Con 17 tháng tuổi, bố mẹ ra tòa tranh chấp quyền nuôi dưỡng
(Dân trí) - Khi đứa trẻ 7 tháng tuổi, vì mâu thuẫn với chồng và gia đình, người mẹ đã bỏ con vào Nam với ý định đi tu, sau đó đệ đơn xin li hôn, đòi quyền nuôi con. Cuối cùng, tòa tuyên giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cho người bố dù thời điểm hiện tại, cháu bé chưa đầy 36 tháng tuổi.
Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp quyền nuôi con theo đơn kháng cáo của anh T. vắng ngắt. Anh T. gửi con ở nhà, cùng người chị gái xuống tòa. Phía dãy ghế bên kia là chị H. – vợ anh T, cũng không có nhiều người thân của chị này tới dự tòa.
Chị H. là vợ hai. Trước đó, anh T. đã qua một lần đổ vỡ, có 2 đứa con gái. “Hai cháu ở với bố, một cháu thì mẹ chu cấp. H. lấy T. cũng qua mai mối, biết rõ hoàn cảnh của nhau”, người chị gái của anh T. nói.
Hai người có 1 đứa con chung, là bé trai, hiện được 17 tháng tuổi. Trong phiên tòa trước, TAND huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) chấp thuận đơn ly hôn của chị H, đồng thời giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé cho người mẹ. Không đồng ý, anh T. làm đơn kháng cáo, giành quyền nuôi con, đồng thời không yêu cầu chị H. phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con.
Theo trình bày của anh H., trong quá trình chung sống, hai vợ chồng không có mâu thuẫn gì đáng kể. Tuy nhiên, chị T. có tính hay dỗi, đã 3 lần đòi bỏ nhà đi. “Con mới 7 tháng nhưng cô ấy bỏ nhà đi. Cũng không có mâu thuẫn gì to tát. Tôi bảo cô ấy suy nghĩ cho kỹ, đừng làm trò cười cho thiên hạ, đi lần này, tôi sẽ không tha thứ nhưng cô ấy vẫn để con lại mà đi, vào chùa tận miền Nam xin đi tu. 5 ngày sau cô ấy về, xin vào nhà nhưng đến nước này thì tôi không thể chấp nhận được nữa”, anh T. nói.
Trong khi đó, chị H. lại tố bị gia đình chồng và chồng cô lập, coi thường, bóc lột sức lao động khiến chị không thể chịu đựng được. Mặc dù tố gia đình chồng tệ bạc với mình nhưng chị lại không báo cáo với chính quyền địa phương để can thiệp, bảo vệ. Chị H. bỏ đi là muốn "giải tỏa tâm lý" và để "nhà chồng suy nghĩ lại" về cách đối xử với chị.
“Chị nghĩ gì khi để lại con ở nhà, một mình bỏ đi như thế? Chị có nghĩ đến con khóc vì khát sữa không? Chị bỏ đi nhiều ngày như thế liệu còn sữa cho con không?”, vị chủ tọa phiên tòa hỏi.
“Tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi tự hứa với mình là không để mất nguồn sữa của con", chị H. nói. Và cách mà người phụ nữ này giữ nguồn sữa cho con là... cho con người khác bú.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị H. cho rằng đứa trẻ chưa đầy 36 tháng tuổi, việc tòa sơ thẩm tuyên quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu cho mẹ là đúng. Chị H. và luật sư của mình đề nghị tòa bác đơn kháng cáo của người chồng.
Sau khi li hôn, chị H. kiếm sống bằng nghề bán thức ăn sáng ở chợ, cách nhà 5km. Theo chị H. trình bày, với thu nhập 5 triệu đồng 1 tháng, chị đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con trai. Trong khi đó, người chồng hiện đang nuôi 2 con gái riêng với người vợ trước.
Trước lí lẽ của chị H., anh T. cho rằng, người phụ nữ đã bỏ con mà đi chỉ vì “muốn giải tỏa tâm lý” cho bản thân trong khi bản thân chồng và chồng không làm gì quá đáng thì không đủ tư cách để nuôi con.
Với nghề cạo mủ cao su, cán bộ thú y, bán thuốc, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, anh T. cho rằng mình có thể chăm sóc, nuôi nấng con một cách tốt nhất. “Đúng là hiện tại hai đứa con gái của vợ đầu đang sống với tôi nhưng bố mẹ tôi có lương hưu, cũng hỗ trợ nhiều. Mẹ cháu cũng cấp dưỡng nuôi 1 cháu. Hai cháu cũng đã lớn, 13, 15 tuổi rồi, có thể giúp bố việc nhà hay chăm em khi tôi đi làm”.
Sau một hồi tranh luận, chị H. bày tỏ nguyện vọng được hàn gắn. Vị chủ tọa và đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đã dành nhiều thời gian phân tích, thuyết phục anh T. “Người bố cũng muốn nuôi con, người mẹ cũng muốn nuôi con, xét cho cùng là ai cũng vì thương yêu con cả. Cách tốt nhất là để cháu có một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Nếu cần, chúng tôi có thể hoãn phiên tòa 1 tháng để anh suy nghĩ lại việc có thể hàn gắn với chị H. không?”, chủ tọa phiên tòa nói.
Nghe những phân tích, thuyết phục của HĐXX, anh T. xin hoãn tòa để có thời gian suy nghĩ. Thế nhưng, lúc này, chính chị H. lại không đồng ý hàn gắn, yêu cầu tòa tiếp tục làm việc và trao quyền nuôi con cho mình. Hai bên tiếp tục đưa ra những bào chữa và bằng chứng có lợi cho mình.
HĐXX nhận định, cấp sơ thẩm chưa xem xét đến điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con của người mẹ. Khi cháu bé mới 7 tháng, đang rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ, cần bú sữa mẹ hàng ngày thì chị H. bỏ đi, để con cho chồng. Hơn nữa, thời điểm hiện tại chị H. không có công việc, thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống của mình và chăm sóc con.
Từ khi chị H. bỏ đi đến nay, cháu bé được bố chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển bình thường (có giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế). Để đảm bảo ổn định sinh hoạt, không bị xáo trộn về tâm sinh lý của cháu bé, HĐXX quyết định giao con chung của hai vợ chồng cho anh T. nuôi dưỡng.
Phiên tòa kết thúc, hai người đã từng là vợ chồng dường như không nhìn thấy nhau. Với họ, cuộc chiến giành quyền nuôi con dường như chưa kết thúc...
Luật sư Lê Thị Kim Soa - Văn phòng Luật sư Lê Trần (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An):
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Với tinh thần đó thì việc giao con cho ai trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng là vì lợi ích của con. Sở dĩ điều luật quy định giao con dưới 36 tháng cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là cũng muốn tốt cho con vì lúc này con còn quá nhỏ cần sự ôm ấp, chăm bẵm, bú mớm của người mẹ…Tuy nhiên vì trong thực tế có nhiều người mẹ lại không chăm sóc con tốt bằng cha, không đưa lợi ích cho con bằng người cha thì tòa cũng có thể giao con cho người cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong trường hợp mà báo đưa tin thì rõ ràng khi mới 7 tháng tuổi người mẹ đã vì ích kỷ cá nhân mà bỏ lại con thơ cho chồng chăm sóc, không cần biết con có khát sữa không? Chồng có chăm sóc tốt không?... Tòa án cấp phúc thẩm giao con cho người cha trực tiếp nuôi con trong trường hợp này là hoàn toàn thỏa đáng vì việc giao con cho người chồng thì quyền lợi của đứa bé sẽ được bảo đảm hơn.
Hoàng Lam