1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Con đường tù tội của Phượng "má mì"

Phượng có một chất giọng dịu dàng, thuyết phục người đối diện. Má mì của các chân dài 9X khóc nhiều, vì nghĩ mình đi tù thì con nhỏ không ai nuôi...

Con đường tù tội của Phượng má mì

“Má mì” Nguyễn Thị Hồng Phượng, SN 1969, trú tại tổ 28 phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ở tuổi 43, nhìn Phượng vẫn rất hấp dẫn với nước da trắng mịn, vóc dáng mảnh mai và gương mặt ưa nhìn. Đặc biệt là giọng nói, Phượng có một chất giọng dịu dàng rất thuyết phục người đối diện. Thế nên, không ai nghĩ, một người phụ nữ dịu dàng như Phượng lại có thể làm má mì, điều hành một đường dây gồm toàn các cô chân dài gắn mác sinh viên 9X.

Sa chân vì… tiền!

Giá của các nữ sinh viên này được Phượng “áp” 2 triệu đồng cho một lần vui vẻ với khách, nhưng chị ta lại cắt tới 50%, nghĩa là chỉ trả cho gái bán dâm 1 triệu đồng.

Hằng ngày, Phượng lân la đến các quán cà phê hạng sang để tìm “hàng”. Thông thường, những cô gái tới đây đều rất chịu chơi, một là có tiền để chơi, hai là không có tiền nhưng thích chơi. Và Phượng đã nhắm vào những cô gái kiểu này, trong đó có khá nhiều cô sinh viên tỉnh lẻ, nhà nghèo nhưng lại thích ăn diện, thích tới những chốn ăn chơi sành điệu.

Chiều 22/5, có hai vị khách sộp từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, nhờ Phượng tìm cho vài cô gái nhưng phải là sinh viên, giá cả không thành vấn đề. Phượng đã điều Nguyễn Thị A, cô sinh viên năm thứ ba một trường cao đẳng nghệ thuật tại Hà Nội và Trần Thị N, sinh viên năm thứ hai một trường đại học về công nghệ thông tin và một gái gọi 9X nữa đến khách sạn Vân Nam, ở 26 đường Láng, quận Đống Đa bán dâm cho khách. Trong khi khách làng chơi và 3 gái mại dâm đang vui vẻ thì bị Công an quận Đống Đa ập vào bắt quả tang.

Hai cô sinh viên đã khóc rất nhiều, họ luôn gục đầu xuống bàn tránh ống kính máy ảnh. A nói rằng, chỉ vì hoàn cảnh của gia đình cô quá nghèo, từ khi đi học đại học, bố mẹ cô không cho tiền ăn học nên cô phải tự xin vào làm cho một nhà hàng để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Quen má mì Phượng qua một người bạn gái giới thiệu, A đã nhận lời “đi chơi” với khách qua sự môi giới của Phượng. Còn với N, cô sinh viên công nghệ thông tin, được Phượng tìm đến làm quen trong một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh. Biết gia cảnh của N nghèo khó, Phượng đã gợi ý cho N biết về một công việc “nhàn hạ” nhưng lại kiếm được nhiều tiền, và cuối cùng N đã không thoát được khỏi cám dỗ, nhất là vào những ngày cuối tháng, khi bố mẹ cô chưa kịp gửi tiền lên.

Con đi tù, chồng chết vì AIDS

Má mì Phượng tâm sự về cuộc đời truân chuyên của mình. Chị ta đã trải qua hai lần đò và cả hai người chồng của Phượng đã chết vì bạo bệnh. Có ba đứa con với hai người chồng, trong đó đứa con lớn đang ở tù vì tội cố ý gây thương tích, Phượng quả là một người phụ nữ bất hạnh.

Giờ đây, bị bắt đi tù vì tội môi giới mại dâm, Phượng lo rằng sẽ không có ai đi tiếp tế cho cậu con trai và đứa con út không có người chăm sóc. Bản thân chị ta cũng không có anh em bà con gì ngoài Hà Nội, vì nhà Phượng ở tận Pleiku, khi bỏ người chồng đầu, chị ta mới ôm con ra ngoài Hà Nội làm nghề may kiếm sống.

“Quê gốc của em ở Thường Tín, nhưng gia đình em vào Pleiku sinh sống từ lâu rồi. Em khổ từ bé, mẹ em mất từ khi em mới 4 tuổi, bố em lấy vợ hai, bà dì cũng không tốt, đánh em suốt” - Phượng nói. Năm 20 tuổi, Phượng lập gia đình lần đầu tiên. “Anh ấy là bộ đội đóng quân ở gần nhà em. Suốt ngày anh ấy say rượu đánh đập, em ra chính quyền báo thì anh ấy nói: “Vợ tao tao đánh, tao dạy” chính quyền cũng ngại không dám dây. Em phải trốn ra Hà Nội, mang 2 đứa con theo, rồi mang một đứa gửi ông ngoại nuôi, sau này thằng con lớn của em về ở với bố nó nhưng em vẫn chu cấp đầy đủ. Anh ấy chết vì cảm. Thằng con trai em thi trượt đại học, rồi đàn đúm đánh nhau phải vào Trại Văn Hòa, bị xử 4 năm về tội cố ý gây thương tích”.

Bỏ Pleiku, ra Hà Nội, Phượng làm nghề thợ may thuê và lấy người chồng mới. “Em làm may thuê cho người ta. Quán làm may ở gần nhà chồng thứ hai của em bây giờ nên bọn em quen nhau, lúc đó anh ấy cũng vừa bỏ vợ. Anh ấy là con của đôi vợ chồng làm đạo diễn nổi tiếng lắm. Bọn em có với nhau một cháu sinh năm 1998. Nhà anh ấy ở đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai”. Phượng cũng không ngớt lời khen người chồng thứ hai, nhưng không ngờ chồng Phượng lại dính vào căn bệnh thế kỷ. Phượng nói trong nước mắt: “Anh ấy tốt lắm. Anh ấy làm nghề sửa chữa xe máy, điện tử, cưu mang từ lúc em mới ra ngoài này nhưng anh ấy lại nhiễm HIV. Từ ngày em biết anh ấy nghiện ngập, em sống ly thân. Năm 2008 thì anh ấy chết. Bố mẹ anh ấy rất tốt với em, ông bà chỉ có một mình chồng em là con trai độc nhất. Em xét nghiệm thường xuyên nhưng rất may là không bị HIV. Ngoài việc thỉnh thoảng môi giới mại dâm thì em vẫn làm nghề may thuê. Ông nội vẫn giúp đỡ mẹ con em, cho tiền đong gạo, ông có lương hưu và có tiền thuê mấy gian phòng mà”.

Đến mẹ vào vòng lao lý

Vẫn biết má mì nào lúc nói chuyện thì cũng đầy thương cảm, nhưng nghe Phượng kể về hành trình sa ngã, sao vẫn thấy nhiều chua xót. “Em đi thuê nhà sau khi ly thân với người chồng thứ hai. Em thuê nhà bán cà phê ở Khương Đình. Khách đến uống cà phê cứ hay hỏi “có hàng không?”, nhiều đứa bạn em đến quán chơi cũng gợi ý cho em “sao không làm thêm khoản kia”. Nhiều cô gái đến quán, em thử hỏi thì thấy các cô ấy đồng ý luôn. Em cũng không nghĩ việc mình làm là phạm tội đâu vì em giới thiệu cho nhiều người, họ cho ít tiền trả công”. Mà sao chị biết các cô gái đó đồng ý bán dâm? – chúng tôi hỏi. Phượng đáp: “Thì họ là sinh viên tỉnh lẻ, có nhiều nhu cầu mua sắm, cần tiền để trang trải sinh hoạt nên họ cũng dễ chấp nhận công việc đó. Em mở quán cà phê một thời gian rồi đóng cửa vì vắng khách. Lúc đó bố chồng em gọi về ở cùng vì ông bà biết em phải đi thuê nhà cũng vất vả. Bố mẹ chồng em chỉ có chồng em là con trai độc nhất lại mất rồi nên em cũng muốn mang con về để cho ông bà vui”.

Phượng biện minh cho hành động của mình: “Thời gian này con em bị tai nạn gãy xương, không có tiền bó bột cho con nên em mới phải làm thế. Em chỉ mong cơ quan Công an xét hoàn cảnh gia đình để cho em về sớm chăm sóc con. Em ở trong tù thì em cũng chả có ai thăm nom tiếp tế gì đâu. Con trai em ở trại cũng thế, em bị bắt rồi thì cũng không có ai đi tiếp tế cho nó”.

Theo Bảo Minh
Công lý