Cựu thư ký tài chính Công ty AIC bật khóc kêu oan
(Dân trí) - Khi nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, cựu Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC bật khóc và mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xét xử công minh, đúng pháp luật.
Sáng 25/10, bước sang ngày làm việc thứ 3 của phiên tòa xét xử vụ án sai phạm đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh cho các bị cáo nói lời sau cùng.
Vụ án trên có 16 bị cáo nhưng chỉ 12 bị cáo có mặt tại tòa; 4 bị cáo vẫn đang bỏ trốn, trong đó có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC).
Trong số 12 bị cáo lên nói lời sau cùng tại phiên tòa sáng nay, 11 bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối lỗi, nhận thức được hành vi phạm tội của mình, không kêu oan. Nhưng tất cả đều xin HĐXX tuyên phạt dưới mức đề nghị của đại diện VKS.
Bị cáo Nguyễn Anh Dũng (70 tuổi, anh trai bị cáo Nhàn), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt vì bản thân tuổi cao, gia đình khó khăn, có con bị tật nguyền.
Bị cáo Lương Văn Tám, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình y tế thuộc Sở Y tế Quảng Ninh, nói đã nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình.
"Bị cáo nhận thức được pháp luật rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Bản thân bị cáo lần đầu vi phạm, không cố ý, không có tư lợi. Bị cáo mong HĐXX cho hưởng án treo để được cùng vợ chăm sóc các con", bị cáo Tám nói lời sau cùng.
12 bị cáo có mặt tại phiên tòa, duy nhất bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, nguyên Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC, kêu oan. Khi nói lời sau cùng, nữ bị cáo bật khóc, mong HĐXX xét xử khách quan, toàn diện và công tâm.
Phiên tòa kết thúc vào trưa cùng ngày và sẽ tuyên án vào chiều 26/10.
Trước đó, bản luận tội của đại diện VKS cho rằng, hành vi vi phạm của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Đối với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã xâm phạm tính đúng đắn trong cơ quan quản lý Nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Đối với nhóm bị cáo thuộc Công ty AIC, xuất phát từ mục đích kinh tế đã sử dụng thủ đoạn tiếp cận các cá nhân có trách nhiệm thuộc Ban Quản lý Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh để thông thầu về danh mục, về giá, hồ sơ dự thầu, sử dụng "quân xanh" để vi phạm quy định đấu thầu.
Các bị cáo thuộc công ty "quân xanh", các công ty phụ thuộc Công ty AIC, phần lớn là nhân viên Công ty AIC đều làm công ăn lương, ngoài ra có sự nể nang, giúp đỡ người khác như bị cáo Nguyễn Anh Dũng, không được hưởng lợi.
Đối với nhóm bị cáo thuộc chủ đầu tư dự án là Sở Y tế Quảng Ninh, bản thân bị cáo công tác trong lĩnh vực y tế, chưa có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản,… thực hiện theo sự chỉ đạo nên đã để lại sai phạm, không được hưởng lợi.
Còn các bị cáo thuộc công ty định giá, xuất phát từ việc cần việc làm, có thu nhập trả lương nhân viên, nên đã thực hiện hành vi vi phạm trong việc thẩm định giá liên quan đến dự án trên.
Xem xét vai trò của các bị cáo, VKS nhận thấy, tại Công ty AIC, bị cáo Nhàn là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi thông thầu. Tiếp theo là bị cáo Nguyễn Hồng Sơn giúp sức tích cực cho bị cáo Nhàn cùng bị cáo Loan, Đỗ Văn Sơn thực hiện hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nên giữ vai trò vị trí thứ 2 sau bị cáo Nhàn…
Theo cáo trạng, quá trình tham gia dự thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Trong đó, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan (nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC) thực hiện hành vi thông thầu với chủ đầu tư; chỉ đạo Đỗ Văn Sơn (nguyên kế toán trưởng Công ty AIC) thực hiện hành vi gian lận.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn giao cho Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên lập hồ sơ "quân đỏ", "quân xanh".
Đồng thời, cựu Chủ tịch AIC giao cho Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo, điều hành các công ty do bà Nhàn thành lập, chỉ đạo, thực hiện thỏa thuận liên danh dự thầu, lập hồ sơ dự thầu làm "quân xanh", để Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng 6/6 gói thầu gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức của các bị can thuộc Công ty AIC và các công ty có liên quan.