1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Con gái phải xin lỗi cha ruột vì “trộm” tro cốt và bài vị

(Dân trí) - Tòa buộc người con gái mang hũ cốt và hai bài vị của ông bà đi thủy táng phải xin lỗi và cam kết không tiếp tục xúc phạm cha ruột cùng gia đình.

Ngày 3/6, TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án đòi lại tài sản và xin lỗi công khai. Nguyên đơn là ông L.V.T. (sinh năm 1945, ngụ quận 9) và bị đơn là bà L.T.N.A. (con gái ông T. ngụ quận 2).

Theo nội dung vụ án, ông T. là con duy nhất trong gia đình. Sau khi cha mẹ mất, ông làm lễ hỏa táng, đem tro cốt gửi ngôi chùa ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Sau đó, ông T. và bà A. xảy ra mâu thuẫn.

Đầu tháng 9/2018, bà A. đến chùa lấy tro cốt và bài vị ông bà nội mang đi. Ông T. nhiều lần yêu cầu trả nhưng con gái không chịu, còn có lời lẽ xúc phạm, đe dọa làm cuộc sống của ông xáo trộn. Do vậy ông nộp đơn kiện đến TAND quận 2, buộc con gái trả lại các di vật, xin lỗi công khai và chấm dứt xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa vợ ông.

Sau thời gian đi tìm, ông đã thấy hũ cốt của mẹ, còn 2 bài vị bằng đá và bảng tên hũ cốt của cha không biết ở đâu.

Trong phiên tòa sơ thẩm, ngoài việc giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, ông đề nghị tòa buộc con gái không được đến nhà ông và ngôi chùa đặt tro cốt.

Bà A. không dự tòa. Trong bản tự khai, bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện vì cho rằng cha mình đã lấy lại hũ cốt bà nội. Còn hai bài vị và bảng tên trên hũ cốt ông nội, bà đã đem thủy táng ở sông Đồng Nai.

HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, theo phong tục của người Việt, trách nhiệm và quyền thờ cúng cha mẹ giao cho con trai cả. Ông T. là con trai duy nhất nên có quyền quản lý đối với bài vị và hài cốt cha mẹ mình với mục đích thờ cúng.

Do đó, việc bà A. tự ý đến chùa lấy hũ tro cốt và bài vị mà không được ông T. đồng ý là trái đạo lý, phong tục tập quán. Bà A. đã tự ý lấy bài vị ra khỏi chùa thì được coi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu những di vật trên.  Ông T. bỏ tiền ra mua bài vị, trực tiếp gửi lên chùa nên có quyền sở hữu những di vật này. Bà A. phải có trách nhiệm hoàn trả hoặc bồi thường trong trường hợp nguyên đơn có yêu cầu.

Theo HĐXX, pháp luật hiện hành không có quy định về việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với bài vị là vật thờ cúng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 113 Bộ luật Dân sự, bài vị được coi là vật đặc định, không có vật thay thế.

Bà A. khai bài vị được thủy táng ở sông Đồng Nai, ông T. lại không chứng minh được những di vật này đang tồn tại hay bị chiếm giữ. Do vậy, HĐXX coi vật tranh chấp không tồn tại, quá trình giải quyết vụ án ông T. cũng không có yêu cầu bồi thường, vì vậy, HĐXX quyết định bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Về yêu cầu bà A. xin lỗi công khai vì nhắn tin xúc phạm nguyên đơn qua Zalo và Facebook, HĐXX nhận định những tin nhắn này "có độ tin tưởng không cao, có thể làm giả, không được lập vi bằng", nguyên đơn lại không chứng minh được những tin nhắn ảnh hưởng sức khỏe và gây ra thiệt hại, nên tòa không đủ cơ sở buộc bị đơn xin lỗi.

Không đồng ý với phán quyết trên, ông T. kháng cáo lên TAND TPHCM. Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư của nguyên đơn đưa ra một số hình chụp lại những bài viết được cho là Facebook của bị đơn. Qua đó, nội dung các bài viết có sự xúc phạm nguyên đơn.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm nhận định ông T. cũng không chứng minh được vật tồn tại (bài vị và hũ cốt) nên xem như vật không còn.

Đối với việc ông T. yêu cầu bà A. viết cam kết xin lỗi và không tiếp tục xúc phạm ông T., HĐXX xét thấy bà A. vắng mặt trong suốt quá trình xét xử nhưng căn cứ theo những bài viết trên facebook cùng tài liệu chứng cứ mà ông T. cung cấp, đã xác định trang facebook trên là của bà A. Vì vậy, HĐXX chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo của ông T. yêu cầu bà A. cam kết xin lỗi và không tiếp tục xúc phạm ông T., sửa lại một phần bản án sơ thẩm.

 Hồng Lĩnh