1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Lỗi của tôi là quá nhiệt tình!"

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Bị cáo Vũ Huy Hoàng không đồng tình với bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát và cho rằng, nếu có lỗi thì lỗi của ông là đã quá quan tâm, quá nhiệt tình, lo lắng, chia sẻ với khó khăn của Sabeco.

Sáng 24/4, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được quyền trình bày phần tự bào chữa. Trước đó, ông Hoàng bị đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Tòa tuyên phạt từ 10-11 năm tù về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Lỗi của tôi là quá nhiệt tình! - 1

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tự bào chữa tại tòa.

Trước tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, từ khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án năm 2018 đến nay, ông luôn luôn suy nghĩ, trăn trở.

"Nhưng hôm nay, tôi thực sự bất ngờ trước kết luận của đại diện VKS về tội trạng có liên quan đến cá nhân tôi theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tôi chú ý nhiều về cách thể hiện trong văn bản của đại diện VKS, có 2 ý muốn được nói rõ. Đó là VKS nói tôi là người mắc sai phạm chính hay là bị cáo chính; VKS luôn nhắc đến cụm từ tôi chỉ đạo toàn bộ quá trình liên quan đến thực hiện dự án tại Sabeco.

Thế nào là chỉ đạo? Theo tôi hiểu, chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới hay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi theo suy nghĩ của mình dù hành vi đó có phù hợp, có đúng hay không đúng. Vai trò chính phải là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính về công việc cụ thể." - bị cáo Hoàng trình bày.

"Nếu có lỗi, lỗi của tôi là quá nhiệt tình!"

Theo trình bày của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dự án của Sabeco có nhiều giai đoạn. Giai đoạn bắt đầu, mục tiêu quan trọng, xuyên suốt, nhất quán của dự án là xây dựng trụ sở văn phòng làm việc của Sabeco.

"Với vị thế là Tổng Công ty đóng góp ngân sách lớn cho Nhà nước, cho các địa phương, trụ sở làm việc phải tương xứng với vị thế. Với tình hình đổi mới của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt trên thị trường rượu, bia, nước giải khát, việc xây dựng trụ sở không chỉ để làm việc mà còn để khẳng định vị thế, uy tín của mình.

Bộ Công nghiệp (cũ) từ năm 2004 đến khi thành lập Bộ Công Thương đều có nguyện vọng như vậy. Đó là nguyện vọng chính đáng không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của UBND TPHCM, của các bộ, ban, ngành. Điều này các nguyên lãnh đạo Sabeco hôm qua đã nói. Tôi về Bộ Công Thương cũng chỉ thực hiện nguyện vọng chính đáng của Sabeco. Cá nhân tôi cũng như Bộ Công Thương không hề có đề xuất nào với dự án này." - ông Hoàng nói.

Về việc thay thế nhà đầu tư, theo bị cáo Hoàng, bản chất việc thay thế nhà đầu tư không thay đổi bản chất nội dung dự án. Đây không phải dự án mới. Theo Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu thì đây là dự án đang triển khai.

"Với sự đề xuất của Sabeco, sự tham mưu của các bộ phận chức năng mà đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ, ý kiến của Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, suốt từ năm 2007 khi Sabeco Land được thành lập đến năm 2012, tôi không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc triển khai dự án này…

Đến năm 2012, Sabeco chủ động báo cáo Bộ việc khó khăn trong triển khai dự án, các nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính triển khai dự án. Lúc đó đang xảy ra khủng hoảng bất động sản, sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án này rất hạn chế. Nhu cầu của Sabeco về văn phòng làm việc là cần thiết. Tôi rất chia sẻ với Sabeco khi đề nghị được tìm nhà đầu tư thay thế.

Thời điểm Sabeco gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26. Như tôi đã trình bày trước đó, trong Nghị quyết này, Chính phủ mở ra một khả năng rất hợp lòng dân, chia sẻ với doanh nghiệp. Đó là đối với các dự án dù đầu tư trong hay ngoài ngành, đang triển khai rồi mà gặp khó khăn thì tìm cách tháo gỡ." - bị cáo Hoàng nói thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, trong quyết định năm 2007 phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp đã xác định trụ sở văn phòng làm việc của Sabeco là số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TPHCM.

"Nếu tôi có mắc lỗi thì là quá quan tâm, quá nhiệt tình, quá lo lắng, chia sẻ khó khăn của Sabeco. Vậy tôi có phải là người cố ý làm sai Nghị quyết không, đề nghị HĐXX xem xét." - cựu Bộ trưởng tâm tư.

"Tôi bị miễn nhiệm rồi, ai nghe tôi chỉ đạo?"

Về cáo buộc là người chỉ đạo xuyên suốt vụ án, cựu Bộ trưởng phân tích, trong vụ án này, Sabeco là người đề xuất, Vụ Công nghiệp nhẹ soạn văn bản trả lời.

"Thứ trưởng đề nghị hỏi ý kiến của tôi, tôi tham gia ý kiến, chỉ thêm 1 câu là việc chọn nhà đầu tư phải báo cáo Bộ. Việc này là để đảm bảo rằng Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco phải chọn nhà đầu tư xứng đáng, đủ năng lực thực hiện dự án." - ông Hoàng nói về văn bản số 5594 có ý kiến của mình.

Theo bị cáo Hoàng, khi có nhà đầu tư mới, bản chất dự án không thay đổi, Sabeco vẫn là chủ đầu tư, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, quyền sử dụng đất và quyền làm chủ đầu tư lại bị chuyển từ Sabeco sang liên doanh Sabeco Pearl.

"Tôi không hề tham gia vào bất cứ hành vi nào liên quan đến quá trình này. Nguyên lãnh đạo Sabeco và cả bị cáo Phan Chí Dũng ngày hôm qua đều khẳng định tôi không có chỉ đạo nào trong khâu này." - ông Vũ Huy Hoàng quả quyết.

Về cáo buộc sau khi Sabeco chuyển giao quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl, ông Hoàng lại chỉ đạo ngay việc thoái vốn, cựu Bộ trưởng khẳng định bản thân không chỉ đạo cả hai hành vi trên.

"Việc thực hiện thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đề xuất của Sabeco, không phải lãnh đạo Bộ chỉ đạo xuống. Thực chất vấn đề thoái vốn từ phương án, phê duyệt, quyết toán xảy ra sau khi tôi bị miễn nhiệm. Lúc đó, tôi làm gì có tư cách, có khả năng, ai nghe tôi chỉ đạo? Viện Kiểm sát cáo buộc như thế là không phù hợp, không thực tế." - cựu Bộ trưởng phân trần.

Đối với cáo buộc đóng vai trò chính, ông Vũ Huy Hoàng phân tích: "Vai trò chính là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Trong quá trình này tôi chủ trì cái gì?

Chính thức tôi chỉ chủ trì phiên họp 29/3, xem xét chủ trương thoái vốn và xây dựng trụ sở mới cho Sabeco. Cuộc họp này cũng chỉ dừng ở chủ trương, định hướng. Tất cả việc liên quan đến dự án đều xuất phát từ đề xuất của cơ sở. Đây là quy trình từ dưới lên, không phải từ trên xuống, không phải áp đặt, chỉ đạo, duy ý chí!".

Kết lại, bị cáo Hoàng cho rằng, tội danh và định khung hình phạt VKS đề nghị đối với ông là quá nặng nề, không phù hợp tình hình thực tế. Cựu Bộ trưởng lo lắng, với tình trạng sức khỏe của mình, liệu ông có đủ thời gian chấp hành phán quyết của tòa án theo như đề nghị của VKS hay không?!