TPHCM:

Cựu cán bộ công an nhận tiền "chạy án" cho kẻ trộm

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo cáo buộc, trong thời gian làm cán bộ Công an TPHCM, Phạm Quang Tiến đã nhận 320 triệu đồng của gia đình bị can để "chạy án".

Ngày 19/4, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM tuyên phạt bị cáo Phạm Quang Tiến (57 tuổi, cựu cán bộ Công an TPHCM) mức án 6 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan vụ án, bị cáo Trần Thị Diệu Trang (52 tuổi) bị phạt 4 năm 6 tháng tù về tội môi giới hối lộ. Riêng Nguyễn Vũ Thanh Thủy (48 tuổi) và Nguyễn Long (41 tuổi) bị phạt 3 năm tù treo về tội đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, năm 2018, Nguyễn Duy (33 tuổi) bị Công an quận Tân Phú truy bắt do liên quan đến vụ trộm, Duy nhờ mẹ nuôi Trần Thị Diệu Trang tìm người lo thoát tội. Bà Trang nhờ Phạm Quang Tiến (bạn của em gái, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM) giúp đỡ. Tiến đồng ý, báo giá khoảng 300 triệu đồng.

Cựu cán bộ công an nhận tiền chạy án cho kẻ trộm - 1

Bị cáo Tiến (hàng đầu) cùng đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: X.D).

Tháng 11/2018, Thủy và Long (chị và anh của Duy) hai lần đến khách sạn của bà Trang tại quận Bình Tân đưa tổng cộng 320 triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền, bà Trang gói vào tờ báo đưa cho Long cầm, cùng đến quán cà phê tại quận 10 gặp Tiến. Long trực tiếp nhờ Tiến giúp đỡ và đưa gói tiền cho cán bộ công an.

Tuy nhiên, sau hơn một tuần đưa tiền, Duy vẫn bị bắt tạm giam nên Thủy và Long tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng. Cuối năm 2019, Duy bị TAND quận Tân Phú tuyên phạt 5 năm tù.

Quá trình điều tra, Tiến khai đã gọi điện trao đổi với một cán bộ Viện KSND TPHCM nhờ giúp. Sau đó, Tiến cầm gói tiền (Long đưa trước đó) đến giao cho kiểm sát viên ở vườn hoa bên hông trụ sở cơ quan. Để làm bằng chứng, Tiến đã ghi âm cuộc gọi cho kiểm sát viên nói về việc nhận và giao tiền.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng trong đoạn ghi âm, Tiến không nói rõ về nguồn gốc số tiền, mục đích và thực tế số tiền đã đưa là bao nhiêu. Trong khi, ngoài Tiến ra, không ai biết hoặc từng liên hệ với kiểm sát viên này.

Kết luận giám định "mẫu tiếng nói ghi âm chất lượng kém, không đủ điều kiện để tiến hành giám định". Ngoài ra, Tiến cũng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu nào khác để chứng minh nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý kiểm sát viên.

Làm việc với cơ quan điều tra, kiểm sát viên này thừa nhận có quen biết Tiến khi còn làm ở Viện KSND quận 10, nhưng không có việc nhận tiền "chạy án".

Theo cơ quan công tố, Tiến là người không có thẩm quyền giải quyết vụ án Nguyễn Duy và đồng phạm về tội trộm cắp tài sản, cũng không có căn cứ xác định cựu cán bộ công an đã đưa tiền cho người khác để lo việc. Do đó, Tiến phải chịu trách nhiệm về số tiền đã nhận, hành vi này phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cuối năm 2020, TAND TPHCM xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt Tiến 8 năm tù; Trang lĩnh 4 năm 6 tháng; Thủy và Long bị phạt 3 năm 6 tháng tù.

Giữa năm ngoái, TAND cấp cao tại TPHCM đã xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra xét xử lại, vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, sau nhiều tháng điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng giữ nguyên quan điểm như trước.