CQĐT kêu gọi những người "giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn" ra tự thú

Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi, những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng.

Bị can Dương Chí Dũng
Bị can Dương Chí Dũng 
Ngày 5/9, Bộ Công an đã có thông báo chính thức về việc bắt giữ bị can Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Bị can Dương Chí Dũng đã bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165, Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Được biết, sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, cơ quan điều tra triển khai thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, chiều 17/5, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.

 

Ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Hàng không, các hãng hàng không, bến cảng, hải cảng để phong tỏa việc trốn chạy của bị can trên tất cả các ngả đường, từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không…

 

Tại thời điểm đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng đã thành lập Ban chuyên án do Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Cục phó làm Trưởng ban để truy bắt "nóng" đối tượng. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động đối tượng ra đầu thú, nhưng không có kết quả. Ngày 18/5/2012, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát Lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

 

Tiếp theo, để quyết liệt truy bắt đối tượng, ngày 31/5, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập Ban chuyên án cấp Bộ, do Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm làm Trưởng ban, huy động các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng Công an toàn quốc tham gia truy bắt đối tượng. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Ban chuyên án đã kêu gọi quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, hỗ trợ và phối hợp với lực lượng Công an.

 

 Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 14/6, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, lực lượng Công an đã triển khai rất khẩn trương những biện pháp truy bắt, truy nã đối với  Dương Chí Dũng. Tại phiên họp lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy nã, kịp thời bắt bị can Dương Chí Dũng để xử lý trước pháp luật.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, sau một thời gian khẩn trương tiến hành các biện pháp truy bắt, ngày 4/9, cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt giữ được Dương Chí Dũng.  Hiện nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi, những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng.

 

Ngay sau khi bắt được Dương Chí Dũng, đồng chí Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích bắt giữ Dương Chí Dũng.
 
Hành vi phạm tội của bị can Dương Chí Dũng liên quan đến việc mua ụ nổi 83M và phê duyệt dự án nhà máy SCTB phía Nam. Cụ thể, khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án xây dựng nhà máy SCTB phía Nam vào quy hoạch thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã vội phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy SCTB tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi. Tiếp đó, ngày 17/7/2008, ông Mai Văn Phúc - Tổng Giám đốc ký văn bản trình và được ông Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt chính thức, trong đó tổng mức đầu tư là 6.489 tỷ đồng.

Và trước đó 1 năm, trong khi dự án xây dựng nhà máy mới ở giai đoạn đầu triển khai, chưa được giao mặt bằng thì ngày 1/10/2007, ông Trần Hữu Chiều- Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban QLDA ký văn bản đề nghị, ông Mai Văn Phúc ký văn bản trình và sau đó được ông Dương Chí Dũng ký Quyết định số 1003/QĐ-HĐQT phê duyệt mua ụ nổi 83M, sản xuất năm 1965 (42 tuổi), sức nâng 25.000 tấn với tổng mức đầu tư là 14,136 triệu USD (trong đó chi phí mua, sửa chữa tại Nga, cước vận chuyển là 12,5 triệu USD).

Sau đó, Vinalines lại không thực hiện theo phương án này, mà điều chỉnh sang phương án hai là mua ụ nổi tại Nga, rồi vận chuyển về Việt Nam, sau đó mới tiến hành sửa chữa, khiến chi phí thực tế đội lên đến 24,3 triệu USD. Đây là một ụ nổi cũ, bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, đã bị cơ quan Đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu, trái với Nghị định 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Và mặc dù khi mua về và đem sửa chữa nhưng đến nay, ụ nổi 83M vẫn không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam (!).

Đến nay, tổng số tiền Vinalines đã phải chi cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi, lãi vay ngân hàng và một số khoản chi phí khác hết tổng là 480 tỷ đồng. Tính đến tháng 4/2010, Vinalines phải chi 30 tỷ đồng tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại Cảng Gò Dầu và hơn 70 tỷ đồng tiền trả lãi vay Ngân hàng cho khoản tiền mua, sửa chữa ụ nổi 83M, nâng tổng thiệt hại lên đến 100 tỷ đồng.

Hành vi của các bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều là trái ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trái quy định tại Nghị định 49/2006/NĐ-CP ngày 18/5/2006, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. Chính vì vậy, ngày 17/5, cơ quan CSĐT đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 3 ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều về tội danh trên.

 

Theo Nhóm Phóng viên

Công an Nhân dân