1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm hầu tòa ở vụ án thứ 3

(Dân trí) - Từ sáng nay, 27/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm. Đây là vụ án thứ 3 ông Thắm phải hầu tòa.

Cựu Chủ tịch Oceanbank bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, Điều 221, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm hầu tòa ở vụ án thứ 3 - 1
Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm tại tòa sáng 27/4.

Cùng bị đưa ra xét xử với ông Thắm là 7 đồng phạm, trong đó có bị cáo Lê Thị Thu Thủy (cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank).

Trong số 8 bị cáo, hai bị cáo là Hà Văn Thắm và Lê Thị Thu Thủy đang chấp hành án tại Trại giam (của bản án trước đó đã có hiệu lực pháp luật); 6 bị cáo còn lại được tại ngoại, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Có tổng số 6 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.

HĐXX triệu tập hơn 30 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tòa sơ thẩm.

Phiên tòa được thực hiện theo đúng quy định về giãn cách xã hội trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa đều nghiêm túc đeo khẩu trang trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa. Các vị trí ngồi trong phiên tòa đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm hầu tòa ở vụ án thứ 3 - 2
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Cáo trạng được công bố tại phiên tòa nêu rõ, từ năm 2010 đến năm 2014, theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Oceanbank đã chi hơn 1.576 tỷ đồng tiền lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định của pháp luật cho các khách hàng gửi tiền tại Oceanbank (giai đoạn 1 vụ án).

Sau một thời gian thực hiện tạm ứng chi tiền lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền với số tiền lớn, không còn nguồn tiền để hoàn ứng, Hà Văn Thắm chỉ đạo Lê Thị Thu Thủy phối hợp với bộ phận PR, văn phòng và kế toán ký kết, hợp thức 44 hợp đồng (khống/nâng khống) với 19 đối tác trong và ngoài Công ty CP Tập đoàn Đại Dương với nội dung cung cấp thẻ Gym, thuê biển quảng cáo, tổ chức hội nghị, in tờ rơi... có tổng giá trị hơn 133,8 tỷ đồng.

Oceanbank đã hạch toán kế toán qua các tài khoản VAT đầu vào, chi phí vật liệu khác, chi xuất bản tài liệu, tiếp thị quảng cáo, tiếp thị khuyến mại không có hóa đơn; chi phí hội nghị; chi phí giao dịch đối ngoại, chi phí thuê tài sản, thanh toán (chuyển khoản) vào tài khoản của các đối tác 133 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền do Oceanbank thanh toán, các đối tác đã chuyển trả lại cho Oceanbank số tiền hơn 84 tỷ đồng để hoàn ứng chi lãi ngoài và chi lãi ngoài, hoàn ứng chi phí truyền thông, chi đối ngoại. Số tiền các đối tác thực hiện tại các hợp đồng là hơn 26,5 tỷ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng là gần 11,5 tỷ đồng, chiếm hưởng hơn 10,6 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, hành vi ký kết, hạch toán, thanh toán các hợp đồng khống/nâng khống của các bị cáo dẫn đến hậu quả Oceanbank phải hạch toán kế toán số tiền không có thật, gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền hơn 106 tỷ đồng.

Bị cáo Hà Văn Thắm bị xác định là người đã ra chủ trương, phân công, chỉ đạo lãnh đạo Oceanbank và các đối tác thuộc Công ty CP Tập đoàn Đại Dương phê duyệt, ký kết 44 hợp đồng khống/nâng khống, gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền hơn 106 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Oceanbank đã bị xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án này đối với hành vi chi lãi ngoài hơn 65 tỷ đồng. Do đó, bị cáo Thắm chỉ còn phải chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại cho Oceanbank hơn 41 tỷ đồng.

Bị cáo Lê Thị Thu Thủy bị Viện kiểm sát xác định đã tiếp nhận chủ trương của Hà Văn Thắm, chỉ đạo bộ phận Kế toán và PR tìm kiếm, ký kết, thanh toán, hạch toán, mở tài khoản, chi tiền từ các hợp đồng khống/nâng khống; phê duyệt thanh toán 44 hợp đồng khống/nâng khống có giá trị hơn 133 tỷ đồng; ký 15 hợp đồng khống/nâng khống có giá trị hơn 60 tỷ đồng. Lê Thị Thu Thủy được xác định giúp sức tích cực nhất cho Hà Văn Thắm trong vụ án này.

Tiến Nguyên