1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cuộc vật vã sinh tồn của cô gái trẻ ở quán massage đèn mờ

Thanh sinh ra trong một gia đình ở xóm nghèo bên bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Là chị cả trong gia đình có bốn đứa em còn nhỏ nên cô buộc lòng phải nghỉ học sớm. Cô ta cũng chẳng nhớ mình bỏ học từ năm lớp mấy.

Thành phố Vinh sau thời gian dài rời xa khiến trong tôi luôn có một sự cảm mến chân tình và sâu đậm. Đã 25 năm từ ngày gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống, tôi ít dần những lần trở lại.

Bản thân thì càng ngày càng già đi còn quê hương cũng đổi thay chóng mặt. So với những đồng nghiệp trong chuyến công cán thì họ còn rõ cái thành phố trẻ này hơn cả gã quê gốc trọ trẹ như tôi. Không những thế, còn chẳng dễ gì để theo kịp những kẻ chơi bời đó.

Nhiều lúc, tôi nghĩ, họ là thổ địa chứ không phải tôi sau hàng chục, hàng trăm lần đi rồi ở. Mỗi lần như vậy, người ta xa nhà dễ dàng bị vồ vập, bập vào vô cùng những thứ trên đời chẳng mấy tốt đẹp. Đó là những khu nhà massage, là những quán karaoke đèn mờ. Cái thành phố trẻ năng động giờ đây biến động khôn cùng về đêm, nhấn chìm trong nó những số phận lay lắt nhưng chẳng thể thoát được ra.

Tránh né mãi không thành, tôi ngại ngần chấp nhận đi cùng mấy cậu bạn tới quán massage thư giãn tại một chốn ăn chơi nổi tiếng ở thành Vinh, khách sạn HK. Phần là vì cũng không muốn bạn bè mất vui, phần cũng vì tò mò muốn xem thử người ta sẽ làm gì trong cái chốn vốn chưa bao giờ đặt chân tới đó.

Trước khi bước vào, anh bạn căn dặn: “Đừng nghe bọn nó kể, việc mình giải trí mình cứ giải trí thôi”. Tôi ù ờ gật gù. Ừ thì cũng biết là phụ nữ cái chốn này rốt cuộc cũng chỉ muốn một mục đích, đó là tiền mà thôi. Tôi chẳng có ý phủ nhận gì cả. Nhưng họ cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng là vì cuộc sống cả thôi.

Nói thì nói vậy, nhưng khi bước vào cái nơi đèn mờ heo hắt này, chốc chốc lại có vài ba cô nàng ăn mặc hở hang lướt ngang qua rồi cũng sởn tóc gáy đối với những vị khách nào lần đầu tiên lui tới. Mấy anh bạn chào hỏi, đưa đón rất nhiệt tình, các cô cũng chẳng ngần ngại hồi đáp một cách thẳng tuột. Có cảm giác họ quen và thân thiết với nhau lắm. Nhưng thực ra, cũng chỉ là quan hệ khách hàng, nhạt toẹt và ngắn gọn tới nghiệt ngã.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tục massage ở đây chắc cũng giống như bao chốn khác, cả người chủ lẫn khách đều rất thản nhiên và nhanh chóng. Một phòng bình thường sẽ mất một vé với giá 160 nghìn đồng, nếu muốn phòng Vip sẽ đắt hơn kha khá nhưng bù lại, “dịch vụ” sẽ tốt hơn rất nhiều. Sau đó, mỗi người một phòng. Vội vã nhưng cẩn trọng, tôi rụt rè bước vào phòng 204 ở ngay bên cạnh với những tò mò lớn dần lên trong đầu.

Căn phòng nhỏ, hẹp nhưng đặt đủ một cái giường được kê cao bên cạnh một chiếc gương lớn. Đợi một lúc thì cô gái bước vào, giọng nói ngọt như mía lùi, đậm chất miền Tây và đầy tình cảm. Cô ta da ngăm ngăm, khuôn mặt cá tính trang điểm nhẹ. Điều đặc biệt là cô ta như được tôi luyện để nhìn chằm chằm vào mắt tôi không chút sợ sệt.

Vậy mà trước đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ, những con người làm nghề đèn mờ này thường xấu hổ, thường tủi thân cho cái cuộc sống của họ. Nhưng nghĩ lại cũng hợp lý mà thôi. Họ phải chấp nhận rồi, phải ngang nhiên mà sống. Sự sợ hãi, xấu hổ chẳng đem lại cho họ được tích sự gì, huống hồ còn bao nhiêu thứ sống khác phải lo liệu.

Hoá ra, người ôm nỗi sợ hãi lại là tôi. Phần vì cũng sĩ diện, phần vì cũng không biết quy trình của những cuộc ăn chơi massage này ra sao, tôi khá rụt rè chào hỏi và không dám đưa ra bất cứ yêu cầu gì. Cô ta thì nói liên tục, hết giới thiệu về bản thân rồi lại bông đùa, cười cợt. Giọng nói thì nhẹ nhàng tình cảm như thể gặp nhau hàng bao lần trước đây. Rồi cô ta bắt đầu đấm bóp. Nói cho cùng thì khả năng đấm lưng bài bản của cô gái này không tốt một chút nào.

Trước đây tôi từng đi massage ở một cơ sở trị liệu nổi tiếng ở Hà Nội và tất nhiên là trong sáng. Còn ở cái nơi này thì người ta vào để đòi hỏi thứ khác chứ đâu cần ba cái vụ massage nghiêm chỉnh vì sức khỏe. Thôi thì diễn biến tiếp theo ra sao, có lẽ phải chờ cô gái này đưa đẩy theo đúng như những gì mà công việc hàng ngày cô vẫn thường làm vậy.

Em tên là Thanh, quê ở Ninh Kiều, Cần Thơ. Tôi cũng đã tới Cần Thơ, cũng đã ăn tối tại bến Ninh Kiều và tôi cũng hiểu rõ cái cuộc sống nơi đây, con người nơi đây. Một điều mà giới ăn chơi massage vẫn luôn đồn đại rằng các cô gái làm nghề này chủ yếu đến từ miền Tây sông nước. Lý do đơn giản thôi: họ có một giọng nói mật ngọt chết ruồi và sự chiều chuộng khiến đàn ông ngoài Bắc phải chết mê chết mệt. Thanh cũng không nằm ngoại lệ. Cô ta trông già hơn so với tuổi Kỷ Tỵ, cái tuổi mà Thanh công khai với tôi còn thực hư ra sao, chỉ có cô nàng mới biết.

Thấy tôi ít nói, Thanh cũng ngạc nhiên vì hầu như đàn ông đến đây đều rất mồm mép và cũng thích được nghe những lời có cánh. Đoạn lâu lâu, cô ta ngừng lại, ít nói hơn. Tôi thắc mắc. Thì ra, Thanh đang sợ. Cô ta hỏi: “Anh có giận gì sao? Anh không hài lòng với em à?”. Nghe cứ tưởng một chủ quán lo lắng làm phật lòng khách nhưng thực ra, cô ta sợ không được tiền bo. Tôi đoán với cái vé trị giá 160 nghìn đồng thì phần của những nhân viên “phục vụ trực tiếp” này chắc chẳng được bao nhiêu, thậm chí không có.

Vậy thu nhập chính của các cô là tiền được khách bo, đôi khi còn phải trích lại cho chủ. Điều đó cũng có nghĩa, nếu khách không vui thì chẳng có gì hết, thậm chí còn họa vào thân không chừng. Thế rồi cô ta đòi kiểm tra “khả năng đàn ông” của tôi. Giật mình từ chối, tôi biết ý hứa sẽ thưởng tiền như bao người khác vẫn làm rồi tiếp tục tâm sự và trò chuyện liên tục để Thanh yên tâm, thoải mái kể hết những gì tôi muốn được nghe.

Thanh sinh ra trong một gia đình ở xóm nghèo bên bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Là chị cả trong gia đình có bốn đứa em còn nhỏ nên cô buộc lòng phải nghỉ học sớm. Cô ta cũng chẳng nhớ mình bỏ học từ năm lớp mấy. Chỉ biết, giờ Thanh đọc viết còn chưa ổn lắm, chỉ đủ để người ta không lừa cô ký phải cái hợp đồng đau đớn nào khác mà thôi.

Ra ngoài đời từ sớm khiến cô gái trẻ chẳng mấy chốc bị gục ngã trước những cám dỗ giăng đầy. Thanh theo bạn bè học nghề cắt tóc gội đầu rồi sa chân vào nghề massage đèn mờ. Cơn lũ số phận kéo cô gái tít miền Tây xa xôi ra tận Hà Nội. Thanh kể cuộc sống của cô những ngày tháng tha hương thật như địa ngục “Thủ đô có nhiều đàn anh, đàn chị quá. Em thì trẻ con chẳng sống nổi. Giờ em đành phải bỏ mà đi, đến tỉnh lẻ đôi khi còn dễ sống hơn”.

Tiền nợ chi phí đi lại ăn ở suốt mấy năm trời trả mãi mà không hết, chỉ đến khi một người khác đồng ý chuộc cô để đưa về cái khách sạn HK ở Vinh bây giờ, Thanh mới nhẹ đi nhiều phần. Sống mà như cái nợ đời. Sống mãi rồi cũng thấy khổ đau ít đã là hạnh phúc. Ở Vinh, dù cũng chẳng tốt đẹp gì với cái nghề đó, Thanh nói, nhưng dù sao em cũng thoải mái sinh tồn hơn, Hà Nội bọn chen, chèn ép khủng khiếp quá.

Em kể người bạn thân trong những ngày lưu lạc ở Thủ đô vừa mới nhập viện cấp cứu. Nghe tin mà bàng hoàng, cô gái còn thua Thanh 2 tuổi bị đánh tới ngất xỉu vì dám trốn đi. Hàng trăm vết bầm tím trên người cùng những giọt nước mắt chảy ngược. Giờ một đống nợ chồng lại chồng thêm một đống nợ khác, bao giờ cho tìm lại cuộc đời…

Tôi hỏi Thanh sao không tích góp mà thoát ra khỏi đây. Thanh nói cô ta sắp trả hết nợ rồi. Suy nghĩ hồi lâu cô tiếp tục: “Xong rồi em biết làm gì, Còn nghề nào khác để sống? Có trả hết nợ cũng chẳng biết đi đâu về đâu. Tiền không có, người thân cũng không có. Có nhà mà đâu phải cứ muốn là về”.

Đã hàng bao năm rồi Thanh chưa về quê. Phần vì mỗi lần về sẽ tiêu tốn số tiền lớn, phần về cũng chẳng có tiền gửi cho gia đình. Rốt cuộc cũng chỉ là một cuộc dạo chơi chóng mặt để rồi lại trở về với cái cuộc đời thật sự, một cái nghề thật sự nuôi sống bản thân và số phận cô. Nỗi đau trần trụi pha lẫn những sắc màu ngột ngạt trong lời nói của cô gái vốn đã không còn e ngại trước vị khách kì lạ là tôi.

Tôi hỏi Thanh mỗi lần khách vào phòng sẽ được “vui vẻ” trong bao nhiêu thời gian, cô ta nói anh tiêu hết gấp đôi rồi… Cô gái đó có lẽ ít khi được nói theo kiểu này, toàn những lời sáo rỗng và vô ích. Cô ta chẳng được gì thậm chí còn chuốc lấy cái nỗi đau về thân phận. Vậy mà Thanh chẳng thèm đá đít ngay cái kẻ đang cố tình đánh thức phần người khổ đau trong cô.

Tạm biệt Thanh, tôi bước ra khỏi phòng với ánh mắt ngưỡng mộ đến từ hai anh bạn đang ngồi chờ ở ngoài. Hai người bọn họ hết tán tụng vì sao tôi “giải trí” lâu đến vậy rồi lại sang bàn tán chủ đề về những cô gái trong phòng của mỗi người. Kèm theo đó là những tràng cười hả hê, còn tôi thì bất giác rợn người.

Âu cũng có luật nhân quả, có cho có nhận, đôi bên đều đạt được mục đích… nhưng sao mà đau đớn. Nhưng rồi khách cũng phủi áo đi ra, chủ cũng đóng sập cửa lại. Khóc hay cười hay hỉ nộ ái ố rồi cũng như số phận những cô gái đó thôi.

Chẳng biết phần trăm câu chuyện Thanh nói với tôi kèm theo nước mắt thật được bao nhiêu hay chỉ là một trong hàng nghìn, hàng trăm câu chuyện rút cảm thương của người khác nhưng chỉ biết, sự thật trần trụi nhất vẫn chính là cuộc đời mà họ phải sống, phải leo lắt, phải vật vã sinh tồn

Theo Lan Ngọc

CAND