp đồng, tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, lễ, Tết, làm ngoài giờ và hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên đi nghỉ mát…

Các bị cáo từng là cấp trên của Bằng là Lục, Đông và Hiếu, mặc dù không bàn bạc hay chỉ đạo gì về số tiền cấp dưới nhận trái phép từ các nhà thầu, nhưng trong thời gian làm Giám đốc RPMU đều được Bằng báo cáo rõ về nguồn gốc số tiền bất chính.

Thay vì có biện pháp ngăn chặn hoặc báo cáo lên chủ đầu tư để xử lý cán bộ sai phạm thì các cựu Giám đốc RPMU lại tỏ ra cố tình không biết và trong những dịp lễ, Tết còn đều đặn nhận tiền được trích ra từ nguồn thu nhập bất chính này. Riêng bị cáo Bằng, trong số 11 tỷ đồng mà RPMU có được từ việc gợi ý các nhà thầu đã hưởng lợi trái pháp luật 4,8 tỷ đồng.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm xác định, bị cáo Bằng cùng các bị cáo liên quan là những người có chức vụ, quyền hạn và được Nhà nước giao giám sát thực hiện dự án, đại diện tư vấn, kỹ thuật, tổ chức đấu thầu Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội đã có hành vi gợi ý, nêu khó khăn và yêu cầu các nhà thầu phải chi 11 tỷ đồng. Nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân, các bị cáo đã lợi dụng hoạt động của tập thể để nhận tiền của các nhà thầu trái quy định pháp luật.

Quá trình chi dùng khoản tiền đó, các bị cáo để ngoài sổ sách, không minh bạch, trái với Luật Kế toán. Việc làm của Bằng cùng các bị cáo liên quan nhằm vụ lợi cá nhân và lợi ích nhóm, xâm hại hoạt động đúng đắn trong quan hệ sở hữu tài chính của cơ quan, tổ chức và Nhà nước.

Việc làm của các bị cáo đã làm tiến độ dự án bị chậm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội cũng như quan hệ hợp tác của quốc gia trong việc sử dụng vốn ODA. Hành vi của các bị cáo đã gây dư luận xấu, gây tổn hại tới uy tín của đất nước khi triển khai, sử dụng vốn ODA.

Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thái 9 năm tù; bị cáo Đông 7 năm tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của hai bị cáo Lục và Hiếu với lý do, quá trình xét xử sơ thẩm, HĐXX sơ thẩm đã xem xét, áp dụng dưới khung hình phạt về tội danh nên không còn căn cứ xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo này.

Theo Nguyễn Hưng

Công an nhân dân