Cựu Chủ tịch AIC đang bỏ trốn vẫn bị xét xử vắng mặt là đúng luật
(Dân trí) - Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan tố tụng không tạm đình chỉ điều tra, vẫn đưa bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC, ra xét xử vắng mặt là đúng quy định.
Hôm nay (25/10), ngày làm việc thứ 3 của phiên tòa xét xử vụ án sai phạm đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Quảng Ninh đã cho 12/16 bị cáo có mặt tại tòa nói lời sau cùng.
Sau đó, HĐXX nghị án và sẽ tuyên án vào chiều 26/10.
Trước đó, trong phiên xử chiều 24/10 và hôm nay, HĐXX đã dành thời gian cho các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tranh luận với bản luận tội của VKS.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi nước ngoài trước khi bị khởi tố?
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), luật sư Vũ Gia Trưởng, Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ không đồng tình với một số nội dung trong bản cáo trạng.
Cáo trạng có nêu, hiện nay bị cáo Nhàn bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt nhưng không có kết quả.
Theo ông Trưởng, bị cáo Nhàn không thuộc trường hợp bỏ trốn vì thời điểm bà Nhàn xuất cảnh đi nước ngoài chưa có quyết định khởi tố.
"Nếu bị cáo Nhàn thuộc trường hợp không biết rõ ở đâu, theo quy định pháp luật thì cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc tách vụ án đối với bị cáo Nhàn", luật sư Trưởng nêu quan điểm.
Cũng theo ông Trưởng, cáo trạng cáo buộc bị cáo Nhàn với vai trò chủ mưu, đứng đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gồm 4 hành vi và chỉ đạo trực tiếp 4 người.
Cụ thể, bị cáo Nhàn chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan (nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC) thực hiện hành vi thông thầu với chủ đầu tư; chỉ đạo Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC) thực hiện hành vi gian lận chỉnh sửa số liệu báo cáo tài chính các năm từ 2010 đến 2013, nhằm đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu.
Bị cáo Nhàn giao Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên lập hồ sơ "quân xanh", "quân đỏ"; giao Nguyễn Thị Thu Phương (nguyên Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC) chỉ đạo, điều hành các công ty do Nhàn lập, chỉ đạo, thỏa thuận liên danh dự thầu, lập hồ sơ dự thầu làm "quân xanh".
"Chúng tôi cho rằng đánh giá của VKS như vậy là khiên cưỡng, chưa thuyết phục. Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như các lời khai tại phiên tòa chưa đủ cơ sở pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Nhàn", luật sư Trưởng nêu quan điểm.
Vị luật sư này giải thích, lời khai trong hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa thể hiện, trong 4 người mà bị cáo Nhàn đã có hành vi chỉ đạo trực tiếp thì có 2 người bỏ trốn là bị cáo Nguyễn Hồng Sơn và Trương Thị Xuân Loan. Do đó, không có lời khai của 2 bị cáo bỏ trốn để thẩm tra tại phiên tòa.
Trong khi đó bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương (nguyên Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC) có lời khai xác nhận tại tòa và hồ sơ vụ án thể hiện không có sự chỉ đạo của bị cáo Nhàn.
Từ những phân tích trên, luật sư Trưởng cho rằng chỉ dùng lời khai để làm cơ sở buộc tội mà không được đánh giá đầy đủ khách quan và trung thực bằng các chứng cứ vật chất, không có mặt bị cáo Nhàn và một số bị cáo khác để thẩm tra, đối chất tại tòa thì chỉ là lời khai một chiều.
Xét xử vắng mặt các bị cáo bỏ trốn là đúng quy định pháp luật
Đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư Trưởng, đại diện VKS cho biết, theo quy định pháp luật, cơ quan điều tra có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, với lý do không biết bị can ở đâu.
Trường hợp trên chỉ áp dụng đối với các bị can, bị cáo bỏ trốn mà không liên quan đến các bị can, bị cáo khác.
Tuy nhiên, trong vụ án này, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định các bị can, bị cáo bỏ trốn đều liên quan đến các bị can khác trong vụ án, nên không tạm đình chỉ điều tra vụ án là đúng quy định của pháp luật.
Từ căn cứ pháp luật trên, VKS cũng không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can bỏ trốn.
Về quan điểm luật sư cho rằng bà Nhàn ra nước ngoài trước thời điểm bị khởi tố, đại diện VKS cho rằng, luật không quy định thời gian bỏ trốn trước hay sau khi bị khởi tố, đều xác định chung là bỏ trốn.
Vị đại diện VKS cho biết thêm, kết quả điều tra xác định, bị cáo Nhàn là người có vai trò chủ mưu, tổ chức chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan, thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác, nên cơ quan điều tra không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Do đó, TAND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xét xử đối với những bị cáo bỏ trốn trong vụ án này là đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, việc đưa các bị cáo bỏ trốn ra xét xử nhằm giải quyết triệt để, toàn diện vụ án, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo.
"Các bị cáo bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án này, chưa hoặc không phải chịu trách nhiệm dân sự. Trong khi các bị cáo có mặt tại tòa không hưởng lợi, thành khẩn khai báo lại chịu trách nhiệm dân sự thay cho các bị cáo bỏ trốn là không phù hợp", đại diện VKS nêu quan điểm.
Cũng theo đại diện VKS, quan điểm của luật sư tạm đình chỉ vụ án đối với các bị can, bị cáo bỏ trốn là không đảm bảo quy định pháp luật. Có ý kiến còn cho rằng có bị can, bị cáo không còn tồn tại, được hiểu là đã chết, là không có căn cứ.
Trường hợp có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo đã chết thì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 3 bị cáo Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan và Nguyễn Thị Tích (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Mopha) đang bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xử lý hình sự trong khi đang trốn truy nã. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù.
Ở vụ án thứ hai đang điều tra, bà Nhàn cũng bị cáo buộc vi phạm đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.