1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu điều tra viên nói vụ án "chuyến bay giải cứu" bỏ lọt tội phạm?

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại phần thẩm vấn, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) nói, có việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Chiều 14/7, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), từng là điều tra viên chính vụ án "chuyến bay giải cứu", trả lời thẩm vấn của các luật sư.

"Bị cáo thấy tố tụng có vấn đề gì không?", luật sư hỏi.

Hưng đáp: "Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố đều buộc tội oan cho bị cáo, buộc tội mà không có bất kỳ một chứng cứ nào, chỉ dựa vào một lời khai một chiều, duy nhất.

Lời khai này có rất nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí là không đúng sự thật mà cơ quan tố tụng không kiểm chứng".

Ông Hưng cũng cho rằng không chỉ buộc tội oan mà kết luận điều tra và cáo trạng còn bỏ lọt hành vi phạm tội của nhiều người. 

"Bị cáo đề nghị HĐXX làm rõ mối liên hệ giữa việc buộc tội bị cáo và các hành vi bỏ lọt tội phạm khác", cựu điều tra viên nói.

Bị cáo thừa nhận từng gặp Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) 6 lần tại nhà riêng của Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội (4 lần trước khi Tuấn bị bắt).

Hầu hết các cuộc gặp với bà Hằng đều do Tuấn chủ động gọi điện đề nghị và sắp xếp lịch cũng như địa điểm. 

Trong các lần gặp Hưng chỉ khuyên nữ phó tổng giám đốc ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật chứ không có bất cứ động cơ, mục đích gì.

Ông Hưng cho hay, viện dẫn của viện kiểm sát ngày hôm qua (13/7) về hơn 400 cuộc điện thoại trao đổi giữa bị cáo với Nguyễn Anh Tuấn là không chính xác.

"Không có 400 cuộc, chỉ hơn 100 cuộc, cái này không quan trọng nhưng bị cáo muốn viện dẫn phải chính xác chứ không thể hướng sang người khác, bất lợi cho bị cáo", bị cáo Hưng nói.

Cựu điều tra viên nói vụ án chuyến bay giải cứu bỏ lọt tội phạm? - 1

Bị cáo Hoàng Văn Hưng được dẫn giải rời phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cũng trong phiên xử chiều nay, đại diện Viện kiểm sát xét hỏi đại diện một số doanh nghiệp để làm rõ việc Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế trả lại tiền cho doanh nghiệp.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng khai, vào cuối tháng 12/2022 đã nhận lại 1,2 tỷ đồng từ Kiên qua hình thức chuyển khoản. 

Còn bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA cho biết nhận lại hơn 2,4 tỷ đồng từ Kiên vào ngày 27/1/2022 bằng hình thức chuyển khoản với nội dung "trả nợ".

Số tiền này Tường Vy đưa hối lộ cho Kiên để xin cấp phép các chuyến bay giải cứu chứ không phải nợ nần.

Sau đó, đại diện Viện kiểm sát tiến hành xét hỏi đối với Phạm Trung Kiên về việc trả lại tiền cho doanh nghiệp ghi với nội dung "trả nợ".

Kiên thừa nhận các khoản tiền nhận từ doanh nghiệp là hối lộ. Song thời điểm trả lại tiền cho doanh nghiệp bị cáo có nhiều bất cập, sang chấn về tâm lý nên trong khi trả đã ghi nội dung không phù hợp với việc nhận.

Thực tế bị cáo nhận thức được sai phạm của mình và mong muốn trả lại cho doanh nghiệp, không cố ý làm sai trái điều gì.

"Bị Cáo đã chủ động nhờ bị cáo Tường Vy viết giấy "vay nợ", coi nó như một giao dịch dân sự chứ không phải là việc đưa, nhận hối lộ, bị cáo định che dấu hành vi phạm tội của mình"?, đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi.

Kiên đáp: "Thời điểm đó bị cáo mắc Covid-19 nên chưa nhận thức được việc này, bị cáo xin lỗi HĐXX. Sau đó bị cáo nhận thức được hành động của mình nên đã khai báo thành khẩn".

Trong phần xét hỏi trước đó, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai, thời điểm dịch Covid-19 đã nhận tổng 42 tỷ đồng, trong đó, 27 tỷ đồng từ chuyến bay trọn gói (combo) và 15 tỷ đồng là khách lẻ từ việc giúp cấp phép cho các chuyến bay giải cứu đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Số tiền này, bị cáo khai đã cho người thân vay 11 tỷ đồng, còn lại sử dụng để đầu tư bất động sản ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức, không đưa cho một ai khác.