1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

“Cõng” 2 lệnh truy nã, trốn gần 2 thập kỷ vẫn không thoát

(Dân trí) - Sau khi bỏ trốn, Chung lưu lạc đến Phú Quốc rồi về Cần Thơ, thay đổi tên họ, đón vợ con vào sinh sống. Gần 20 năm trôi qua, tưởng không ai còn nhớ đến mình nữa thì chiếc còng số 8 bập vào tay khi Chung đang sơn sửa nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Mang lệnh truy nã đi vận chuyển ma túy

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tình trạng mua bán trái phép thuốc phiện từ Lào qua các huyện miền Tây Nghệ An hết sức nhức nhối. Nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia bị triệt phá, nhiều ông trùm bị "xộ khám", thậm chí phải lĩnh án tử hình nhưng dường như lợi nhuận khổng lồ từ thứ hàng hóa này vẫn có sức cám dỗ khủng khiếp đối với những kẻ mong làm giàu nhanh chóng mà không phải mất quá nhiều sức lao động, trong đó có Trần Đình Chung (SN 1965, trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An).

Kẻ mang 2 lệnh truy nã Trần Đình Chung vừa bị PC52 Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ sau gần 20 năm chạy trốn.
Kẻ mang 2 lệnh truy nã Trần Đình Chung vừa bị PC52 Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ sau gần 20 năm chạy trốn.

Thời điểm đó, Chung là phụ xe tuyến Quế Phong – Vinh. Khi được một đối tượng gợi ý vận chuyển thuê ma túy từ huyện vùng biên này về TP Vinh với món tiền lớn, bằng cả năm trời làm phụ xe, Chung không ngần ngại gật đầu. Chung dấu 25kg thuốc phiện trà trộn vào số hàng hóa trên xe để về xuôi.

Khi đến địa phận ngã ba Tuần (thuộc xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra hành chính chiếc xe và phát hiện số lượng lớn ma túy. Trong lúc hỗn loạn thì phụ xe Trần Đình Chung nhảy xuống xe, lẩn vào khu rừng bên cạnh và biến mất.

Tháng 8/1997, cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Trần Đình Chung và tổ chức lực lượng truy tìm nhưng không có kết quả.

Lại nói về Trần Đình Chung, sau khi biến mất khỏi Nghệ An, gã dạt vào Hà Tĩnh, tiếp tục hành nghề phụ xe, kiêm vận chuyển ma túy. Năm 1998, vỏ bọc của Chung bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bóc mẽ nhưng một lần nữa, gã lại nhanh chân hơn, biến mất không để lại dấu vết. Năm 1998, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định truy nã Trần Đình Chung về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Thay tên, đổi phận vẫn không thoát

Sau khi gánh trên mình 2 lệnh truy nã, Trần Đình Chung “dông” một mạch vào tận Phú Quốc ẩn náu, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình. Chín năm sau, thấy tình hình có vẻ êm, gã ngược lên Cần Thơ, xin vào phụ hồ cho một tốp công nhân xây dựng với cái tên Trần Văn Dung. Ổn định công việc, Chung âm thầm đón vợ con vào.

Hàng ngày Chung đi xây, vợ đi làm công nhân. Tối về cả nhà quây quần trong căn nhà thuê nhỏ nhỏ. Chắt bóp mãi, gã cũng mua được mảnh đất con con, dựng được căn nhà của riêng mình và chung sống hòa thuận với hàng xóm láng giềng. Không biết bằng cách nào đó, Chung nhập được hộ khẩu vào phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) với cái tên Trần Văn Dung.

Dưới vỏ bọc một người phụ xây hiền lành, chăm chỉ, không ai có thể ngờ Chung là đối tượng đang bị công an hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh truy nã gắt gao.

Bàn tay nhúng chàm của tên tội phạm trốn lệnh truy nã trong vỏ bọc gã thợ xây hiền lành.
Bàn tay nhúng chàm của tên tội phạm trốn lệnh truy nã trong vỏ bọc gã thợ xây hiền lành.

Trong khi Chung tưởng số phận mình đã bị lãng quên thì các trinh sát thuộc Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Nghệ An vẫn kiên trì lần tìm từ những manh mối nhỏ nhất. “Cái khó nhất là đối tượng đã trốn quá lâu, hình dạng bên ngoài có thể đã thay đổi trong khi anh em chưa ai từng tiếp xúc để có thể nhận dạng. Bên cạnh đó, Chung đã cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình, thậm chí khi bố mất, đối tượng vẫn không về chịu tang”, Trung tá Vũ Quốc Bảo – Đội trưởng Đội truy bắt số 3, PC52 Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

Nguồn tin cơ sở cung cấp cho thấy, tại Cần Thơ, người thợ xây Trần Văn Dung có đặc điểm nhận dạng giống với đối tượng truy nã Trần Đình Chung. Từ thông tin ít ỏi đó, các trinh sát PC52 lập tức lên đường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nhận định Dung chính là Chung mặc dù hình dáng bên ngoài đã thay đổi rất nhiều.

Dù chiếm được cảm tình của hàng xóm láng giềng nhưng Chung rất kín tiếng và hết sức cảnh giác, bởi vậy việc tiếp cận đối tượng rất khó khăn. “Nếu lần này không bắt được Chung, có thể đến 19 năm sau cũng khó có thể bắt”, Trung tá Bảo nhận định. Tổ trinh sát Đội 3 vẫn âm thầm mật phục, theo dõi từng động thái của đối tượng.

Sáng ngày 23/12/2016, vợ con Chung lần lượt ra khỏi nhà nhưng Chung không thấy xuất hiện. Các trinh sát bắt đầu lo lắng, có khi nào đối tượng “đánh hơi” được và đã nhanh chân biến mất lần nữa? Sự căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt, đôi mắt vẫn dán chặt vào cánh cửa đang đóng im ỉm.

Cánh cửa bật mở! Các trinh sát thở phào nhẹ nhõm khi Chung cầm xô sơn tiến ra cổng để sơn lại hàng rào, chuẩn bị đón Tết.

Lệnh phá án được bí mật phát ra. Các trinh sát tiếp cận đối tượng. “Chúng tôi là cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An. Trần Đình Chung, anh đã bị bắt!”, tiếng Trung tá Bảo nhỏ nhưng đanh gọn, đủ để đối tượng nghe thấy nhưng không làm kinh động những gia đình xung quanh.

Đáp lại là khuôn mặt bình thản, có phần ngơ ngác của đối tượng: “Các ông nhầm rồi, tôi là Dung, không phải Chung”. Thế nhưng đôi mắt bình thản đó bắt đầu lộ vẻ hoang mang rồi cụp xuống khi lực lượng chức năng đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi để chứng minh nhân thân tên tội phạm mang hai lệnh truy nã đã được thay tên, đổi phận.

Gã run run đưa hai bàn tay còn lấm lem màu sơn vào chiếc còng số 8 đã mở sẵn. “Tôi tưởng các ông đã quên tôi rồi”, Chung nói rồi lầm lũi bước ra xe mà không kịp từ biệt vợ con.

“Khi bị bắt, Trần Đình Chung rất hoang mang, sợ hãi nhưng được động viên đã dần dần bình tâm lại. Chặng đường cả nghìn cây số từ Cần Thơ về Nghệ An, Chung cũng mở lòng tâm sự với các trinh sát. Chung bảo ngót 20 năm qua, chưa đêm nào được ngủ ngon giấc, chỉ một tiếng động nhỏ thôi cũng khiến gã choàng bật dậy, sợ hãi và ngồi cho đến sáng.

Cũng có những thời điểm Chung tính đến chuyện đầu thú nhưng nghĩ tới 3 đứa con đang tuổi ăn học và nỗi sợ hãi phải trả giá nên Chung không dám về. Ngày hay tin cha mất, gã đã khóc rất nhiều nhưng đành chịu tiếng bất hiếu khi không thể về thắp cho cha nén hương tạ tội”, Trung tá Vũ Quốc Bảo kể.

Hoàng Lam