1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Công khai xin lỗi cụ ông 2 lần bị kết án tử

(Dân trí) - Sáng nay (11/8), Liên ngành Tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm – người đã 2 lần bị kết án tử - tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đến dự có ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án thường trực, TAND Tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng trung ương, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, chính quyền địa phương, ông Trần Văn Thêm và người thân.


Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng hoa cụ Thêm trong ngày xin lỗi công khai và công bố quyết định đình chỉ điều tra

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng hoa cụ Thêm trong ngày xin lỗi công khai và công bố quyết định đình chỉ điều tra

Thay mặt cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Đại tá Đoàn Tất Kỉnh đọc kết luận điều tra. Theo đó, năm 1970, cụ Trần Văn Thêm khi đó 34 tuổi cùng người em họ tên Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Cụ Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người.

Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, cụ Thêm kêu oan. Đến năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc điều tra lại vẫn chưa được thực hiện, về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Gần nửa thế kỷ qua, cụ Thêm sống với nỗi oan sai khổ nhục, là tù nhân giết em để cướp của.

Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.

Đến năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan, do cụ Thêm và Luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét để có quyết định cuối cùng cho ông Trần Văn Thêm trong thời gian sớm nhất.

Ông Đoàn Tất Kỉnh khẳng định, đây là văn bản pháp lý xác định ông Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.

Người thân của cụ Nguyễn Văn Thêm đưa cụ đến dự buổi xin lỗi công khai
Người thân của cụ Nguyễn Văn Thêm đưa cụ đến dự buổi xin lỗi công khai

Tiếp đó, ông Trần Văn Tuân, Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đọc lời xin lỗi công khai đối với ông Trần Văn Thêm. Bản xin lỗi khẳng định mặc dù ông Thêm không xuất trình được đầy đủ các giấy tờ, do hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh, chia tách tỉnh nên một số tài liệu không còn, tuy nhiên sau đó Bộ công an đã tìm được một số tài liệu, trên cơ sở đó liên ngành tố tụng đã họp ngày 13/4/2016. Đến ngày 8/8, cơ quan cảnh sát điều tra BCA kết luận có đủ căn cứ xác định bị can Thêm không thực hiện hành vi giết ông Văn nên đình chỉ điều tra.

Ông Tuân khẳng định, đây là lỗi của các cơ quan tố tụng trực tiếp điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm từ năm 1970. “TAND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao tại Hà Nội, cơ quan CSĐT Bộ công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình theo quy định. Chúng tôi xin chân thành xin lỗi ông và rút kinh nghiệm…, ngay sau ngày hôm nay, sẽ khẩn trương thực hiện Luật bồi thường, công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường theo quy định”.

Ông Trần Văn Thêm nói tại buổi xin lỗi: “Tôi bị bắt giam và tuyên án tử hình năm 1974 là bị oan, được các cơ quan xác nhận là vô tội. Tôi xin cảm ơn lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiếm sát nhân dân tối cao. Tôi biết ơn ông Hòa, ông Lợi đã không quản ngại khó khăn tìm hiểu bản án, nhân chứng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết oan sai cho tôi mới có được ngày hôm nay. Xin bà con làng xã quê hương, con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua để từ nay về sau các cháu, con, anh em tại 2 gia đình gắn kết tình cảm như trước đây.

Bá Đoàn