1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cuộc giao kèo tiền tỷ giữa đại tá cảnh sát biển với "trùm" buôn lậu

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Đại tá Phùng Danh Thoại - Trưởng phòng xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - đã góp 5 tỷ đồng vào đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, trị giá gần 2.800 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn tất cáo trạng trong vụ án Buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm.

14 bị cáo của vụ án có liên quan đến đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam do bị can Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh - cầm đầu.

Đại tá Cảnh sát biển tham gia đường dây buôn lậu

Theo cáo trạng, đầu năm 2019, tàu Glory của Phan Thanh Hữu (65 tuổi ,ở TPHCM) bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ vì vận chuyển lậu 1,7 triệu lít dầu DO. Hữu đã nhờ Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ở TPHCM) tìm mối quan hệ để giúp Hữu không bị xử lý hình sự. Do có mối quan hệ trước với Đại tá Phùng Danh Thoại - Trưởng phòng xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vì vậy Viễn đã trực tiếp dẫn Hữu đến gặp Thoại để nhờ Thoại xử lý vụ tàu Glory nhưng Thoại từ chối  vì không có khả năng giúp Hữu, từ đó Hữu và Thoại quen biết nhau.

Sau khi Thoại và Hữu quen biết nhau, với ý định lợi dụng ảnh hưởng của Thoại đối với lực lượng Cảnh sát biển để thuận lợi trong quá trình thực hiện hành vi buôn lậu, Viễn đã nhiều lần rủ Thoại tham gia góp vốn để kinh doanh xăng dầu cùng mình và Hữu. Viễn đề nghị Thoại góp 5 tỷ đồng để làm vốn mua hàng, lợi nhuận chia vài tỷ đồng/năm. Vì lợi nhuận thu được rất lớn từ hoạt động buôn lậu xăng dầu, Thoại không làm chủ được bản thân nên đã đồng ý góp vốn với Viễn và Hữu để tổ chức buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Cuộc giao kèo tiền tỷ giữa đại tá cảnh sát biển với trùm buôn lậu - 1

Cảnh sát vũ trang bao vây, khám xét trụ sở Công ty TNHH Hà Lộc, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất TP Vũng Tàu, sáng 21/10/2021, trong quá trình mở rộng điều tra đường dây của Hữu. (Ảnh: CTV).

Từ tháng 5 đến tháng 7/2019, Thoại đã chuyển cho Viễn số tiền 5 tỷ đồng để góp vốn cùng với Phạm Hùng Cường (56 tuổi, ở TP Hải Phòng) và đối tượng Trọng "dầu" (chưa rõ nhân thân lai lịch) góp vốn với Phan Thanh Hữu để mua xăng  dầu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ và ăn chia theo tỷ lệ 60-40%, trong đó Hữu 40%, nhóm của Viễn 60% (tổng vốn là 53,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Viễn, Cường không nói cho Thoại biết về việc Thoại có cổ phần bao  nhiêu phần trăm trong nhóm và có bao nhiêu người cùng tham gia.

Đến tháng 4/2020, khi Thoại, Viễn, Cường gặp Hữu ở TP Hải Phòng để bàn bạc, thống nhất giá cước thuê tàu  vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Thoại được xem bảng kê chi phí của Hữu gồm: Giá nhập xăng, chi phí thuê tàu, chi phí hối lộ cho các cá nhân thuộc lực lượng chức năng trong phòng, chống buôn lậu, giá bán xăng, lợi nhuận thu được hàng tháng. Từ đó Thoại đã chính thức biết được trong nhóm mua xăng dầu lậu từ Singapore vận chuyển về tiêu trong nước có Viễn, Hữu và Cường.

Hữu, Viễn, Cường và Thoại đã thỏa thuận, thống nhất các chi phí vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam: Tàu Pacific Ocean có tải trọng nhỏ chở được khoảng 3 triệu lít xăng nên Viễn tính phí vận chuyển là 1,6 tỷ đồng/chuyến; còn tàu Nhật Minh nhận xăng từ tàu Pacific Ocean để vận chuyển vào đất liền tiêu thụ là 1 tỷ đồng/lần. Tương tự, tàu Western Sea chở được khoảng hơn 5 triệu lít xăng nên tính cước phí vận chuyển là 2,6 tỷ đồng/chuyến; các tàu Nhật Minh là 1,8 tỷ đồng/lần.

Số tiền thu được từ bán xăng nhập lậu vào Việt Nam sau khi trừ chi phí vận chuyển nêu trên và chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân trong cơ quan chức năng (quân đội, hải quan, công an…) Hữu hưởng 40% lợi nhuận; Viễn, Cường, Thoại hưởng 60% lợi nhuận.

Cáo trạng còn cho biết, Viễn trực tiếp điều động 2 tàu biển chuyên dụng chở xăng dầu do Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng của Viễn đứng tên sở hữu để vận chuyển xăng  dầu Singapore về vùng biển Việt Nam. Hai tàu này được neo  đậu tại vùng biển OPL (vùng biển tự do, giáp ranh các nước Singapore, Malaysia, Indonesia), khi được Viễn chỉ đạo thì Nguyễn Minh Khoa - Giám đốc Công ty TNHH VTB Thuận Phát - sẽ thông báo thời gian, thông tin đại lý cho thuyền trưởng điều tàu di chuyển vào cảng Vopak ở Singapore để liên lạc với  đại lý nhận xăng vận chuyển về vùng biển Việt Nam giao cho các tàu Nhật Minh 07, Nhật Minh 08, Nhật Minh 09 của Phan Thanh Hữu đưa vào sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và một số tàu  khác đưa vào Khánh Hòa tiêu thụ.

Mỗi tháng, tàu Pacific Ocean và Wetern Sea vận chuyển từ 3-6 chuyến, mỗi chuyến từ 3,8 triệu đến 5 triệu lít xăng. Sau khi tiêu thụ xăng xong, hàng tháng Hữu lập bảng kê chi phí, lợi  nhuận rồi in ra và gửi chuyển fax nhanh cho Cường tại Hải Phòng để Cường chuyển cho Viễn và đối chiếu. Sau khi thống nhất, Hữu yêu cầu Phan Lê Hoàng Anh (33 tuổi, con ruột của Hữu) sử dụng tài khoản của Phan Lê Hoàng Anh chuyển tiền vào tài khoản cho Phạm Hùng Cường để nhóm của Cường, Viễn, Thoại tự chia  nhau.

Đại tá Phùng Danh Thoại được chia hơn 22 tỷ đồng từ hoạt động buôn lậu 

Kết quả điều tra xác định: Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường, Trọng "dầu" và Phùng Danh Thoại buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, trong đó đã tiêu thụ hơn 196  triệu  lít, số lượng xăng hơn 2,5 triệu lít chưa kịp tiêu thụ thì bị Cơ  quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ. Căn cứ kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai xác định, tổng giá trị hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III là gần 2.800 tỷ đồng.

Thông qua việc thực hiện hành vi buôn lậu với số lượng xăng nói trên, Phan Thanh Hữu đã được hưởng 105 tỷ đồng, tương đương 40%; nhóm Viễn, Cường,  Thoại, Trọng "dầu" hưởng 60%,  tương đương số tiền là hơn 157 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Phùng Danh Thoại đã góp vốn buôn lậu xăng từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020, khi Viễn nhận được tiền chia lợi nhuận từ Hữu, hàng tháng chuyển đến tài khoản của Phạm Hùng Cường, Viễn chủ động gọi Thoại xuống Hải Phòng để đưa tiền mặt cho Thoại. Thời gian, địa điểm đưa không cố định,  nhưng thường Viễn đưa tiền cho Thoại tại quá cà phê gần công ty Viễn. Khi Viễn chia tiền lợi nhuận cho Thoại, Viễn không nói cho Thoại biết cụ thể số tiền lợi  nhuận trong tháng của cả nhóm nên Thoại không biết số tiền Thoại được  chia tương ứng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận của cả nhóm.

Cuộc giao kèo tiền tỷ giữa đại tá cảnh sát biển với trùm buôn lậu - 2

Lực lượng chức năng kiểm tra xăng lậu tại thời điểm triệt phá đường dây buôn lậu xăng "khủng" do Phan Thanh Hữu cầm đầu. (Ảnh: CTV).

Thoại xác định được Viễn chia lợi nhuận 16 lần (tương ứng 16 tháng), lần ít nhất là 250 triệu đồng (tháng 9/2020), lần nhiều nhất là 3,4 tỷ đồng (tháng 12/2020), tổng cộng Thoại đã được Viễn chia cho số tiền 18,3 tỷ đồng. Ngoài 16 lần được Viễn chia lợi nhuận, tháng 2/2020 Thoại còn yêu cầu Viễn, Hữu chuyển cho Thoại 4 tỷ đồng vào tài khoản Công ty TNHH ô tô Bắc Âu Hà Nội để Thoại thanh toán tiền mua ô tô Volvo XC90. Như vậy, tổng số tiền Phùng Danh Thoại hưởng lợi do nhóm buôn lậu của Viễn, Hữu chia cho là 22,3 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, Phùng Danh Thoại đã nhận thức được sai lầm của mình và chủ động nộp 16,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Để thực hiện được việc buôn lậu xăng dầu với số lượng  lớn, trong thời gian dài mà không bị bắt giữ, các đối tượng Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ thống nhất phải chi hối lộ hàng tháng cho các cá nhân thuộc lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông… toàn bộ số tiền chi hối lộ được lấy từ nguồn tiền mà các đối tượng đã thực hiện việc buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức bắt giữ, triệt phá đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, do Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn và Nguyễn Hữu Tứ cầm đầu; đã khởi tố 75 bị can với nhiều tội danh, trong đó khởi tố Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Nguyễn Hữu Tứ, Phan Lê Hoàng Anh về tội Buôn lậu.