Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm cảm thấy đau xót khi vụ án xảy ra
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đặng Việt Hà nói mình xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu và cảm thấy đau xót khi để vụ án đăng kiểm xảy ra.
Ngày 24/7, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét hỏi bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cùng những đồng phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm.
Trong buổi sáng, HĐXX dành phần lớn thời gian để các luật sư bào chữa cho 28 bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm và Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) xét hỏi thân chủ của mình.
Trả lời câu hỏi của luật sư, cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và số tiền hưởng lợi hơn 8,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hà không nhận trách nhiệm chung số tiền nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng. Bị cáo cũng khẳng định không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ và đã làm rõ điều này tại cơ quan điều tra.
Về cáo buộc nhận 400.000 đồng/hồ sơ thẩm định của Phòng VAR, bị cáo Hà trình bày rằng ông đã làm việc với Phòng VAR khi lên làm Cục trưởng và nhấn mạnh trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của Cục, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng.
"Bị cáo không hề có đòi hỏi cũng không đưa ra mức nào về quyền lợi của bị cáo. Bị cáo là người đứng đầu ý thức được bên cạnh những nhiệm vụ chuyên môn thì nhiệm vụ rất là quan trọng là phòng, chống tiêu cực và sai phạm", ông Hà khai tại tòa.
Ông Hà cũng cho biết đã thiết lập đường dây nóng, tiếp công dân hàng tuần để nhận phản ánh của người dân về các hiện tượng tiêu cực trong việc đăng kiểm; phổ biến toàn bộ Nghị quyết và các Chỉ thị của phòng, chống tham nhũng; cử các chuyên viên giỏi thanh tra, giám sát.
Ngược lại, ông Trần Anh Quân, cựu quyền Trưởng phòng VAR, cho rằng trước khi bị cáo Hà làm Cục trưởng, không có ai quy định việc nhận tiền và việc nhận tiền cũng theo một lối mòn từ trước.
Ông Quân cho biết, khi bị cáo Hà lên làm Cục trưởng mới có họp bàn và đưa ra mức nhận tiền như trong cáo trạng đã nêu (bị cáo Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Quân được 300.000 đồng/hồ sơ).
Bị cáo Quân không tiếp xúc với doanh nghiệp người đưa tiền; chỉ nhận tiền từ các đăng kiểm viên và việc đưa tiền là tự nguyện, không hứa hẹn.
Luật sư hỏi: "Vậy lời khai về việc bị cáo Hà chỉ đạo phải đảm bảo lợi ích của bị cáo Hà là cao nhất, thì cao nhất là thế nào? Và việc bị cáo họp tại phòng của bị cáo Hà, triệu tập 12 đăng kiểm viên thì có chứng cứ không?"
"Chứng cứ là cuộc họp với bị cáo Hà, các bị cáo là Phó phòng VAR Đặng Trần Khanh và Trịnh Bình Dương đều biết. Còn cuộc họp tại Phòng VAR thì chỉ anh, em ngồi nói chuyện với nhau chứ không có sổ sách ghi chép gì. Mức tiền 400.000 đồng/hồ sơ để đưa cho bị cáo Hà là trên tinh thần cuộc họp mà bị cáo Hà chỉ đạo. Phòng VAR đã họp và anh em tự xác định vì đó là mức cao nhất", bị cáo Quân trình bày.
Cuối phần xét hỏi, với tư cách là lãnh đạo Cục Đăng kiểm, bị cáo Hà xin chịu trách nhiệm là người đứng đầu, bày tỏ đau xót khi để vụ án xảy ra và có lỗi một phần khi các cán bộ phòng kiểm định mắc phải sai phạm. Đồng thời, cựu Cục trưởng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là cấp dưới của mình.
Tương tự, với vai trò cựu quyền Trưởng phòng VAR, bị cáo Trần Anh Quân mong HĐXX xem xét và rộng lượng khoan hồng cho các đồng nghiệp làm việc tại các trung tâm đăng kiểm vì họ còn rất trẻ để họ sớm trở về làm việc có ích cho xã hội.
Sau đó, HĐXX xét hỏi các bị cáo liên quan tới hành vi sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm chủ. Theo đó, các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết và trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ.